04/11/2017 15:46 GMT+7

Hà Nội: Cẩn trọng với nguy cơ bệnh sởi lan thành dịch

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Người dân Hà Nội chưa kịp thở phào vì bệnh sốt xuất huyết đã cơ bản được khống chế, thì lại phải đối mặt với nguy cơ bệnh sởi lan thành dịch do tiêm phòng không đầy đủ.

Hà Nội: Cẩn trọng với nguy cơ bệnh sởi lan thành dịch - Ảnh 1.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến nay, bệnh sốt xuất huyết tại Thủ đô đã cơ bản được khống chế khi có tới 5.042/5.243 ổ dịch đã trải qua 14 ngày mà không ghi nhận thêm ca bệnh mắc mới. Hà Nội cũng đã trải qua 11 tuần liên tiếp ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm.

Mặc dù dịch sốt xuất huyết đã giảm mạnh, nhưng không vì thế mà các cơ quan chức năng cũng như người dân chủ quan, lơ là trong việc phòng dịch. Sở Y tế Hà Nội vẫn tiếp tục đẩy mạnh giám sát và triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết. Người dân vẫn cần thường xuyên vệ sinh nơi ở, tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt và tiếp tục phối hợp với cán bộ y tế, chính quyền trong các hoạt động phòng chống dịch.

Gần 170 người mắc sởi, 1 trường hợp tử vong

Người dân Hà Nội chưa kịp thở phào vì bệnh sốt xuất huyết đã cơ bản được khống chế, thì lại phải đối mặt với nguy cơ bệnh sởi lan rộng thành dịch khi số lượng người mắc có chiều hướng gia tăng.

Đến nay toàn thành phố đã ghi nhận 168 trường hợp mắc sởi, trong đó có 1 ca tử vong (bệnh nhi 8 tháng tuổi, ở huyện Đan Phượng).

Điều đáng nói là rất nhiều trẻ mắc sởi do chưa tiêm phòng. Chẳng hạn, Bệnh viện Saint Paul ghi nhận 17 ca mắc sởi đều do chưa tiêm vaccine, trong đó một số trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng. Còn Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 2 tháng gần đây mỗi tháng tiếp nhận hơn 20 bệnh nhi mắc sởi, chủ yếu ở độ tuổi dưới 9 tháng. Hiện bệnh viện đang điều trị cho trên 10 cháu, phần lớn là dưới 1 tuổi và hầu hết đã bị biến chứng viêm phổi.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi, hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa Đông-Xuân, rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.

Hiện nay tỉ lệ tiêm phòng vaccine sởi dù ở mức cao nhưng không thể đạt 100%. Hàng năm ngoài 97-98% số trẻ được tiêm chủng đầy đủ thì vẫn còn 2-3% chưa được tiêm, chưa có kháng thể bảo vệ.

Trước tình hình bệnh sởi đang có nguy cơ bùng phát thành dịch, Bộ Y tế đang triển khai các đợt tiêm vét vaccine sởi để bảo đảm các trẻ trì hoãn tiêm được tiêm chủng đầy đủ phòng ngừa dịch bệnh.

Để ngăn chặn bệnh sởi bùng phát thành dịch, Sở Y tế Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện vệ sinh môi trường, điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh sởi đã ghi nhận; chỉ đạo các bệnh viện tổ chức tốt việc phân tuyến, phân luồng bệnh nhân để bảo đảm công tác cấp cứu điều trị kịp thời bệnh nhân sởi và các dịch bệnh khác.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch. Hướng dẫn người dân tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi cho trẻ để phòng bệnh.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ 1 tuần/lần thay vì 1 tháng/lần như hiện nay.

Khuyến cáo phòng bệnh sởi của Cục Y tế dự phòng

Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi, hoặc trẻ từ 1-14 tuổi tiêm vaccine sởi -rubella đầy đủ và đúng lịch.

Bệnh sởi rất dễ lây, vì thế không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Bảo đảm nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp