22/10/2014 11:22 GMT+7

​Hà Nội: nhún nhảy cùng nhạc đường phố

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TT - Ban quản lý phố cổ Hà Nội mới đưa nhạc đường phố vào phục vụ người dân và du khách khoảng một tháng nay, và đã tạo ra không gian lý tưởng thu hút khách du lịch.

Các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc dân gian tại ngã ba Mã Mây - Lương Ngọc Quyến - Ảnh: Quang Thế
Nghệ sĩ nhí Dương Ngọc Hiếu (7 tuổi) thu hút sự quan tâm của khán giả đường phố - Ảnh: Quang Thế
Biểu diễn nhạc trên phố Hàng Buồm - Ảnh: Quang Thế

Ở các nước khác, đặc biệt một số nước châu Âu thì nhạc đường phố đã có từ rất lâu rồi. Đưa nhạc đường phố vào biểu diễn sẽ tạo được ấn tượng với du khách khi họ đến Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, biểu diễn nhạc đường phố còn là bảo tồn văn hóa. Việc đan xen giữa các điểm nhạc đương đại và nhạc dân gian cổ truyền của Việt Nam trên các đường phố là sự phối hợp hài hòa.

Ban quản lý phố cổ và các cơ quan chuyên môn cần quản lý, duy trì và phát triển bền vững loại hình này

Giáo sư NGÔ ĐỨC THỊNH (nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam)

Nhiều du khách tỏ ra thích thú khi vừa thưởng thức đồ ăn đường phố và được nghe những tiết mục âm nhạc miễn phí.

20g, còn 30 phút nữa mới đến giờ biểu diễn của các nghệ sĩ nhưng dường như các khu vực ngã tư có điểm nhạc đường phố đã không còn một chỗ trống. Ðể xem nhạc trên đường phố Hàng Buồm, nhiều khán giả nhí phải ngồi ngay dưới lòng đường.

Nghe nhạc tại các ngã tư

Theo ban quản lý phố cổ Hà Nội, tại các tuyến đường đi bộ của phố cổ Hà Nội có sáu điểm nhạc hoạt động thường xuyên vào các ngày cuối tuần (từ thứ sáu đến chủ nhật). Trong đó có ba điểm nhạc dân gian biểu diễn ở đền Bạch Mã, Quan Đế, Hương Tượng và ba điểm nhạc đương đại biểu diễn ở ngã năm Đông Thái - Mã Mây - Đào Duy Từ - Hàng Buồm, Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện - Hàng Buồm. Các điểm nhạc này hoạt động dưới sự quản lý của UBND Q.Hoàn Kiếm và Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Nội.

Vừa xem nhạc vừa nhảy giữa phố cùng nhiều người mới quen, bà Hoàng Dung (43 tuổi, quê ở Gia Lai) chia sẻ: “Tôi làm nghề kinh doanh nên thường xuyên ra Hà Nội. Nhưng lần này là vui nhất vì được thưởng thức nhiều tiết mục nhạc ngay giữa phố. Lúc nghệ sĩ chơi nhạc dân ca của đồng bằng Bắc bộ, tôi đã rất xúc động. Ðây là một sân chơi lành mạnh và vui vẻ cho mọi người. Mặc dù khán giả không ai quen biết nhau nhưng tất cả đều cùng hòa vào các giai điệu âm nhạc rất vui”.

Tại ngã tư Mã Mây - Lương Ngọc Quyến, khán giả chen nhau xem những tiết mục mang đậm văn hóa của đồng bằng Bắc bộ như ca trù, hát xẩm, hát trống quân và hòa tấu các nhạc cụ.

“Tôi sống ở phố cổ 67 năm rồi nhưng chưa bao giờ có nhạc đường phố hay như thời gian gần đây. Mỗi điểm nhạc là một bản sắc văn hóa, là độc đáo trong từng tiết mục. Tôi thích nhất là những tiết mục biểu diễn về ca trù và chầu văn” - bà Trần Lệ Hương (ở phường Hàng Bạc, Q.Hoàn Kiếm) nói.

Nhiều du khách nước ngoài không hiểu lắm về nội dung âm nhạc VN mà các nghệ sĩ thể hiện nhưng họ cũng tỏ ra rất thích thú. “Ðây là lần đầu tiên tôi đến VN và lần đầu tiên được xem những tiết mục biểu diễn này. Tôi ngạc nhiên và thấy nó lôi cuốn” - một du khách người Hà Lan chia sẻ.

Với Mayr (26 tuổi) đến từ Tây Ban Nha thì đây là lần đầu tiên chị đến Hà Nội du lịch, lần đầu tiên được thưởng thức nghệ thuật đường phố trong khu phố cổ thủ đô. “Tôi không hiểu nội dung phần biểu diễn nhưng nghe thì rất thích. Tôi thích cách họ nhảy múa, lắc lư, trông rất lạ và hay. Trang phục của những nghệ sĩ trông rất đẹp. Ồ, hóa ra tiếng Việt nghệ thuật này được gọi là chầu văn ư?” - Mayr reo lên thích thú. Cô cho biết: “Ở Tây Ban Nha có điệu nhảy flamenco truyền thống. Tôi cũng nghĩ nghệ thuật chầu văn là truyền thống của VN”.

Ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến được giới trẻ đặt cho cái tên là “ngã tư quốc tế” cũng đã thu hút một lượng lớn khán giả vì ở đây không chỉ tập trung du khách nước ngoài mà còn rất đông giới trẻ Hà Nội. Tiếng nhạc vang lên, các bạn trẻ lập tức hòa mình vào với những bản nhạc trẻ đang thịnh hành.

Anh Lâm Nguyên - phó chủ nhiệm khoa giao hưởng Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và là trưởng ban nhạc Magic biểu diễn ở ngã tư này - cho biết: “Nhạc đường phố ở nước ngoài chủ yếu do các nghệ sĩ không chuyên biểu diễn. Khi Hà Nội đưa các điểm nhạc đường phố vào phục vụ nhân dân và du khách thì rất tuyệt vời khi các nghệ sĩ biểu diễn đã được đào tạo qua trường lớp. Khi biểu diễn ngoài trời như thế này du khách thì thích thú, còn nghệ sĩ thì hứng khởi. Ðó cũng là sự khác biệt giữa việc biểu diễn trong nhà hát và biểu diễn ở ngoài trời”.

Nhóm nhạc của giảng viên Lâm Nguyên chủ yếu biểu diễn các thể loại như flamenco, jazz, cổ điển, rock... “Chúng tôi luôn chờ đến giờ để được chơi nhạc trên đường phố. Hôm nào không đến thì nhớ lắm. Sự hâm mộ và tình cảm của khán giả đường phố giúp chúng tôi có thêm cảm xúc để thể hiện” - anh Lâm Nguyên nói.

Diễn theo thư “đặt hàng” của khán giả

“Diễn ngoài trời chúng tôi hay phải di chuyển địa điểm nên không thông báo trước, nhiều hôm không hiểu sao khán giả vẫn biết địa điểm để đến, đó là hạnh phúc của chúng tôi. Họ đã không quay lưng với chúng tôi và nghệ thuật đường phố. Chính vì vậy đoàn chúng tôi không chỉ diễn cho họ thưởng thức mà còn làm việc lớn hơn, đó là bảo tồn” - nhạc sĩ Thao Giang, phó giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN, cho biết.

Nhạc sĩ Thao Giang chia sẻ thêm là nghệ sĩ, ông rất tự hào vì không chỉ du khách trong nước mà có cả du khách nước ngoài tụ họp ở các ngã tư này để thưởng thức những tiết mục nhạc cổ truyền.

“Họ vừa xem vừa nhảy theo những tiết mục do các nghệ sĩ trình diễn. Nhiều người nước ngoài mặc dù không hiểu tiếng cũng như tiết tấu, nội dung âm nhạc nhưng âm nhạc đã lôi kéo mọi người gần nhau hơn. Mỗi đêm chúng tôi diễn xong có hàng tập thư gửi cho đoàn để góp ý. Vậy nên chương trình và các tiết mục biểu diễn của chúng tôi chủ yếu diễn theo thư yêu cầu của khán giả” - nhạc sĩ Thao Giang nói.

Nhạc sĩ Phạm Hồng Phương - trưởng khoa nhạc cụ Trường ÐH Sư phạm nghệ thuật trung ương và cũng là trưởng ban nhạc Cảm Xúc - cho biết: “Nhiều hôm nhóm nhạc chúng tôi phải diễn quá giờ để phục vụ du khách. Có nhiều người ở TP.HCM ra chơi hay du khách Việt kiều về nước thấy xúc động vì họ nói chưa hề thưởng thức một đêm nhạc ngoài trời nào đầy cảm xúc như vậy”.

Sẽ duy trì lâu dài

Bà Trần Thúy Lan - phó trưởng ban quản lý phố cổ Hà Nội - cho biết: “Việc đưa nhạc đường phố phục vụ miễn phí ở các tuyến phố đi bộ là chủ trương của UBND TP Hà Nội và đã nghiên cứu từ ba năm trước. Trước khi đưa các điểm nhạc vào biểu diễn thường xuyên thì UBND TP Hà Nội đã cho thử nghiệm nhiều lần."

"Tuy chỉ mới hoạt động được một thời gian ngắn nhưng nhạc đường phố đã tạo ra một hiệu ứng rất tốt, lượng khách du lịch đến với phố cổ tăng vọt."

"Do lượng người tập trung xem nhạc quá lớn, trong khi diện tích nhỏ hẹp nên thời gian tới điểm nhạc đương đại ở ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến sẽ được di chuyển đến ngã tư Lương Ngọc Quyến - Hàng Giầy."

"Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các điểm nhạc nói trên để phục vụ cho công chúng, đồng thời nghiên cứu kỹ hơn về khâu tổ chức để nhạc đường phố hoạt động tốt hơn”.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp