Đây cũng là tuần ghi nhận số ca mắc cao nhất từ đầu năm tới nay tại Hà Nội. Tại nhiều bệnh viện, số lượng bệnh nhân nhập viện ở thể nặng, có dấu hiệu cảnh báo cũng gia tăng.
Nhiều thể sốt xuất huyết nặng
Hai cơ sở của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương hiện đang điều trị cho gần 200 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 4 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy. Tương tự, tại Trung tâm bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai, số ca bệnh sốt xuất huyết đã chiếm 1/3 số bệnh nhân điều trị tại đây.
Chiều 26-9, tại khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, các cán bộ y tế liên tục theo dõi các chỉ số cho bốn bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang thở máy.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Phạm Văn Phúc (phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) nói trong số các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, có một bệnh nhân 91 tuổi, tiên lượng rất xấu.
Theo bác sĩ Phúc, ca bệnh sốt xuất huyết năm nay không tăng đột biến, tuy nhiên diễn biến chuyển nặng của bệnh nhân rất khó lường.
"Hiện nay khoa đang điều trị tích cực cho bệnh nhân H. (46 tuổi, trú tại Hà Nội). Bệnh nhân nhập viện vào ngày thứ 6 của bệnh, ghi nhận xuất huyết cơ thành bụng và vùng chậu. Tình trạng bệnh nhân rất nặng, sốc mất máu và suy hô hấp.
Tình trạng xuất huyết vùng cơ đã được ghi nhận trước đây nhưng không nhiều. Thông thường bệnh nhân sốt xuất huyết có thể chảy máu chân răng, xuất huyết dạ dày, tiêu hóa… sẽ dễ nhận biết. Với xuất huyết vùng cơ nếu không được phát hiện kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Hiện bệnh nhân H. đang được điều trị tích cực", bác sĩ Phúc thông tin.
Một trường hợp khác là sản phụ mang thai 34 tuần mắc sốt xuất huyết nhập viện nguy kịch. Sau hai ngày nhập viện, sản phụ chuyển dạ và được mổ lấy thai. May mắn sốt xuất huyết không lây sang trẻ, sau khi theo dõi trẻ đã ổn định và được ra viện. Còn người mẹ sau hai tuần điều trị cũng đã qua nguy kịch, dự kiến cai thở máy trong vài ngày tới.
Tuyệt đối không chủ quan với sốt xuất huyết
Khoa nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng đang điều trị cho gần 20 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trong đó có trường hợp cả gia đình 3 người đều mắc bệnh.
Bác sĩ Đặng Thị Thúy, trưởng khoa nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết ngoài các ca bệnh tại Hà Nội, năm nay khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhi ở các tỉnh, thành khác như Phú Thọ, Nam Định…
"So với mọi năm thì năm nay dịch sốt xuất huyết có điểm khác biệt là xuất hiện ca bệnh rải rác ở các tỉnh thành. Bên cạnh đó, người dân vẫn còn chủ quan, tự theo dõi điều trị hoặc tự ý truyền dịch tại nhà. Nhiều trường hợp đến viện muộn, đã chuyển nặng dẫn đến khó khăn trong việc điều trị", bác sĩ Thúy cho hay.
Theo bác sĩ Phúc, trong 3 ngày đầu người bệnh thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, do đó người bệnh nên đi khám, làm xét nghiệm chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền.
"Sau ngày thứ 3 - ngày thứ 7 của bệnh cần tái khám để đánh giá nguy cơ sốt xuất huyết chuyển nặng hoặc đi khám ngay khi có dấu hiệu cảnh báo như khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì", bác sĩ Phúc khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận