Họa sĩ Nguyễn Anh Thường hơn 90 tuổi ngồi giữa phòng tranh đang triển lãm các tác phẩm của mình và của học trò Vũ Hồng Ngọc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói về cái đẹp của đất nước, của Hà Nội đã khiến ông cả đời si mê, mải miết đưa vào tranh.
Hai họa sĩ không mở triển lãm Hào khí Thăng Long (kéo dài đến 12-3), mà nhà sưu tập Phan Minh Hà đã mở triển lãm sau gần 20 năm sưu tập tranh của hai họa sĩ vốn là thầy trò và đều vẽ nhiều về Hà Nội, có những tình cảm đặc biệt với Hà Nội.
Hà Nội góc nào cũng thành tranh
Bởi các bức tranh đều thuộc về nhà sưu tập, nhiều bức đã rời xa gia đình họa sĩ nhiều năm, ngay khi họa sĩ hoàn thành tác phẩm, nên triển lãm chứng kiến khung cảnh cảm động: họa sĩ và các con cứ quanh quẩn ở phòng triển lãm nhiều ngày.
Họ bảo là để được gần thêm những đứa con tinh thần của mình, của bố mình, mẹ mình.
Ngồi ngắm từng bức tranh sơn mài khổ lớn vẽ Hà Nội, hồ Gươm, Văn Miếu, chùa Thầy, Hà Nội trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, vẽ Hào khí Thăng Long, hay các bức họa về Hạ Long nghìn đảo tươi xanh… họa sĩ Nguyễn Anh Thường dù sức khỏe đã yếu, vẫn ước được tiếp tục vẽ về vẻ đẹp của quê hương đất nước.
Riêng với Hà Nội, ông muốn tiếp tục được vẽ vẻ đẹp huyền bí và sức sống mãnh liệt của thành phố này, một Hà Nội đẹp nhưng không phải vẻ đẹp êm đềm nhung lụa.
Ông bảo, những Hàng Ngang, Hàng Đào, chỗ nào cũng có thể thành tranh. Chỉ cần vẽ con phố đó thôi là đủ thành một phòng tranh rất đẹp. Ông tiếc khi mình không còn đủ sức khỏe để vẽ phòng tranh này. Những họa sĩ khác còn thời gian, sức lực lại không đi sâu được vào cái đẹp của Hà Nội về hội họa như ông thấy.
Từ hiện thực xã hội chủ nghĩa sang trừu tượng
Nhìn vào những bức sơn mài khổ lớn theo phong cách hội họa trừu tượng, biểu hiện với những đường nét rất khoáng đạt, khúc chiết rất hiện đại của họa sĩ gạo cội Nguyễn Anh Thường, ai có thể ngờ ông từng có tới 30 năm trung thành với phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Tốt nghiệp khóa Tô Ngọc Vân (1955 - 1957), từ 1959 - 1990, Nguyễn Anh Thường công tác tại Xưởng phim đèn chiếu, vẽ trên 150 bộ tranh phim về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Nhưng tới năm 1990, giới mỹ thuật được biết tới một Nguyễn Anh Thường khác khi ông triển lãm loạt tranh mực nho trên giấy dó vẽ về Hạ Long rất khác với phong cách trước đó.
Dư luận đánh giá cao triển lãm này ở kỹ thuật bậc thầy, những đường nét tự do, phóng khoáng. Trong đó tranh Bến trăng được giải huy chương đồng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Phạm Quốc Trung, vẻ đẹp sâu lắng của Thăng Long - Hà Nội và thiên nhiên Hạ Long kỳ vĩ đã khiến họa sĩ Nguyễn Anh Thường mạnh dạn bước sang một thời kỳ sáng tác mới của mình.
Những bức sơn mài của Nguyễn Anh Thường ở giai đoạn sau có tinh thần nghệ thuật khoáng đạt, không sa vào chi tiết và không nệ thực như tranh sơn mài của nhiều họa sĩ Việt Nam khác. Ông tạo ra một lối đi riêng cho mình trong tranh sơn mài.
Những bức họa mát lành của Vũ Hồng Ngọc
Trong khi đó, những bức sơn dầu khổ nhỏ hơn, những bức sơn khắc của họa sĩ Vũ Hồng Ngọc lại tạo ra một quãng nghỉ êm đềm, thư thái rất nữ tính cho triển lãm này.
Đó là những bức họa cho thấy một Hà Nội lãng mạn xa xưa mãi mãi ở lại trong tâm trí của nữ họa sĩ.
Dù Hà Nội có đổi thay bao nhiêu, họa sĩ Vũ Hồng Ngọc cứ mải miết vẽ một Hà Nội của riêng mình. Đó là Hà Nội trong ký ức của cô bé ngồi trong chiếc thúng mẹ gánh rời Hà Nội lên vùng sơ tán năm 1947.
Ở ngôi làng sơ tán ven sông, đêm đêm cô bé được nghe mẹ hát những ca khúc tiền chiến về Hà Nội rất hay và nhìn theo cánh tay mẹ chị về một vùng sáng lung linh xa cuối trời, nghe mẹ bảo đó là Hà Nội của mình.
Cuộc sống vất vả bao năm của người mẹ nghệ sĩ nuôi con một mình, bà Ngọc đã nương dựa vào những lúc được vẽ mà vươn lên khỏi hiện thực cơ hàn.
Nên, tranh của bà, bà muốn chúng chỉ toàn là những mát lành để làm mát trong mọi người thưởng tranh, như nó đã từng và vẫn đang chăm dưỡng cho tâm hồn bà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận