Chăm sóc cỏ trên đại lộ Thăng Long (Hà Nội) - Ảnh. Đ.NGUYỄN |
Tôi rất hoan nghênh những ý kiến rất thẳng thắn của ông chủ tịch UBND TP Hà Nội khi mạnh dạn nêu ra vấn đề ngân sách phải chi phí rất lớn, như câu chuyện chỉ có 24km ở đại lộ Thăng Long nhưng một năm riêng tiền cắt cỏ và tỉa cây lên tới 53 tỉ đồng, chi phí lớn như thế là không thể chấp nhận được.
Tôi cho rằng bất cập đầu tiên chính là sự lựa chọn không phù hợp về chủng loại cây để trồng. Với một tuyến đại lộ kéo dài 24km dẫn từ nội thành hướng ra các huyện ngoại thành, việc lựa chọn trồng cỏ, hoa là không phù hợp và chính sự không phù hợp này dẫn tới lãng phí.
Thực tế với những tuyến đường đại lộ có dải phân cách giữa lớn như đại lộ Thăng Long, nếu chọn trồng cỏ và hoa thì việc phải duy tu chăm sóc thường xuyên là không thể tránh khỏi. Nếu không chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên thì cỏ cây sẽ mọc um tùm, tốn kém và lãng phí cũng một phần nằm ở chỗ này.
Ở nhiều nước và ngay ở các thành phố tại VN, với những dải phân cách giữa của các tuyến đường đại lộ, loại cây thường được lựa chọn trồng là những nhóm cây chống bụi. Đây là những nhóm cây không cao, có tác dụng chắn bụi, vẫn cho màu xanh, nhưng quan trọng là chi phí trồng cây không lớn, không phải bỏ kinh phí duy tu, chăm sóc thường xuyên, như vậy sẽ tiết kiệm được tiền cho ngân sách.
Vấn đề bất cập và lãng phí thứ hai, theo tôi, là có sự không minh bạch trong triển khai và có bất cập lớn về đơn giá trong duy tu cỏ hoa.
Từ con số 53 tỉ đồng duy tu cỏ hoa cho tuyến đại lộ 24km mà ông chủ tịch nêu, tôi nhẩm tính mỗi kilômet dải phân cách phải chi mỗi năm hơn 2 tỉ đồng để chăm sóc cỏ, hoa. Tương ứng với số kinh phí đó là mức chi khoảng 200 triệu đồng/tháng đối với mỗi kilômet cỏ, hoa. Như vậy, nếu bố trí 10 người chăm sóc, mỗi người phụ trách 100m, lương khoảng 5 triệu đồng/tháng thì chi phí khoảng 50 triệu đồng, cộng thêm tiền nước tưới, tính cả trồng cây, chi phí khác nữa thì con số cũng không thể lên đến 200 triệu đồng/tháng.
Thành phố cũng đã đánh giá về đơn giá duy tu cỏ, hoa, cây xanh có bất cập, không sát với thực tế, trong đó với những số liệu dự kiến sau điều chỉnh đơn giá, định mức, dự kiến tổng kinh phí cho duy tu cỏ hoa, cây xanh sẽ giảm được hơn 40%, tôi nghĩ chi phí trước đây thật sự có nhiều lãng phí.
Việc giảm ngân sách cho duy tu cỏ hoa là hoàn toàn đúng, không thể chi phí lớn như vậy từ ngân sách, cũng không phải tuyến đường nào cũng duy trì thảm cỏ, trồng hoa. Ví như đường Nguyễn Chí Thanh - tuyến đường giữa trong nội thành có đông dân - thì có thể duy trì thảm cỏ, trồng hoa, còn với các tuyến đường đại lộ Thăng Long, với hơn 24km mà duy trì thảm cỏ, trồng cắt tỉa hoa là quá lãng phí và không phù hợp.
Ngoài việc cắt bỏ duy tu cỏ, hoa ở nhiều tuyến đường không cần thiết, theo tôi, cũng phải rà soát điều chỉnh lại đơn giá, định mức. Tôi nghĩ Hà Nội nên bớt những khoản tiền đó để đầu tư cho tu sửa, nâng cấp đường sá ở những khu vực cửa ngõ thủ đô. Hiện nay các tuyến đường cửa ngõ thủ đô, cảnh quan và môi trường trên các tuyến từ sân bay về thủ đô, tuyến từ Lạng Sơn và các tuyến quốc lộ về thủ đô như quốc lộ 1, 5, 6 vẫn còn rất nhếch nhác, bụi bặm.
Đà Nẵng chi mỗi năm 105 tỉ chăm sóc cây xanh, thảm cỏ Ông Đặng Đức Thứ, giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP Đà Nẵng, cho biết đã bất ngờ khi nghe thông tin TP Hà Nội chi một khoản tiền khá lớn cho việc chăm sóc cây xanh, thảm cỏ. Tuy nhiên, theo ông Thứ, việc so sánh số tiền mà mỗi địa phương chi cho việc chăm sóc cây xanh, thảm cỏ rất khó vì phụ thuộc vào quy mô và cách làm của từng địa phương. Theo ông Thứ, ở TP Đà Nẵng việc tổ chức chăm sóc cây xanh, thảm cỏ đều do Công ty Công viên cây xanh TP Đà Nẵng đảm trách, chứ không giao cho tư nhân làm như ở Hà Nội. “Mọi chi phí chăm sóc cây xanh, thảm cỏ đều được UBND TP Đà Nẵng tính toán kỹ lưỡng rồi ban hành đơn giá rõ ràng theo quy định và cứ thế công ty triển khai thực hiện. Còn các địa phương giao về cho tư nhân làm nên giá chắc chắn sẽ rất cao” - ông Thứ nói. Theo ông Thứ, mỗi năm TP Đà Nẵng chi 105 tỉ đồng để lo cho chăm sóc không gian xanh của TP. Trong đó bao gồm việc chăm sóc (tưới, cắt tỉa cành nhánh, chằng chống cây lúc thời tiết bình thường và trong thời gian mưa bão), trồng giặm, trồng bổ sung số cây bị chết yểu ở các tuyến đường, chăm sóc cắt tỉa cỏ, cây ở hàng chục công viên, vườn dạo, các tuyến đường... Ông Thứ cho biết so với các địa phương khác trong cả nước thì việc chăm sóc cây ở TP Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn hơn do năm nào cũng hứng chịu nhiều cơn bão. Nhiều khoản phát sinh như chằng chống, cắt tỉa cây trong mùa bão, sau khi bão đi qua gây ngã đổ cây thì phải trồng lại. Sắp tới để thuận lợi cho việc tổ chức chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, TP sẽ phân cấp về cho các quận, huyện quản lý chăm sóc cây xanh, thảm cỏ ở các tuyến đường rộng từ 7,5m trở xuống. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận