Thông tin bất ngờ này được chia sẻ tại sự kiện Giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia về tiếp quản thủ đô, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức ngày 24-9 tại Hà Nội.
Tại sự kiện, hai nhân chứng lịch sử đều hơn 90 tuổi là đại tá Dương Niết - người trong đoàn quân về tiếp quản thủ đô ngày 8-10, và nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải cùng chia sẻ những câu chuyện lịch sử mà họ đã tham dự, cũng như tặng cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III những tài liệu, hiện vật lịch sử.
Đề án tiếp quản thủ đô được xây dựng từ 1951
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa cho biết hiện nay, trung tâm đang lưu giữ, bảo quản hàng nghìn mét giá tài liệu, lớn nhất trong các đơn vị đang lưu giữ những tài liệu, hình ảnh liên quan đến ngày 10-10-1954.
Tại sự kiện, trung tâm lựa chọn giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ gốc đang bảo quản liên quan tới mốc lịch sử ngày tiếp quản thủ đô.
Đây là các tài liệu, hình ảnh lấy ra từ các phông lưu trữ như Quốc hội, Phủ Thủ tướng, Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nông Lâm, và Bộ Giao thông công chính, Bộ Canh nông, phông nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, nhà sưu tầm ảnh Đặng Tích, giáo sư Hoàng Minh Giám, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Huy Du…
Những tài liệu mang đến nhiều thông tin thú vị cũng như giúp tái hiện những thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc và thủ đô từ khi Hiệp định Genève năm 1954 ký kết.
Đặc biệt, nhờ những công văn, tài liệu lưu trữ, người xem hiểu rõ hơn về quá trình chuẩn bị tiếp quản thủ đô diễn ra trong nhiều năm, chứ không phải chỉ trong năm 1954 như nhiều người hình dung.
Từ ngày 1-2-1951, Ủy ban Kháng chiến hành chính Hà Nội đã xây dựng Đề án tiếp quản thủ đô trình Bộ Nội vụ để xin ý kiến.
Nội dung đề án nhận định: Hà Nội chiếm vị trí quan trọng bậc nhất trong cả nước về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Khi chuyển sang "tổng phản công" và "tổng động viên", Hà Nội sẽ là địa bàn phòng ngự quyết liệt nhất của địch.
Từ đó, Ủy ban Kháng chiến hành chính Hà Nội đánh giá tình hình, nghiên cứu tỉ mỉ về chiến lược và sách lược, đề ra kế hoạch, nhiệm vụ tổng thể chung của từng ngành nhằm biến Hà Nội thành chiến trường, với khẩu hiệu "Giải phóng thủ đô".
8 chính sách và 10 kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ khi vào tiếp quản thủ đô
Tài liệu lưu trữ cũng cho thấy Chính phủ có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho ngày tiếp quản thủ đô.
Như ban hành 8 chính sách và 10 điều kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố tiếp quản; thành lập Ủy ban Hành chính Hà Nội bên cạnh Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội.
Liên tục có những báo cáo tình hình tiếp quản sau một ngày, một tháng và báo cáo của các ngành.
Tình hình đổi tiền Đông Dương và tiền liên bang trong tháng 10-1954 cũng được thông tin chi tiết trong tài liệu lưu trữ…
Đáng chú ý là những bức hình quý về ngày tiếp quản thủ đô đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, do nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản chụp như hình ảnh phụ nữ thủ đô rạng ngời đón đoàn quân giải phóng, hay lễ chào cờ thiêng liêng vào chiều 10-10-1954 tại sân vận động Cột Cờ Hà Nội.
Hình ảnh mít tinh chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ trở về thủ đô của nhân dân Hà Nội ngày 1-1-1955 được lưu trữ trong phông Bộ Ngoại giao.
Các tài liệu, hình ảnh này sẽ tiếp tục được trưng bày tại triển lãm Hà Nội - Ký ức những ngày tiếp quản dự kiến khai mạc vào 2-10-2024 tại Nhà triển lãm 61 Tràng Tiền, Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận