Cá chết trôi dạt vào ven hồ Tây sáng 6-11 - Ảnh: PHẠM TUẤN
Sáng 6-11, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại ven hồ Tây (Hà Nội) hiện tượng cá chết trắng, nổi lềnh bềnh, trôi dạt vào bờ bốc mùi hôi thối tiếp tục tái diễn.
Cụ thể, tại hồ Tây đoạn chạy qua tuyến đường Trích Sài, Nguyễn Đình Thi, Lạc Long Quân (Tây Hồ)... rất nhiều cá chết dạt vào ven bờ. Ngoài cá, rất nhiều rác thải nhựa, rác sinh hoạt cũng được sóng hồ đánh trôi dạt vào ven bờ.
Được biết, sự việc cá chết tại hồ Tây đã diễn ra khoảng một tháng nay, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy tình trạng sẽ chấm dứt.
Cá chết nổi kèm rác thải - Ảnh: PHẠM TUẤN
Cá chết dạt vào bờ nhưng vẫn chưa được thu vớt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, ruồi nhặng bâu kín tạo nên mùi hôi thối khó chịu, ảnh hưởng tới người đi dạo ven hồ Tây.
Anh Hoàng Anh Tâm (27 tuổi) nói: "Cả tháng nay rồi, cứ đi dạo hay chạy bộ qua dọc hồ Tây bị mùi thối do cá chết xộc thẳng vào mũi, rất khó chịu. Chạy bộ đã mệt rồi, ngửi phải mùi thối của cá chết nữa thực sự không hề dễ chịu một chút nào".
Cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt hồ - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 6-11, ông Nguyễn Đình Khuyến - chủ tịch UBND quận Tây Hồ - cho biết quận chỉ đảm bảo an ninh, trật tự quanh khu vực hồ Tây, còn việc quản lý chất lượng nước, cá tại hồ Tây thì UBND TP chưa giao chính thức cho quận.
"Hôm qua khi nhận được thông tin cá chết thì quận đã báo với Sở Xây dựng TP và Công ty Thoát nước Hà Nội, chứ quận không được chủ trì xử lý vấn đề này. Việc này do 2 đơn vị trên chủ trì, xử lý" - ông Khuyến nói.
Cá chết dạt vào bờ hôi thối, người dân tát nước đẩy cá trôi ra xa - Ảnh: PHẠM TUẤN
Ông Khuyến nhận định nguyên nhân cá chết có thể là do "thời tiết cực đoan, không thuận lợi". Về giải pháp, vị lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết nếu sắp tới được TP giao cho quận quản lý thì địa phương sẽ tiến hành đánh bắt bớt cá rô phi đang sống trong lòng hồ.
"Hiện nay cá rô phi trong hồ đang rất nhiều, mà loài cá này rất khỏe làm ảnh hưởng tới cá khác" - ông nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Vũ Quảng Sương - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - cho biết Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội. Về phía công ty thoát nước, đơn vị hiện nay vẫn đang tích cực vớt phế thải và cá chết nổi trên mặt hồ Tây để tránh tình trạng ô nhiễm.
Tuổi Trẻ Online cũng đã liên hệ với ông Võ Nguyên Phong - giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - để tìm hiểu nguyên nhân, trách nhiệm và động thái xử lý vấn đề cá chết tại hồ Tây của Sở Xây dựng Hà Nội nhưng không nhận được phản hồi.
Tình trạng cá chết đã diễn ra được hơn 1 tháng nay - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trước đó, liên quan đến sự việc cá chết hàng loạt tại hồ Tây (Hà Nội), Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa yêu cầu các sở, ngành và chính quyền địa phương khẩn trương chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội gửi UBND TP, đơn vị này đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội theo dõi, kiểm tra, thực hiện công tác duy trì vệ sinh, thu gom vận chuyển về bãi xử lý theo quy định.
Qua theo dõi về công tác duy trì, vận hành mực nước hồ Tây phục vụ thoát nước, hằng năm vào khoảng các tháng 9, 10 khi thời tiết giao mùa thường xảy ra hiện tượng cá chết lác đác trên các hồ nội thành.
Chất lượng quan trắc nước hồ Tây cho thấy thông số oxy hòa tan (DO) có thay đổi liên tục. Cụ thể, có dấu hiệu giảm bắt đầu từ ngày 25-9 (DO là 3,6 mg/l); ngày 26-9 là 0,46mg/l, ngày 28-9 giảm xuống còn 0.
Tuy nhiên, giá trị thông số đến ngày 29-9 đạt 4,54 mg/l, ngày 6-10 đạt 6,19 mg/l... (theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt quy chuẩn Việt Nam, giá trị giới hạn cột B1 đối với thông số oxy hòa tan là ≥ 4mg/l). Các thông số: BOD, COD, TSS, Amoni đều vượt quy chuẩn cho phép...
Báo cáo kết quả quan trắc thụ động sau khi tiến hành khảo sát xung quanh hồ Tây, lấy mẫu phân tích chất lượng môi trường nước hồ Tây tại 7 vị trí khác nhau tại hồ Tây của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy nồng độ oxy hòa tan của 7/7 mẫu đều nằm trên ngưỡng giới hạn tối thiểu cho phép (≥ 4 mg/l) khi có nồng độ dao động 6,95- 7,64 mg/l.
7/7 mẫu đều có 4/16 thông số BOD, COD, Amoni xấp xỉ hoặc vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn. Riêng vị trí cửa cống thông hồ Trúc Bạch có thêm thông số tổng Coliforms vượt quy chuẩn so sánh 2 lần (15.000/7.500).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cá chết là do hiện tượng thiếu không khí, hàm lượng oxy giảm; ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại cho rằng do khối lượng cá trong hồ nhiều, chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc (do bùn, tảo,... gây ra), cá bị bệnh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận