Hà Chương biểu diễn đàn bầu
Sau đêm diễn xúc động đó, Tuổi Trẻ trò chuyện với nghệ sĩ Hà Chương (38 tuổi, quê Quảng Ngãi) về cảm hứng sống tích cực trong thế giới không có ánh sáng của anh.
Khuyết tật là bất tiện, không bất hạnh
* Trong đêm diễn, câu chuyện của anh và lời chia sẻ của cha mẹ đã khiến nhiều người rơi lệ. Thường có những người khuyết tật hay trách cha mẹ vì sinh ra mình không được lành lặn, thậm chí có người ghét chính cha mẹ. Anh có khi nào như thế?
- Đêm đó tôi có nói vui rằng mỗi chúng ta khi được hình thành trong bào thai của mẹ, tôi đã chiến thắng hàng triệu "đối thủ" để thụ thai thì tôi không có lý do gì để bi quan với cuộc đời này.
Ba mẹ tôi ở quê, làm ruộng lam lũ. Trong xóm khi đó có 4 người khác khiếm thị, ba mẹ thương và giữ không cho đi học. Ba mẹ tôi cũng thương con vô bờ nhưng tìm cách đẩy tôi đi xa tìm con chữ để có nghề. Nếu sau này tôi ở với chị dâu hay anh rể là rất khó. Không có sự "đẩy ra xa" đó, giữ lại ở quê, có thể bây giờ tôi bán tăm, bán vé số.
Tôi rất biết ơn ba mẹ đã sinh ra tôi. Không có người cha người mẹ nào muốn con mình thế kia. Khi tôi đã làm cha, tôi cảm nhận được sự vất vả của những người cha người mẹ nuôi một đứa con, càng hiểu được nuôi đứa con khuyết tật vất vả hơn vạn lần như thế nào. Hiếu thảo là gốc. Một người không yêu thương người thân thì không thể yêu thương người khác.
Ngày xưa tôi từng đọc cuốn Tôi không bất hạnh của Hirotada Ototake, trong đó có câu: "Khuyết tật là bất tiện nhưng không bất hạnh". Điều này tôi thấy đúng với chính mình. Tôi không hề thấy mình thiệt thòi hay bất hạnh so với người khác, ngược lại tôi thấy rất vui từ những gì tôi đang có, đang làm.
Dĩ nhiên điều này xuất phát từ nhiều yếu tố, từ sự nỗ lực của bản thân mình để đạt được như hôm nay. Việc thấy mình thiệt thòi bất hạnh hay không xuất phát từ suy nghĩ, tư duy của mình thôi.
* Ơn nghĩa với cha mẹ như vậy có phải là động lực, nguyên nhân chính để anh thành công?
- Điều đó cũng đúng nhưng chưa đủ. Ngoài ba mẹ, tôi luôn nhớ những người từng cưu mang mình. Tôi luôn nghĩ thành công không thể thiếu bóng dáng của lao động, ai vẽ cho mình thiên đường nào đó chỉ sau một đêm là bánh vẽ.
Thành công là cả hành trình, thành công không phải là mình đạt được mà mình trải nghiệm trên đường đi đó. Để đạt được phải "thử vàng", thử sức rất nhiều.
* Suy nghĩ đó tôi đọc được trong tự truyện của anh Nhắm mắt nhìn sao (do Nguyễn Thanh Nhã chấp bút) rằng đã hình thành khi anh còn nhỏ, chứ không phải là bây giờ, khi anh đã có những thành công nhất định?
- Đúng rồi. Hồi bé tôi là đứa trẻ hiếu động, thường các bạn khuyết tật hướng nội vì các bạn muốn cái gì đó nó an toàn, ổn định, không thử thách. Tôi thì khác, từ nhỏ không thấy đường nhưng vẫn chơi các trò chơi như các bạn bình thường: nghịch ngợm, leo cây, chui rào, chạy nhảy, đạp xe đạp.
Làng tôi ở tôi nhớ hết đường đi, đi từ nhà đến chợ, cách cả cây số nhưng vẫn đi. Tôi đi phải lắng tai để nghe tiếng xe chạy tới chạy ngang thì dừng lại, hoặc chở thêm bạn phía sau để chỉ đường.
Có lần đi đụng bể bao bánh tráng của người ta, bị chửi những lời thậm tệ, đại khái là thằng đui thằng mù. Lúc đó tôi rất tổn thương. Chưa biết mình sẽ làm gì nhưng thời điểm đó tôi dấy trong lòng suy nghĩ làm gì đó để thay đổi, để không ai xúc phạm mình.
Năm 12 tuổi, tôi mới bắt đầu đi học, khi đó chỉ là nghĩ rằng học để không ai xem thường mình. Càng lớn lên, tôi dần dần thay đổi, nghĩ rằng mình phải phấn đấu không phải để người ta không xem thường mình mà để mình cảm thấy hạnh phúc.
Hà Chương khóc hạnh phúc bên ba mẹ
Ngoài kia còn nhiều thứ chờ đợi
* Trong đêm diễn vừa rồi, anh đã đề nghị sân khấu tắt đèn toàn bộ, mọi người thử một lần nhắm mắt để tưởng tượng ra thế giới không ánh sáng mà anh đã, đang và sẽ trải qua. Thế giới đó như thế nào?
- Trong thế giới chúng ta đang sống, nhiều người đối mặt với nhiều điều mà người ta sợ hãi. Điều sợ hãi do người ta tưởng tượng ra. Chẳng hạn để miếng ván chiều rộng bằng gang tay trên mặt đất, ta đứng trên đó sẽ không sợ.
Nhưng đặt trên điểm nối của hai bức tường, ta sợ hãi vì nhìn xuống là hố sâu, sợ rớt hụt chân. Sự sợ hãi do ta nhìn thấy dưới mặt đất. Nếu nghĩ đó là mặt đất thì mình không sợ gì hết, đi bình thường.
Mọi người hay hỏi phải chăng không thấy ánh sáng nên Hà Chương bước đi phăng phăng? Cuộc sống có nhiều nỗi khiến người ta sợ, kể cả bóng tối. Tôi từ 2 tuổi đã không nhìn thấy ánh sáng. Bóng tối là bạn, là món quà. Từ trong bóng tối đó tôi có bản lĩnh, mạnh mẽ, tự tin hơn, có nhiều cơ hội để suy ngẫm về cuộc đời nhiều hơn, để tìm được ánh sáng của cuộc đời mình.
Tôi nhìn cơ hội nhiều hơn. Trong thế giới không ánh sáng, hẳn nhiên là tôi cẩn trọng, nhưng tôi không biết trước mắt là hố sâu hay vực thẳm, nên không còn sự sợ hãi. Khi "nhìn" bất cứ sự vật, sự việc trong cuộc đời này là tôi đều tìm hướng tích cực để nhìn.
Tôi lấy ví dụ vui chẳng hạn, khi chia tay mối tình, có thể đòi lại quà, kể xấu nhau, tìm ra những điểm chê nhau nhưng không nghĩ chúng ta là một thời của nhau. Với tôi, sau khi kết thúc mối tình, tôi tìm ký ức, kỷ niệm đẹp để nhớ.
* Anh có chia sẻ mình liên tục gặp những biến cố. Có lần nào điều đó "đánh gục" anh?
- Bản thân tôi nghĩ những khách quan không lường trước như COVID-19, cả thế giới lao đao. Nhưng mỗi lần tôi vấp ngã hay chưa thành công dự án theo đúng ý, tôi nghĩ qua đó sẽ rút được bài học cho kế hoạch sắp tới.
Chính ba mẹ là động lực để đứng lên, con gái tôi nữa. Tôi làm điều gì đó nếu tôi hạnh phúc sẽ lan tỏa đến hạnh phúc ba mẹ, của con tôi. Đó là sức mạnh giúp tôi mạnh hơn trong những thử thách cuộc đời.
* Khát vọng, niềm tin, quyết tâm này có phải là điều anh muốn chuyển đến các bạn trẻ trong bài hát Khát vọng tâm hồn?
- Đúng vậy. Tôi viết bài hát này trong mùa COVID-19. "Bạn hãy đi tìm lẽ sống, thắp lên hi vọng, ngọn lửa khát khao. Và hãy khơi nguồn ánh sáng, vững bước đi trên con đường mình đã chọn. Hãy sẻ chia những yêu thương, đừng cô cảm trước nỗi đau con người…", đó là một phần lời bài hát.
Dù thế nào tôi luôn nhìn đời một cách tích cực. Tôi luôn "nhìn" ngoài kia còn nhiều thứ chờ đợi mình lắm.
Hà Chương mất hoàn toàn thị lực năm 2 tuổi. Năm 12 tuổi bắt đầu đi học tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, cấp II học tại Trường Thực hành sư phạm, cấp III học tại Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng).
Năm 2004, Hà Chương đỗ thủ khoa hệ trung cấp Học viện Âm nhạc quốc gia VN. Năm 2006, học đại học và tốt nghiệp thủ khoa. Năm 2010, anh được ghi danh vào sổ vàng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Hà Chương đoạt nhiều giải thưởng, huy chương các cuộc thi độc tấu đàn bầu. Đã sáng tác hàng trăm ca khúc, phát hành hơn 10 album - single. Trong đó có ca khúc Nắng hát vào chung kết Bài hát Việt 2010. Năm 2014, anh là gương mặt top 3 chung kết Vietnam’s Got Talent.
Lúc Chương 2 tuổi, khi phát hiện con trai khiếm thị, tôi buồn ghê lắm, tôi khóc suốt. Nghe đâu đi đó, tôi chạy tứ phương để chữa bệnh cho con. Lúc đó tôi cứ lo không biết lớn lên con sẽ làm gì để sống, phần chắc suy nghĩ con mình sẽ khổ rồi.
Ngược lại, con không bao giờ mở miệng hỏi mẹ ơi sao con thế này, con lại thế kia. Không ngờ con tự vươn lên, xông lên với cuộc đời để có như hôm nay. Tôi hạnh phúc biết bao nhiêu.
Vào TP.HCM dự đêm diễn của con, thường thì tuổi già và di chuyển xa nên sức khỏe tôi không tốt, nhưng lần này tôi khỏe hẳn ra. Sự hiếu thảo, tấm lòng đặc biệt của con làm tôi lâng lâng hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Thông (mẹ của Hà Chương)
Chúng tôi gặp nhau ở Vietnam’s Got Talent. Từng làm việc, tôi thấy Chương là người thông minh, nhạy bén gấp 3-4 lần người bình thường. Nghị lực, quyết tâm ở nơi Chương là vô cùng. Người bình thường chơi 3 nhạc cụ đã hài lòng, nhưng Chương biết đến 10 nhạc cụ, để phát huy khả năng của mình trong hoàn cảnh... thính giác.
Điều quan trọng nhất ở Chương là luôn quyết tâm học hỏi nâng cao tri thức của mình. Đó cũng là sự đáp ơn, món quà vô giá của một Hà Chương hiếu thảo. Chương là người cho đi vô điều kiện và có tâm rất sáng để lan tỏa cho giới nghệ sĩ.
MC Thanh Bạch
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận