26/06/2018 21:24 GMT+7

Hà Nội giải thích việc giao 270ha đất cho 5 nhà đầu tư BT không qua đấu giá

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TTO - Hà Nội lựa chọn việc giao 270ha đất cho 5 nhà đầu tư thực hiện 5 dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT) không qua đấu giá

Hà Nội giải thích việc giao 270ha đất cho 5 nhà đầu tư BT không qua đấu giá - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cùng các lãnh đạo sở ngành Hà Nội trả lời báo chí- Ảnh: LÂM HOÀI

Cụ thể, có 5 dự án đầu tư theo hình thức BT được UBND Hà Nội giao cho 5 nhà đầu tư thực hiện. Đổi lại thành phố sẽ giao quỹ đất đối ứng cho các nhà đầu tư với tổng diện tích lên tới 270ha.

Vì sao giao đất mà không đấu giá?

Theo Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên  Môi trường Hà Nội, số đất nói trên là diện tích  theo phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch chứ không phải diện tích đất cuối cùng thành phố giao cho nhà đầu tư.

"Tiền bao nhiêu chúng tôi giao đất bấy nhiêu. Tiền làm đường bao nhiêu chúng tôi giao đất tương ứng bấy nhiêu", ông Nghĩa quả quyết khi giải đáp các thắc mắc về các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT tại Hà Nội vào chiều 26-6.

Giải thích việc tại sao thành phố không tiến hành đấu giá các khu đất để lấy tiền đầu tư làm các công trình BT mà lại giao trực tiếp cho nhà đầu tư, ông Nghĩa nói đây là lựa chọn của thành phố.

"Tại sao không đem đấu giá mà đổi đất? Chủ trương chúng ta có hạ tầng thì bằng nhiều con đường lựa chọn khác nhau và đi con đường nào thuận lợi nhất. Đất cũng là tiền, tiền cũng là đất", ông Nghĩa nói. 

Theo ông Nghĩa, Hà Nội đã "đặt đầu bài" với các cơ quan chuyên môn nhưng "xoay đi xoay lại không đơn giản". 

Lý do là bồi thường giải phóng mặt bằng rất vất vả, mỗi năm bán đấu giá khoảng 10.000 tỉ đồng, nhưng nhiều dự án lớn giải phóng mặt bằng đã mất tới 80%. 

"Ngoài ra tính đấu giá còn đầu tư hạ tầng. Do đó việc giao đất cho nhà đầu tư là con đường tốt nhất và bằng quản lý chặt chẽ thì vẫn ra được tiền để làm mà lại đỡ các chi phí quản lý khác", ông Nghĩa giải thích.

Theo ông Nghĩa, thời gian ký hợp đồng thực hiện dự án là thời gian giao đất và ấn định giá chứ không điều chỉnh tăng hay giảm.

Trước lo ngại việc này sẽ khiến nhà đầu tư được hưởng lợi sau khi giá đất tăng lên, ông Nghĩa lý giải rằng nếu để thời điểm ký hợp đồng với thời điểm giao đất khác nhau thì… "không có nhà đầu tư nào chịu cả".

"Anh ký hợp đồng với tôi ngày hôm nay, giá vật tư, thiết bị, nhân công… là của ngày hôm nay. Còn nếu để năm sau giá vật tư, nhân công, thiết bị khác thì anh có chịu thay đổi cho tôi không hay anh chỉ chốt một đầu là không được…", ông Nghĩa diễn giải.

Theo ông Nghĩa, giá đất giao cho các dự án BT sẽ đảm bảo không thể thấp hơn đất một dự án thương mại khác cùng khu vực.

Chỉ có  26% đất "thương phẩm" cho nhà đầu tư

Ông Phạm Quý Tiên, Chánh Văn phòng UBND Hà Nội, với các dự án giao cho nhà đầu tư thực hiện BT, nhà đầu tư được lựa chọn phải ứng 100% vốn để lập quy hoạch chi tiết 1/500 thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các dự án đối ứng. 

Sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 và chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, UBND Hà Nội mới quyết định giao đất để thanh toán cho công trình BT

Ông Tiến cho rằng tỉ trọng bồi thường, hỗ trợ cho các tổ chức cá nhân chiếm rất lớn, từ 40-80%. Riêng chi phí xây lắp chỉ chiếm 20% và được xác định đúng đơn giá theo quy định.

Trong khi đó đó với quỹ đất được giao đối ứng, nhà đầu tư phải ứng vốn để lập quy hoạch 1/500, sau đó chỉ được khai thác đất "thương phẩm" với tỉ lệ khoảng 26% trên tổng diện tích ô đất, phần còn lại làm đường giao thông, cây xanh, hồ nước, trường học…

Cũng theo ông Tiên, thời gian vừa qua Hà Nội cùng lúc thực hiện nhiều hình thức lựa chọn để đầu tư phát triển hạ tầng, trong đó có cả đấu giá đất, cân đối ngân sách và BT...

5 dự án BT ở Hà Nội

1. Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai, dài 2,6km, tổng mức tổng vốn đầu tư hơn 900 tỉ đồng.

Nhà đầu tư là Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh. Quỹ đất đối ứng 18,72ha ký hiệu C9-CN3.

2. Dự án Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông với 5 tuyến đường có tổng mức đầu tư hơn 1.960 tỉ đồng.

Nhà đầu tư là liên danh công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú Invest và Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát.

Quỹ đất đối ứng gồm 6 khu đất với tổng diện tích 70,4ha tại Dương Nội, Kiến Hưng, Phú Lãm, Bắc Lãm, trung tâm hành chính quận Hà Đông…

3. Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5, dài 1,8km, tổng vốn đầu tư khoảng 1.620 tỉ đồng.

Nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng. Quỹ đất đối ứng là 54ha.

4. Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng.

Dự án sẽ xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã tư Vọng (phần đi bằng), xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở.

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 9.459 tỉ đồng. Quỹ đất đối ứng là 96ha tại Sài Đồng A (quận Long Biên).

5. Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân, dài 2,85km, tổng vốn đầu tư khoảng 1.412 tỉ đồng.

Nhà đầu tư là Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD và Công ty TNHH phát triển Bắc Việt. Quỹ đất đối ứng là 39,8ha tại quận Nam Từ Liêm.

Nhà đầu tư có thể buồn, nhưng dự án BT phải được đấu giá

TTO - "Tôi yêu cầu đấu giá những mãnh đất ở vùng lõi khu đô thị mới Thủ Thiêm. Có thể những nhà đầu tư theo đuổi mãnh đất này sẽ buồn, nhưng chuyện này phải rất rõ ràng".

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp