Ông Trần Hồng Hà cho rằng cần có quy hoạch giao thông đô thị đồng bộ với không gian ngầm để ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh: Đ.X.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30-5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho rằng trước diễn biến thời tiết bất thường gây ra mưa lớn như những ngày qua, không chỉ ở Việt Nam mà tại các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu, khó có hạ tầng nào chịu đựng được.
"Chúng ta cần thấy rằng vấn đề dị thường của thời tiết như mưa lớn cực đoan với việc đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn, đều mang đến những nguy cơ như nhau", ông Hà cảnh báo.
* Thực tế ở các thành phố lớn của ta hầu hết là các nhà cao tầng, đó có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sau một cơn mưa lớn Hà Nội biến thành sông?
Hệ thống nhà cao tầng và việc ngập lụt tại thành phố chưa chắc đã có mối liên hệ với nhau. Tất nhiên là có ảnh hưởng. Hạ tầng tiêu thoát nước phải tính toán trữ được cả lượng nước con người sử dụng, cũng như lượng nước mưa trong thời tiết cực đoan. Tính toán đồng bộ cơ sở hạ tầng, số lượng người dân, nước thải cộng với nước mưa.
* Theo ông, có phải năng lực dự báo còn hạn chế nên không đánh giá hết được những nguy cơ ngập úng ở các thành phố khi có diễn biến thời tiết bất lợi?
Tôi nghĩ rằng dự báo có thể làm được. Khi dự báo nói đến lưu lượng mưa trong một đơn vị thời gian, tính toán được trên một mét vuông lượng mưa thế nào. Vấn đề là chúng ta cần làm tiếp bài toán mô hình, khả năng của hệ thống tiêu thoát nước.
Hiện công tác dự báo cũng đã thực hiện được điều đó. Tất nhiên để dự báo trong thời gian ngắn, chính xác là điều không dễ. Đặc biệt, bài toán đặt ra là phải dự báo trong điều kiện thời tiết cực đoan, dù độ chính xác còn khác nhau.
* Ông có cho rằng Hà Nội nên có dự án chống ngập giống TP.HCM?
Trước hết, Hà Nội cần tăng cường công tác dự báo. Hà Nội cũng cần có dự án tổng thể, trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu về các hiện tượng cực đoan của thời tiết với lượng mưa như thế này.
Hà Nội cũng cần nghiên cứu một cách kỹ càng, cách tiếp cận khi thiết kế đô thị là hướng tới đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Còn bài toán mang tính ứng phó, tức khi đã ngập rồi thì phải sử dụng các máy bơm để thoát nước, là phương án trù bị thôi. Khi xây dựng đô thị, phải tính toán hệ thống tiêu thoát nước, đảm đương được huyết mạch của đô thị, để trở thành đô thị có khả năng chống chịu một cách thông minh, đảm bảo được tính bền vững khi thời tiết cực đoan.
Do vậy, cần có một dự án tiếp cận một cách tổng thể, xuất phát từ dự báo, quy hoạch để có một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng, phù hợp được. Thêm vào đó là các giải pháp kỹ thuật, sử dụng các giải pháp mang tính chủ động.
* Ông có thể nói cụ thể hơn về mô hình xây dựng đô thị thông minh bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu?
Phải nhìn lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị. Trước hết phải dự báo được tính cực đoan của khí hậu thời tiết, xây dựng hệ thống huyết mạch trong việc thu nước mưa, thoát nước mưa, xử lý nước thải phải đồng bộ.
Trong thiết kế phải tính toán được độ cao của các khu vực và khi thiết kế hệ thống thoát nước ngầm của đô thị cần có tầm nhìn để khu vực đó tự nhiên thoát được nước. Khu vực không tự thoát được nước thì phải sử dụng máy móc thiết bị để thoát nước.
Trong trường hợp thời tiết cực đoan hơn nữa thì phải có phương án xây dựng hệ thống để trữ nước. Như Nhật Bản có khu vực ngầm được bố trí, gọi là hầm chứa lớn ở dưới, vừa giữ lượng nước, vừa dự trữ nước để khi hạn hán thì sử dụng tưới cây.
Hoặc tại các trường học, sân vận động, cánh đồng, nếu có thể điều chỉnh van trong hệ thống để dẫn nước vào những nơi này, trở thành nơi chứa nước tạm thời để tránh ngập cho những nơi xung yếu.
Thậm chí, như tôi đã nói, dưới đường giao thông cần xây dựng hệ thống các tầng chứa nước, thùng rất lớn để chứa nước. Đó là giải pháp mà các nước làm, tất nhiên là đắt đỏ, nhưng quan trọng là tầm nhìn, thiết kế và đầu tư hạ tầng và phải đồng bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận