Trụ sở UBND TP Hà Nội - Ảnh: T.N.
Hà Nội cho rằng việc đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng và hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
"Các trường hợp thuộc diện đào tạo, bồi dưỡng là công chức, lãnh đạo, quản lý cấp phòng và quy hoạch chức danh tương đương cấp phòng; công chức chuyên môn nghiệp vụ thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; cán bộ công chức cấp xã; viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập", văn bản nêu.
Chỉ tiêu trong 4 năm, tổng số học viên được đào tạo là 9.430 học viên. Trong đó, bồi dưỡng công chức các sở, ngành; UBND cấp huyện là 3.970 học viên; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chức cấp xã 2.100 học viên; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản trị đơn vị cho viên chức lãnh đạo quản lý là 3.090 học viên; đào tạo sau đại học 270 học viên.
Riêng về đào tạo sau đại học, Hà Nội sẽ cử đi đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến với công chức, viên chức không quá 35 tuổi thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ tiêu là 30 người gồm 5 tiến sĩ, 25 thạc sĩ.
TP cũng sẽ cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước công chức, viên chức (lần đầu được cử đi đào tạo không quá 40 tuổi) thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ tiêu đào tạo 240 người (40 tiến sĩ, 200 thạc sĩ).
Tổng kinh phí thực hiện đến năm 2025 là hơn 272,3 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Riêng đào tạo sau đại học, nguồn kinh phí dự kiến là 61,6 tỉ đồng, trong đó, đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỉ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận