“Hà Giang - trong và ngoài tầm pháo giặc” là tít bài viết cách nay 31 năm. Lúc ấy, cuối tháng 5-1984 tính ra đã có 20.000 quả đạn pháo từ bên kia biên giới bắn vào ngay trung tâm thị xã Hà Giang (Hà Tuyên cũ) trong vòng hai tháng.
Là một trong những phóng viên miền Nam đầu tiên có mặt ở Hà Giang lúc ấy, tôi đã đến nhiều nơi, gặp nhiều người để tìm hiểu tình hình nóng bỏng ở nơi địa đầu này phản ánh cho bạn đọc cả nước biết để cùng góp sức sẻ chia.
Ngày ấy...
Hơn 10.000 ngày đã trôi qua nhưng trong tôi vẫn đọng lại hình ảnh của một vùng đất xinh đẹp. Những con đường nhỏ, những đèo dốc ngoằn ngoèo tạo cảm giác bồng bềnh...
Những người dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Hán... với gương mặt khắc khổ trong bộ váy áo thâm sì... Trong lúc tác nghiệp để thu thập tư liệu, tôi đã hỏi đường đến một số cơ quan nhưng lại được người dân chỉ đến... đồn công an!
Một gương mặt lạ, một giọng nói khó nghe lại xuất hiện ở thị xã trong thời chiến luôn bị đón nhận bằng những cặp mắt nghi ngờ, cảnh giác. Còn nghèo, còn khó nhưng tinh thần bảo vệ mảnh đất cha ông trong người dân vẫn tràn đầy.
“Quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc”, “Giữ bí mật là yêu nước”... Những khẩu hiệu có đầy giá trị của một lời kêu gọi xuất hiện khá nhiều trên đường phố Hà Giang.
Trong đời làm báo của tôi sẽ không bao giờ quên được những dòng chữ ghi trên tấm biển nhỏ “Nước chè phục vụ bộ đội và dân công” do các mẹ tự viết ra. Cũng chính những tấm lưng còng ấy còn đến bệnh viện đút cháo, sữa và quạt mát cho thương binh.
Các mẹ còn trích những đồng lương hưu ít ỏi của mình để ủng hộ chiến sĩ. Và những gương mặt lính tuổi 18, 19 thoạt nhìn cứ ngỡ có thể búng ra sữa, nhưng lời nói của các anh già dặn đến không ngờ. Như lời binh nhất Nguyễn Văn Bộ ở đồn biên phòng Thanh Thủy (điểm nóng lúc ấy):
“Lúc đầu bị pháo rát quá tôi cũng có sợ, nhưng sau quen không sợ nữa!”. Rồi anh nhắc lại chuyện suýt bị mất “chỗ đội mũ” một cách thản nhiên như là nghìn nguy hiểm chưa hề đi qua đời anh...
Bây giờ
30 năm trôi qua, cùng sự lớn dậy của đất nước, Hà Giang đã lột xác...
Năm 2014 tôi mới được đặt lại bước chân mình trên vùng đất quen cũ. Bồi hồi, xao xuyến, tôi thả bộ tìm lại đường xưa, cầu cũ. Gần như tôi không tìm thấy một hình ảnh thân quen nào.
Trở thành tỉnh, Hà Giang giờ đã rút ngắn khoảng cách “vỏ ngoài” so với các tỉnh thành đồng bằng. Những quán cà phê WiFi, những khách sạn, nhà phố cao tầng, những con đường rộng mở... để cho bao chàng trai cô gái ăn mặc thời trang nhưng vẫn có màu sắc dân tộc dạo bước, vui chơi.
Nhìn ngắm bạn trẻ hôm nay tôi lại chạnh lòng nhớ đến những chiến sĩ trẻ năm xưa. Nhiều người trong số họ giờ đã vùi sâu trong lòng đất mẹ.
Năm nay, theo hành trình “Tháng ba biên giới”, lần thứ 4 tôi trở lại Hà Giang và có cơ hội đi xa hơn đến Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn. Những con đường đèo dốc vẫn khúc khuỷu nhưng đã rộng lớn giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. Như trước kia mỗi tuần chỉ có một chuyến xe từ Hà Giang đi Đồng Văn, giờ mỗi ngày có nhiều chuyến và thời gian chỉ còn 1/3.
Vẫn còn nhiều mái trường, ngôi nhà đất đá ọp ẹp nhưng đã rải rác xuất hiện những ngôi nhà tường. Cảnh buôn bán hai bên đường rộn rã tấp nập hơn. Quyết tâm làm giàu, đổi đời là mong ước của những người dân ở đây.
Chị Nguyễn Thị Hồng Yến, phó bí thư Huyện đoàn Đồng Văn, khi ngồi cùng chúng tôi chuẩn bị khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo tâm sự: “Đoàn ở đây cũng cần vốn và tìm mọi cách tạo ra vốn để giúp đoàn viên, thanh niên tăng gia sản xuất...”.
Những năm gần đây Hà Giang, nhất là Đồng Văn, đang trở thành điểm “trẩy hội” của du khách trong và ngoài nước. 15g ngày 17-3-2015 chúng tôi có mặt tại UBND xã Lũng Cú để bàn việc. Tiếc thay trụ sở vắng hoe.
Hỏi ra mới biết gần như cán bộ nhân viên xã đã đổ xô ra vạt rừng để dập lửa của một đám cháy. Tạt qua đồn biên phòng chúng tôi cũng chỉ gặp những người trực ban, còn những người khác đều đã đổ ra đám cháy.
Cận kề người dân, giúp dân nhiều việc từ nhỏ đến lớn đã là một nhiệm vụ của người lính biên phòng bên cạnh việc “nắm chắc tay súng”.
Như bao lần, tháng 3 này đến Hà Giang tôi lại đến viếng và thắp hương ở nghĩa trang Vị Xuyên. Trước nhiều bia mộ có tên và không tên của những người lính trẻ, tôi thầm thì: “Xin kính viếng các anh. Sự hi sinh của các anh mãi mãi được tôn vinh. Một Hà Giang to đẹp hôm nay luôn có bóng dáng các anh!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận