Người dân phải bịt mũi khi đi qua nhà kho Công ty bóng đèn phích nước R ạng Đông bị cháy - Ảnh: DANH TRỌNG
Những TP lớn đã lên phương án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ ra khỏi khu dân cư. Thế nhưng vì sao các cơ sở gây ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ vẫn chậm được di dời sau bao năm lên kế hoạch?
17 năm chưa dời xong cơ sở gây ô nhiễm
Nhiều cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư trên địa bàn TP.HCM luôn tiềm ẩn những nguy cơ về cháy nổ, ô nhiễm... đã gây bức xúc cho người dân.
Từ năm 2002, UBND TP đã ban hành "Đề án thực hiện chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu công nghiệp và vùng phụ cận". Theo đề án, có hơn 1.400 cơ sở thuộc diện phải xử lý, di dời.
Tại chương trình Lắng nghe và trao đổi của HĐND TP gần đây, Sở Tài nguyên - môi trường cho hay trên địa bàn TP hiện còn 316 cơ sở gây ô nhiễm môi trường đang tiếp tục được kiểm tra, giám sát.
Trong đó, trong năm 2018 có tới 294 cơ sở sản xuất phát sinh mới trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường...
Ghi nhận thực tế cho thấy rất nhiều khu vực đã lên kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm nhưng liên tục nhiều năm nay, việc di dời vẫn chưa thực hiện xong.
Đơn cử, nhiều người dân ở chung cư Tecco Green Nest (phường Tân Thới Nhất, quận 12) và lân cận phản ảnh hiện vẫn đang sống dưới bầu không khí ô nhiễm bởi những cơ sở sản xuất thường xuyên xả khói thải ra môi trường.
Cô Năm, người dân sống tại chung cư Tecco Green Nest, bức xúc: "Hồi trước tôi hay đi tập thể dục bên ngoài khuôn viên chung cư nhưng sau này mùi ghê quá nên thôi. Còn ở trong nhà mỗi khi phát hiện mùi hôi xộc vào, tôi phải đóng cửa lại ngay. Mùi hôi không thể chịu nổi nhưng lỡ mua nhà ở đây rồi nên đành chịu thôi".
Tương tự, người dân tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 cũng phải "sống trong ô nhiễm" nhiều năm nay.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp - chánh văn phòng UBND quận 12, trên địa bàn khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận hiện còn 21 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm trong khu dân cư có lịch sử tồn tại lâu đời.
Hiện quận đã tổ chức di dời được 17 cơ sở, còn 4 cơ sở vẫn hoạt động cầm chừng do vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật tại nơi xây dựng nhà máy mới.
"Khó khăn của chúng tôi gặp phải là hiện nay không có quy định cấm hoạt động sản xuất trong khu dân cư. Chỉ cấm một số ngành nghề trong danh sách cấm. Do đó, người dân muốn sản xuất chỉ cần xin cấp phép kinh doanh, sản xuất là được" - ông Hiệp cho hay.
Không chỉ di dời cơ sở gây ô nhiễm, cuối năm 2016 UBND TP tiếp tục ban hành quyết định 6762 về kế hoạch di dời 10.000 cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn TP.
Mục đích kế hoạch di dời nhằm đưa cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, cơ khí... xen cài trong các khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Tuy nhiên, một cán bộ Sở Tài nguyên - môi trường TP cho hay việc di dời các cơ sở này rất phức tạp, liên quan nhiều đến địa điểm di dời mới... nên việc di dời có thực hiện nhưng số lượng không nhiều.
Chia sẻ thêm, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, cho rằng việc xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bởi biện pháp cưỡng chế hiện tại là khấu trừ tài khoản ngân hàng và kê biên tài sản.
Với biện pháp này, theo bà Mỹ, chỉ phù hợp để cưỡng chế nộp phạt, chưa phù hợp để cưỡng chế buộc ngưng hoạt động khi các cơ sở gây ô nhiễm cũng như có nguy cơ cháy nổ.
Bà Mỹ cho biết Sở Tài nguyên - môi trường TP đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên - môi trường nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp cưỡng chế khác nhằm đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt các cơ sở được nghiêm minh.
Công ty cổ phần cao su Sao Vàng, Công ty thuốc lá Thăng Long trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội bị liệt vào danh sách những cơ sở gây ô nhiễm nhất vẫn chưa được di dời - Ảnh: NAM TRẦN
Hà Nội buộc 26 cơ sở ô nhiễm phải di dời
Báo cáo của Sở Tài nguyên - môi trường TP Hà Nội ghi nhận trên địa bàn 12 quận của TP có 186 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ cần phải di dời. Trong đó nhiều nhà máy có quy mô đất đai lớn, nằm tại các khu đất vàng của thủ đô.
Riêng trên địa bàn quận Đống Đa có 16 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường như Công ty CP Xây lắp và cơ khí cầu đường rộng hơn 13.000m2, Công ty cơ khí ôtô 3-2 rộng hơn 14.000m2. Địa bàn quận Ba Đình có các nhà máy bia Hà Nội diện tích rộng khoảng 50.000m2.
Tương tự, địa bàn quận Hai Bà Trưng có 14 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm như Công ty CP bánh kẹo Hải Hà, Công ty TNHH MTV dệt kim Đông Xuân, Nhà máy dệt Minh Khai. Quận Thanh Xuân có các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm của Công ty CP cao su Sao Vàng, Công ty thuốc lá Thăng Long, Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông...
Trong gần 200 cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm và cháy nổ trên địa bàn, Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội đã xác định 26 doanh nghiệp có cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.
Kết quả quan trắc nước thải tại đây cho thấy nhiều thông số ô nhiễm trong nước thải như COD, TSS, asen... tăng cao. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay các cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động.
Để di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội ô, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên - môi trường tổ chức hội nghị mời 26 doanh nghiệp có cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đối thoại về biện pháp di dời.
Sở cũng đã có thông báo tới các chủ doanh nghiệp chủ trương của TP về công tác di dời và đề nghị các doanh nghiệp nêu rõ quan điểm, đề xuất cách làm, nguồn lực và các kiến nghị với TP.
Đến nay, Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội đề xuất các phương án di dời 26 cơ sở này theo phương thức bắt buộc.
Theo đó, sở sẽ thông báo trước cho doanh nghiệp và chỉ tiêu quy hoạch khu đất sau khi di dời cơ sở sản xuất, ghi rõ địa điểm di dời đến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của TP. Đơn vị nào di dời sớm sẽ được hưởng cơ chế hỗ trợ về vốn, đất đai.
Di dời cả Khu công nghiệp Đà Nẵng
Tương tự, tại TP Đà Nẵng, UBND TP đã có chủ trương nhanh chóng thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đang nằm xen lẫn trong các khu dân cư tập trung vào ở các cụm công nghiệp.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký tờ trình đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đền bù giải tỏa để có mặt bằng sạch làm Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam, nhằm đưa các cơ sở sản xuất trong khu dân cư về đây hoạt động.
Tờ trình trên đã được HĐND TP Đà Nẵng thông qua, thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến 2021.
Theo ông Thơ, trên địa bàn quận Liên Chiểu, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong các khu dân cư đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Qua quá trình rà soát của các cơ quan chức năng, hiện có hơn 150 doanh nghiệp và hộ cá thể hoạt động sản xuất trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ cần phải dời vào các cụm công nghiệp.
Do vậy, việc hình thành cụm công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn nhằm tập trung các cơ sở sản xuất vào một khu vực riêng biệt, cách xa các khu dân cư là cần thiết.
Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng cũng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng (rộng 50ha) nằm ở trung tâm TP sang mục đích đất ở đô thị.
Theo UBND TP Đà Nẵng, đa số các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Đà Nẵng đều có quy mô vừa và nhỏ, hầu hết đều hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, đây là khu công nghiệp nằm sát trung tâm TP, giáp biển và khu dân cư đông đúc nên cần phải di dời ra khỏi trung tâm TP nhằm tránh các nguy cơ xấu xảy ra.
Theo đó, bắt đầu từ tháng 9-2019 TP Đà Nẵng ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Đà Nẵng có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đô thị hoặc không có nhu cầu tiếp tục sản xuất, kinh doanh thì được ưu tiên chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.
Theo UBND TP Đà Nẵng, trường hợp doanh nghiệp có nguyện vọng vẫn tiếp tục sản xuất thì khuyến khích di dời đến các khu công nghiệp khác của TP. Khi đó TP sẽ thực hiện đền bù cho doanh nghiệp theo quy định.
TS Phạm Viết Thuận (Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường):
Cần xem xét trách nhiệm cụ thể
Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hay không phù hợp quy hoạch xây dựng thể hiện sự nỗ lực của chính quyền TP. Đây cũng là một trong những nội dung được đề ra trong 7 chương trình đột phá của TP.
Tuy nhiên từ khi ban hành kế hoạch đến nay, việc di dời các cơ sở xen cài trong khu dân cư gần như bị giậm chân tại chỗ, đặc biệt là việc di dời 10.000 cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch.
Việc này kéo theo nhiều hệ lụy khác về môi trường như khâu phân loại, thu gom rác, nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn cháy nổ vẫn còn hiện diện… Để làm được việc này đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, không riêng Sở Tài nguyên - môi trường.
Nhưng với kết quả đạt được chưa có gì đáng kể, vì vậy TP cần tổ chức đánh giá lại kế hoạch này để đề ra những giải pháp hiệu quả tiếp theo, trong đó cần xem xét trách nhiệm các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện chương trình này.
LÊ PHAN ghi
Ông Phạm Văn Đính (phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VN):
Nhà nước phải hỗ trợ cơ sở di dời
Tôi cho rằng việc di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi trung tâm Hà Nội thời gian qua triển khai rất chậm. Dù các cơ sở gây ô nhiễm bắt buộc phải di dời để bảo đảm môi trường sống cho người dân nội ô nhưng nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng cơ sở mới.
Muốn đẩy nhanh quá trình di dời hàng trăm cơ sở gây ô nhiễm, theo tôi, TP phải tạo điều kiện cho họ di dời như hỗ trợ ưu đãi đất đai, giá thuê nhà xưởng, chi phí tái đầu tư.
Tôi cho rằng giải pháp tốt nhất cho di dời các cơ sở gây ô nhiễm là Nhà nước nên đầu tư các khu công nghiệp tập trung, tạo điều kiện để doanh nghiệp chuyển cơ sở đến các khu công nghiệp thông qua hỗ trợ tiền thuê mặt bằng, thuê đất và một phần chi phí để doanh nghiệp tái đầu tư nhà máy.
Sau đó Nhà nước thu hồi đất đai các cơ sở cũ để thực hiện theo quy hoạch của TP Hà Nội.
BẢO NGỌC ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận