Ông Nguyễn Tuấn Anh, phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết trong số 2.688 trụ nước chữa cháy có 382 trụ không lấy được nước - Ảnh: Xuân Long |
Trong số 2.688 trụ nước hiện có, có tới 382 trụ nước qua kiểm tra không lấy được nước. Có 1.193 bể dự trữ nước qua kiểm tra có 87 bể không lấy được nước.
“382 trụ không lấy được nước là do nằm ở vị trí xa nhà máy nước, cuối nguồn, đặc biệt vào mùa hè rất ít nước. Vì vậy, khi chữa cháy ở khu vực nào, chúng tôi thường gọi cho nhà máy nước khu vực đó tăng áp lực nước” - ông Tuấn Anh giải thích.
Về công tác PCCC nhà cao tầng, ông Tuấn Anh cho biết hiện có nhiều vi phạm về điều kiện về PCCC.
Cụ thể các khu vực xung quanh nhà cao tầng bị lấn chiếm làm bãi đỗ xe, trồng cây cao thành hàng, mắc dây diện điện cản trở điều kiện phòng cháy, dẫn tới không đảm bảo về khoảng cách chữa cháy khi có cháy.
Ông Tuấn Anh cho biết xe chữa cháy của cảnh sát PCCC chỉ có thể vươn cao 56m, tức có thể lên tới 15-16 tầng.
“Nhưng vì sao vẫn xây nhà cao tầng hơn, là vì nhà cao tầng tự đảm bảo công tác an toàn qua buồng thang thoát nạn. Đó là buồng an toàn, có áp suất dư, có đèn chiếu sáng. Vì vậy, khi người dân ra được buồng thang thoát nạn là yên tâm, có thể đi lại trong đó 45 phút.
Tuy nhiên, trên thực tế buồng thang thoát nạn thường bị lấn chiếm, biến thành kho chứa đồ, thậm chí có tình trạng mở cửa ra buồng thang thoát nạn. Các thiết bị như quạt tăng áp, đèn chiếu sáng không được bảo dưỡng.
Có tình trạng khi đưa vào nghiệm thu thì rất tốt, nhưng khi kiểm tra là có vấn đề… Quy định với nhà cao tầng một năm 4 lần kiểm tra, phạt rất nặng, nhưng chuyển biến của chủ đầu tư, người dân chưa tốt” - ông Tuấn Anh chỉ rõ.
Đình chỉ hoạt động 126 quán karaoke Theo ông Tuấn Anh, năm 2016, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội sau vụ cháy quán karaoke số 68 phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy) làm 13 người chết, lực lượng cảnh sát PCCC đã phối hợp tổng kiểm tra toàn diện các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa karaoke, vũ trường, quán bar. “Đã kiểm tra 1.569 quán karaoke, trong đó lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính 353 trường hợp với số tiền 871 triệu đồng. Ra quyết định đình chỉ và tạm đình chỉ 126 cơ sở, yêu cầu 531 cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục tồn tại, thiếu sót” - ông Tuấn Anh cho biết. Về những vi phạm của các quán karaoke, theo ông Tuấn Anh, có nhiều tồn tại về hạ tầng như quán ở trong ngõ không đảm bảo điều kiện tiếp cận chữa cháy, nguồn nước hạn chế, chuyển đổi công năng từ nhà dân sang, vi phạm biển quảng cáo tấm lớn phía trước ảnh hưởng đến khả năng thoát nạn. “Đến nay vẫn còn 126 quán bị đình chỉ, còn 531 quán phải khắc phục và tới cuối năm 2017 sẽ tiếp tục kiểm tra theo đúng quy định mới về điều kiện kinh doanh karaoke”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận