Năm xưa nếu những người dân Kẻ Chợ (Thăng Long) muốn tìm địa bàn thuận lợi hơn để mở đất mới, hẳn đã chọn Hà Bắc, vùng đất liền phía bắc sông Chanh là trung tâm thị xã Quảng Yên bây giờ.
Phải chăng do tính cách của người đi mở cõi, thích ra vùng quan ải cửa sông Bạch Đằng, tạo dựng cơ nghiệp riêng nên mới chọn hòn đảo này?
Từ trong gia phả
Nếu không có nhiều thế hệ con dân hậu thế tiếp tục cuộc chinh phục ấy, chắc bây giờ vùng đất này cũng là chỉ là cù lao lau sậy um tùm ven biển như bao nhiêu chỗ khác. Nhưng dù rời xa gốc rễ gần 600 năm, cư dân làng biển Hà Nam vẫn giữ được cốt cách kinh kỳ.
Gia phả họ Lê ở làng Phong Cốc (đảo Hà Nam) vẫn còn ghi lại sự kiện năm xưa: "Năm 1434, vua Lê Thái Tông mở rộng kinh đô phạm vào đất riêng của gia đình các cụ.
Khi ấy nhận lệnh vua đi tìm quê hương mới, khai giang lập ấp, các gia đình chuẩn bị lương thực đầy đủ, xuôi thuyền theo dòng Hồng Hà xuống đến sông Bạch Đằng, địa phận thuộc đồn Chấn Chanh...
Thấy một khu rừng sú vẹt mọc um tùm, giữa có gò đất cao, đêm mưa nghe tiếng ếch kêu, lần tìm được vùng nước ngọt các cụ dừng chèo. Các gia đình bảo nhau đắp đê lấn biển, chài lưới, trồng lúa nước, nhờ chăm chỉ làm ăn nên lương thực đầy đủ, đời này sang đời khác".
Gia phả họ Nguyễn thôn Yên Đông cho biết thêm vào đời thứ 9, các cụ họ Nguyễn ở quê cũ phường Kim Hoa, Thăng Long thành, có ra đảo Hà Nam - lộ Hải Đông, thăm các cụ ở vùng đất mới. Hai bên ăn uống vui vẻ và mời các cụ con cháu tiên công về thăm quê cha đất tổ. Các cụ vui vẻ nhận lời.
Trong miếu thờ 17 tiên công ở xã Cẩm La có câu đối: "Hoài Đức lưu phương tổ triệu tông bồi cơ chỉ cựu/Phong Lưu tụ hội tử truyền tôn kế lễ nghi tân".
Có nghĩa là: Hoài Đức tiếng thơm tổ tông triệu bồi nền móng cũ/ Phong Lưu tụ hội cháu con kế tiếp lễ nghi mới. Hoài Đức ở kinh đô Thăng Long và Phong Lưu là xã của đảo Hà Nam.
Cốc không chỉ có một cốc
Chúng tôi nghỉ lại ở phường Phong Cốc - trung tâm đảo Hà Nam. Đi quanh Phong Cốc lại gặp rất nhiều Cốc: làng Cốc, đình Cốc, miếu Cốc, chợ Cốc, đồng Cốc, đình Đồng Cốc, đền Trung Cốc; xưa còn có đồn Cốc, ghềnh Cốc và bây giờ còn có thêm phố Cốc... Vì sao lại có nhiều những địa danh mang từ Cốc?
Tài liệu của Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh cho rằng "tên gọi Cốc xuất phát từ vị trí địa lý có thế đất hình con chim cốc".
Chúng tôi mở bản đồ Quảng Yên để cố hình dung nhưng vẫn không thấy hình con chim cốc. Có thể qua 600 năm, hình dáng của hòn đảo vùng sông - biển này đã biến đổi so với thuở các cụ lập làng Cốc.
Lão nhà văn ở đảo tuổi 75 Dương Phượng Toại cho biết thêm lịch sử vẫn còn ghi tên ban đầu của làng là Bồng Lưu, sau đổi thành Phong Lưu "nhất xã tứ thôn", trong tứ thôn ấy có thôn Phong Cốc.
Đầu thế kỷ 20, dân trong vùng đã gọi Phong Cốc là phố Cốc vì ở đây buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền, có cả những đoàn thuyền buôn từ đồng bằng Bắc Bộ ghé đây rồi mang hàng hóa vào tận Sài Gòn - Gia Định và sang tận Java (Indonesia)...
Buổi chiều chúng tôi tản bộ phố Cốc, ghé thăm miếu Cốc và đình Cốc, cả hai đều là di tích quốc gia, tọa lạc ngay trung tâm đảo Hà Nam, là chiếc nôi sinh hạ các làng quê nơi đây từ thuở tiền nhân đi mở cõi. Dưới bóng cây cổ thụ, những bàn cờ tướng được bày ra và các kỳ thủ say sưa đấu trí.
Một cảnh tượng yên bình, thảnh thơi đến lạ. Miếu Cốc nằm trên con đường mang tên "Phố Hoài Đức". Đó là tên của phủ Hoài Đức thuộc kinh thành Thăng Long năm xưa, nơi gốc tích của dân Hà Nam Phong Cốc.
Tiếp nối con đường mang tên Hoài Đức là phố Kim Liên. Chúng tôi đứng ngắm con phố trung tâm này thấy quán xá, cửa hiệu, xen lẫn đền miếu, từ đường các dòng họ, ao hồ với hàng hoa sữa, cảnh quan cứ gợi nhớ đến Hà Nội.
Gặp Hà Nội nơi cửa sông Bạch Đằng
Không chỉ quang cảnh quen thuộc mà còn tên phố, tên đường cũng gợi nhắc đến Thăng Long - Hà Nội. Nhà văn Dương Phượng Toại nói: "Thuở đó khoảng cách từ kinh đô Thăng Long với đảo Hà Nam ở tận vùng biển đông bắc này là xa vời vợi.
Nhưng đoàn người đi mở đất vẫn luôn nhớ về cố hương Kim Long - Thăng Long. Từ đời này sang đời khác, các cụ vẫn luôn dặn con cháu hướng về nguồn cội. Khi tôi lớn lên, bố tôi cũng dạy tôi về gốc tích của mình. Đến lượt mình, tôi cũng dặn con cháu điều đó".
Dấu tích văn hóa Thăng Long nơi miền biên hải này còn thể hiện rõ qua các lễ hội. Có thể nói Hà Nam là một vùng đất của di tích và lễ hội mà đặc sắc nhất là lễ hội tiên công, tưởng nhớ 17 vị tiên công - cách gọi trân trọng những người đầu tiên đến đây mở đất.
TS Nguyễn Việt, nhà khảo cổ học chuyên nghiên cứu văn hóa tiền sử, đã đến dự lễ hội tiên công ở đảo Hà Nam. Ông nhìn mâm ngũ quả hình con long mã tết bằng những hoa quả lộng lẫy và cầu kỳ trong lễ hội này và thấy "như gợi lại tài hoa một thuở ở xứ kinh thành mà hiếm có vùng nông thôn nào có thể sánh được".
600 năm vẫn không phai mờ
Dấu ấn văn hóa Thăng Long vẫn còn truyền lưu trong văn hóa ẩm thực đảo Hà Nam.
Theo lời trưởng Phòng văn hóa thị xã Quảng Yên, ông Ngô Đình Dũng, thì người sành ẩm thực đều nhận ra sự tinh tế, khéo léo trong từng công đoạn, kỹ thuật và phương thức chế biến các món nem chua, giò, chả, nem chạo, bánh cuốn, bánh gio (tro), bánh gai, bánh mật... của người dân nơi đây.
"Tất cả cho thấy dáng dấp của nét văn hóa Hà thành xưa vẫn còn lưu giữ ở vùng đất Hà Nam, Quảng Yên hôm nay".
Nhà văn Dương Phượng Toại cho biết cỗ bàn ở Phong Cốc được xem là phong phú nhất và ngon nhất ở vùng này. Cỗ to cũng đầy đủ "sáu bát tám đĩa", gồm đủ măng, miến, mọc, nấm, mực, gà luộc, giò lụa, chả quế...
Chúng tôi trở về theo đường phố chính Kim Liên - Hoài Đức thấy những bà, những chị bày bán các loại bánh đặc sản Hà Nam: bánh gio, bánh giày, bánh chưng, bánh gai... Chúng tôi nếm thử món bánh gio nổi tiếng của đảo, một hương vị rất đặc biệt mà ít nơi nào có được.
Năm 2004, con cháu họ Lê ở Phong Cốc đã tổ chức kỷ niệm 570 năm các vị thủy tổ từ kinh thành Thăng Long về đây khai hoang lập làng. Sau buổi lễ long trọng đó, một đoàn hơn 40 người con cháu họ Lê ở đảo Hà Nam đã hành hương về đình Kim Liên - Hà Nội.
Trong các lễ vật là đặc sản của vùng đảo Hà Nam dâng tiên tổ có món bánh gio làm bằng gạo nếp ngâm tro của cây giá ven sông Bạch Đằng.
Những người đầu tiên từ Thăng Long đến khai phá vùng đất này đã được tôn vinh là 17 vị tiên công. Đó là các vị: Vũ Song, Vũ Hồng Tiệm, Bùi Huy Ngoạn, Ngô Bách Đoan, Nguyễn Phúc Cốc, Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn Phúc Vĩnh, Lê Khép, Lê Mở, Vũ Tam Tỉnh, Vũ Giai, Nguyễn Nghệ, Nguyễn Thực, Bùi Bách Niên, Phạm Việt, Dương Quang Tín, Dương Quang Tấn.
Thời gian sau có thêm hai vị Hoàng Nông và Hoàng Nênh, quê Trà Lũ (Nam Định), đến đây khai hoang lập thêm làng Trung Bản, sau sáp nhập vào xã Phong Lưu thành "nhất xã tứ thôn".
(Theo Địa chí Quảng Ninh - Nhà xuất bản Thế Giới - 2001)
--------------------------------
Đứng ngắm làng quê đảo Hà Nam bình yên, không ai nghĩ rằng nơi đây đã từng là bãi chiến trường ác liệt, nơi diễn ra trận Bạch Đằng năm 1288, tướng sĩ nhà Trần đã đánh tan đạo quân Nguyên Mông bằng chiến thuật "trận địa cọc" trên sông.
Kỳ tới: Hà Nam xưa là bãi chiến trường
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận