11/04/2020 09:50 GMT+7

Hà Nội: đề xuất cơ chế để xài vốn công

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Để đẩy nhanh giải ngân 44.900 tỉ đồng vốn đầu tư công trong năm 2020, mới đây lãnh đạo TP Hà Nội đã đề nghị cho áp dụng biện pháp chỉ định thầu.

Hà Nội: đề xuất cơ chế để xài vốn công - Ảnh 1.

Công nhân đang làm việc tại dự án đường sắt đô thị đoạn Liễu Giai - Kim Mã - Ảnh: N.Q.P.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại cảnh báo việc lạm dụng chỉ định thầu các dự án sẽ dẫn tới nguy cơ thất thoát vốn đầu tư.

Giải pháp cứu tăng trưởng

Theo kế hoạch, năm 2020, TP Hà Nội sẽ thực hiện 207 dự án đầu tư công, với nguồn đầu tư khoảng 44.900 tỉ đồng. 

Trong đó ngân sách TP là 28.100 tỉ đồng, ngân sách các quận, huyện 16.800 tỉ đồng. Nhưng trong 3 tháng đầu năm 2020, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP rất chậm, chỉ đạt 9,8% kế hoạch vốn.

Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Mạnh Quyền - giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội - cho biết nguyên nhân là do công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư, phê duyệt của một số dự án còn chậm, một số nhà thầu thi công không đúng tiến độ cam kết. 

Một số dự án đầu tư công phải điều chỉnh nhiều lần, vốn cho các dự án ODA không bố trí đúng theo tiến độ.

Trong cuộc họp mới đây của Thường trực Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ - bí thư Thành ủy - khẳng định thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ hơn là cứu cánh của kinh tế TP trong năm nay. 

Việc đẩy nhanh được giải ngân đầu tư công sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TP, trước mắt là tác động tới tăng trưởng của quý 2.

Ông yêu cầu lãnh đạo TP tập trung nguồn lực, tháo gỡ nhanh các vướng mắc, bố trí vốn hợp lý cho các dự án thiết yếu và điều chỉnh nguồn vốn của 23 dự án chậm tiến độ sang cho các dự án cần thiết đang thiếu vốn.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết thời gian tới TP sẽ điều tiết khoảng 2.000 tỉ đồng từ dự án không hấp thụ hết, chậm tiến độ sang các dự án hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, ông Chung cũng kiến nghị trung ương xem xét quyết định cho TP được áp dụng cơ chế đặc thù, rút ngắn thủ tục giải phóng mặt bằng, được chỉ định thầu đối với các công trình trong tình huống cấp bách hiện nay.

Đầu tư công phải tạo lan tỏa

TS Vũ Đình Ánh - Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả - nhận định tăng đầu tư công trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế suy giảm hoặc đầu tư tư nhân sụt giảm là cần thiết để duy trì đà tăng trưởng kinh tế. 

Vấn đề cần quan tâm là tính lan tỏa của đầu tư công, nếu đầu tư công chỉ loay hoay trong một bộ phận nào đó của nền kinh tế thì tính lan tỏa rất thấp.

Cũng theo TS Vũ Đình Ánh, nếu các dự án đầu tư công triển khai lúc này không hướng tới mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn thì sẽ gây ra lạm phát. 

Theo vị TS này, bối cảnh hiện nay phải lựa chọn các dự án đầu tư có tính lan tỏa, tạo cơ sở hạ tầng cho trung và dài hạn, và tạo ra hiệu quả đầu tư về kinh tế, tài chính, xã hội. Đây là 3 tiêu chí quan trọng để lựa chọn dự án đầu tư công.

Về đề xuất xin chỉ định thầu để rút ngắn thời gian giải ngân đầu tư công, TS Nguyễn Việt Hùng - nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu) Bộ Kế hoạch và đầu tư - nói nếu làm đúng quy trình đầu tư một dự án thì việc chỉ định thầu và đấu thầu không khác nhau lắm. 

Ông Việt Hùng cho biết thêm: "Chúng ta đã có bài học thất thoát đầu tư công khi chỉ định thầu hàng loạt dự án đầu tư dịp 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Nên những địa phương thực hiện chỉ định thầu dự án đầu tư công phải đưa ra biện pháp giám sát đặc biệt để giảm bớt tình trạng xin - cho, gây thất thoát vốn đầu tư".

Bối cảnh dịch bệnh tạo điều kiện cho các địa phương áp dụng chỉ định thầu nhưng cần tránh những bài học thất thoát đã từng xảy ra. 

Nhiều địa phương thường xin Thủ tướng cho chỉ định thầu nhưng lại đề xuất các biện pháp giám sát chỉ định thầu dự án để hạn chế thất thoát. Vì thế, TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng cần ngăn chặn tình trạng lạm dụng chỉ định thầu để dẫn đến tình trạng xin - cho dự án.

6 giải pháp đẩy nhanh đầu tư công của Hà Nội

Lập ban chỉ đạo, tổ công tác đặc nhiệm để rà soát, tháo gỡ điểm nghẽn của từng dự án.

Đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, yêu cầu các quận huyện kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng hằng tuần để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc.

HĐND TP tổ chức kỳ họp bất thường để xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến thực hiện kế hoạch đầu tư công như phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê chuẩn các giải pháp tài chính đặc thù.

Điều chỉnh kế hoạch vốn đã giao năm 2020 để nâng cao tỉ lệ giải ngân, đáp ứng đủ vốn theo tiến độ công trình; đẩy nhanh tiến độ các dự án khởi công.

Đồng thời, TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án.

Cho phép TP chỉ định thầu một số công trình cấp bách trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, ùn tắc giao thông.

Thủ tướng: Chậm giải ngân đầu tư công, phải kiểm điểm người đứng đầu Thủ tướng: Chậm giải ngân đầu tư công, phải kiểm điểm người đứng đầu

TTO - Việc giải ngân 30 tỉ USD vốn đầu tư công là yêu cầu được đặt ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc áp dụng chế tài nếu các bộ, ngành và địa phương không thực hiện nghiêm vấn đề này.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp