Công nhân lát đá vỉa hè trên phố Nguyễn Chí Thanh - Ảnh: THÀNH CHUNG
Hư hỏng do đâu?
Tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online cho thấy từ năm 2016, Hà Nội đã ban hành quy định mới về cải tạo hè phố.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.
Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sau 6 năm triển khai kế hoạch cải tạo vỉa hè (2016 - 2022) đến nay, các quận đã lát đá tự nhiên cho vỉa hè 255 tuyến phố, tập trung ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Tây Hồ.
Tuy nhiên theo đại diện sở, một số tuyến vỉa hè đã xuống cấp, hư hỏng sau một thời gian đưa vào sử dụng.
Các vỉa hè bị xuống cấp phần lớn được thi công trong giai đoạn 2016-2017. Có tuyến thi công vào năm 2019 như vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng vẫn bị hư hỏng.
Qua thực tế kiểm tra, đánh giá xác định việc đá lát vỉa hè như ở đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Trần Phú (Hà Đông)…, còn nhiều tồn tại ở khâu khảo sát thiết kế, thi công, quản lý và sử dụng sau đầu tư.
Chất lượng mặt hè và các lớp kết cấu vỉa hè các tuyến phố trên chưa đảm bảo từ khâu thiết kế đến thi công. Việc quản lý, sử dụng vỉa hè sau đầu tư tại một số tuyến phố chưa đúng mục đích. Tình trạng ô tô, xe máy đi lên vỉa hè còn phổ biến...
Đại diện sở cho hay từ năm 2019 đến nay, sau khi thành phố có hướng dẫn quy trình lát đá vỉa hè, quá trình thi công của các quận, huyện được thực hiện theo đúng quy định và cơ bản khắc phục được hết các tồn tại trong thời gian qua.
Sở cũng tổ chức đoàn kiểm tra thực tế, khoan rút lõi lấy mẫu thí nghiệm nhằm kiểm tra các lớp kết cấu...
Còn đại diện UBND quận Đống Đa cho biết trong năm 2022 đã chỉnh trang 4 tuyến phố.
Trong đó vỉa hè hai tuyến được làm bằng đá tự nhiên là Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh, tổng mức đầu tư trung bình 20 tỉ đồng/tuyến. Hai tuyến phố được làm bằng chất liệu terrazo là Trịnh Hoài Đức, Đặng Văn Ngữ, tổng mức đầu tư 6 tỉ đồng/tuyến.
Liên quan vỉa hè lát đá trên đường Nguyễn Trãi được UBND quận Thanh Xuân phê duyệt thực hiện từ năm 2016, toàn bộ vỉa hè được cải tạo, lát mới bằng loại đá tự nhiên. Vốn đầu tư lên tới hơn 100 tỉ đồng và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2017. Song nhiều đoạn vỉa hè bị nứt, gãy vỡ, hư hỏng...
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cho hay đã tham mưu UBND quận thực hiện gói thầu duy tu đường, vỉa hè.
Việc sửa chữa hỏng hóc đá lát hè trên đường Nguyễn Trãi và Lê Trọng Tấn dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Việc duy tu vỉa hè đường Khuất Duy Tiến tiến hành đầu năm 2023.
Không nhất thiết lát đá hết vỉa hè hơn 900 tuyến phố
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho hay thời gian qua, ông thường xuyên đi xem xét một số tuyến phố đang lát đá vỉa hè và thấy chất lượng làm năm nay "cẩn thận hơn".
Theo ông Cừ, các khu vực vỉa hè xảy ra hiện tượng vỡ, bong tróc, lún nứt đa phần được lát từ các năm trước. Nguyên nhân do không đảm bảo chất lượng thi công, "nhất là phần nền làm không kỹ".
"Các năm trước tôi thấy làm ẩu, rất dở, nền không tử tế nên xe cộ đi lên, đỗ, tránh nhau là đá vỡ hết.
Nhưng năm nay rút kinh nghiệm, việc thi công được giao về cho các tổ dân phố, phường cùng giám sát, nhất là phần làm bê tông nền", ông Cừ đánh giá.
Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Thái Duy Sâm cho rằng chủ trương chỉnh trang các tuyến phố của Hà Nội là cần thiết, song không nhất thiết phải lát đá hết hơn 900 tuyến phố.
Ông nhấn mạnh với các tuyến phố mới chỉnh trang, gạch lát vỉa hè còn bền đẹp thì không nên cải tạo lại cho tốn tiền.
Về tình trạng cứ cuối năm lại đào vỉa hè thay thế, ông Trương Xuân Cừ nhận định do việc bố trí vốn. Theo đó, việc bố trí vốn khó có thể thực hiện vào dịp đầu năm. Khi có vốn lại phải qua nhiều thủ tục, đấu thầu... từ đó dẫn đến quý 3 - quý 4 mới tiến hành thi công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận