Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ trình HĐND thành phố chương trình liên quan đến hạn chế xe máy - Ảnh: Xuân Long |
Ông Chung nói vậy khi phúc đáp ý kiến của lãnh đạo Bộ TN-MT về tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Theo ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, Hà Nội là một trong những điểm báo động về thực trạng ô nhiễm không khí.
“Giao thông, xây dựng, công nghiệp, trong đó giao thông là một trong những nguồn gây ra ô nhiễm không khí nhất” - ông Nhân nói.
Xung quanh vấn đề xử lý rác thải ở Hà Nội, ông Nhân cho biết việc xử lý theo công nghệ chôn lấp tại khu xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) đến thời điểm này không còn phù hợp.
Ông Nhân khẳng định Bộ TN-MT đặc biệt biệt ủng hộ việc đưa các công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải.
Phúc đáp ý kiến của lãnh đạo Bộ TN-MT, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã đến mức báo động đỏ.
“Từ năm 2016, chúng tôi đã sử dụng nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của Pháp để thực hiện lắp các trạm quan trắc môi trường. Hiện nay đã lắp 10 trạm, và trong lộ trình năm 2017 lắp thêm 80 trạm. Từ các trạm này sẽ có toàn bộ thông số về ô nhiễm không khí của thành phố Hà Nội. Từ thông tin 10 trạm đã hoạt động hơn 2 tháng qua, có thể nói nguồn ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện nay nặng nề nhất là nguồn khí xả thải của xe máy và ô tô” - ông Chung nói.
“Hiện nay, thống kê có 2,5/6 triệu xe máy quá thời hạn sử dụng. Vấn đề này thành phố đang cố gắng, và đến kỳ họp HĐND thành phố vào tháng 6-2017 dự kiến sẽ trình chương trình liên quan đến hạn chế xe máy, sau đó sẽ trình Chính phủ. Tinh thần đề xuất theo hướng thành phố sẽ bỏ ra khoản tiền hỗ trợ và có biện pháp thu hồi các xe máy, ô tô đã quá hạn sử dụng” - ông Chung nói.
Để giảm ô nhiễm không khí, ông Chung cho biết thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 sẽ trồng 1 triệu cây xanh. Tiếp nữa là đầu tư cơ giới hóa xe hút bụi.
“Hiện trang bị được 40 xe và phấn đấu đến hết quí 1-2017 sẽ có 100 xe hút bụi. Ngoài ra, thành phố đang xây dựng quy chế theo hướng thời gian tới siết chặt hoạt động của xe chở bùn, chở đất, phế thải vào ban đêm. Các công trình phải có chỗ rửa cho xe trước khi ra khỏi công trình, đảm bảo vận chuyện không rơi bùn đất, cát ra đường. Đối với các công trình liên quan đến phá dỡ là phải phun nước. Như vậy mới hi vọng giảm được ô nhiễm” - ông Chung cho biết.
Đề cập về vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, ông Chung cho biết, từ sau hội nghị xúc tiến đầu tư vào tháng 6-2016 đến nay, Hà Nội nhận được 32 hồ sơ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các công nghệ xử lý rác khác nhau.
Hiện nay Hà Nội đang tập trung xem xét lựa chọn trong số này. Cố gắng trong quí 2-2017 sẽ khởi công nhà máy xử lý rác thải trên Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) với công suất 4.000 tấn/ngày đêm theo công nghệ đốt và phát điện.
Cũng trong quí 2-2017, thành phố sẽ đưa vào vận hành nhà máy xử lý đốt rác thải công nghiệp để phát điện với công suất 75 tấn rác/ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận