Phóng to |
15 năm, kể từ đợt phát động đầu tiên vào năm 1995, nhiều cây bút được phát hiện từ VHT20 đã có những bước đi dài trên con đường sáng tác, trở thành tác giả quen thuộc của công chúng. Tuổi Trẻ điểm lại vài gương mặt đáng nhớ ấy.
Ba nữ quán quân
Nhiều bạn đọc có thể không còn nhớ những câu chuyện trong tập truyện ngắn Quà muộn - giải nhất VHT20 lần I (1995), nhưng Nguyên Hương đã trở thành cái tên đủ bảo chứng cho một bộ phận công chúng riêng của chị khi lựa chọn truyện ngắn để đọc. Viết âm thầm từ tuổi biết mơ mộng, nhưng giải nhất VHT20 mới chính là đòn bẩy thúc chị đều đặn công bố hơn 10 tập truyện ngắn và truyện dài khác trong miệt mài hơn 10 năm sau đó. Tất cả vẫn là một tình người thật đầy trong cách kể giản dị và xúc động.
Trong khi tác giả đoạt giải nhất VHT20 lần I được xem như một trong những cây bút tiêu biểu của phố núi, cuộc thi lần II lại ươm mầm cho cây bút trẻ tiêu biểu của văn chương Nam bộ: Nguyễn Ngọc Tư. Khởi đầu tập truyện ngắn đoạt giải nhất Ngọn đèn không tắt (2000), Ngọc Tư đã mang lại cho đời sống văn học trong nước những sự kiện khuấy động làng văn chương.
Truyện dài Cánh đồng bất tận - tác phẩm gây tiếng vang nhất của văn xuôi trong nước gần đây - đã trở thành hiện tượng xuất bản năm 2005-2006, được tái bản liên tục, được trao giải thưởng của Hội Nhà văn VN năm 2006, giải thưởng văn học các nước Ðông Nam Á năm 2008. Liên tục trong nhiều năm số đầu sách gồm truyện ngắn, tản văn gắn với "thương hiệu" Nguyễn Ngọc Tư nhanh chóng được các nhà xuất bản tìm kiếm bản thảo và in ấn đều đặn, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.
Có duyên với VHT20 ở cuộc thi lần thứ III cũng là một cây bút nữ: Trần Thị Hồng Hạnh - một tác giả cũng đến từ miền Tây. Bài học đầu tiên (2004) - tác phẩm đoạt giải nhất lần này - dù chưa phải là một tác phẩm văn chương xuất sắc nhưng lại có được chất liệu đáng tôn vinh: phản ánh chân thật hiện thực, tinh thần phê phán và ý thức công dân. Ðó cũng là thế mạnh "ngầm" của Hồng Hạnh trong tiểu thuyết ra mắt năm 2009 của cô: Quái vật.
Những giọng văn đa sắc
Không ghi tên mình ở giải "quán quân", nhưng có những gương mặt đã có những bước đi thật sự ấn tượng trên văn đàn sau khi gặt giải. Gương mặt trẻ nổi bật gần đây nhất phải kể đến Phan Việt - du học sinh tại Mỹ, tác giả nữ phía Bắc góp một giọng sang trọng cho những tác phẩm đi ra từ cuộc thi. Sau Phù phiếm truyện - tập truyện ngắn đoạt giải nhì cuộc thi VHT20 lần III, cô gái vừa hơn 30 tuổi này tiếp tục khẳng định mình như một cây bút trẻ đáng đọc, với tiểu thuyết Tiếng người và tập truyện ngắn Nước Mỹ, nước Mỹ.
Vốn tri thức từ việc đọc, việc học, những trải nghiệm riêng được sàng lọc bằng một kỹ thuật viết nghiêm túc đã khiến tác phẩm của Phan Việt đủ sức chinh phục người đọc. Ðọc và khám phá những tầng nấc khác, về tâm thế người trẻ trước cuộc sống, về sự liên hệ vừa thực tế vừa mơ hồ giữa các cá thể - một đề tài thể hiện được nội lực sâu sắc của tác giả.
Trong số những gương mặt nam được phát hiện từ cuộc thi VHT20, người đọc chắc hẳn không quên cái tên Nguyễn Ngọc Thuần - cây bút đến từ thị trấn nhỏ La Gi ở Hàm Tân, Bình Thuận. Ðể có một Nguyễn Ngọc Thuần của Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (giải nhất cuộc thi văn học thiếu nhi lần III), không thể không có Nguyễn Ngọc Thuần của Giăng giăng tơ nhện (giải 3 VHT20 lần II), bởi như anh nói: "Không có cuộc thi VHT20, có lẽ tôi cũng không biết mình có thể viết".
Thế rồi từ sự tiếp nhận của người đọc cho một niềm đam mê còn chưa kịp định hình, Ngọc Thuần say mê sáng tác. Một giọng văn lạ xuất hiện. Trong trẻo. Ngơ ngác. Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng đến Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, Cha và con và tàu bay, buồn đó, day dứt đó, mà vẫn thuần khiết niềm vui sống. Không muốn "bị" định danh là nhà văn viết cho thiếu nhi, anh vẫn đang thử nghiệm một Nguyễn Ngọc Thuần hoàn toàn khác với loạt tác phẩm mang tên Chuyện tào lao, trong đó tập đầu tiên Chuyện tào lao (về kẻ quấy rối và chồng cô ta) đã xuất bản năm 2009.
Còn rất nhiều cây bút của VHT20 đã không ngừng góp thêm giọng điệu đa sắc cho văn chương những năm gần đây: Quế Hương, Phong Ðiệp, Dương Thụy, Trang Hạ, Nguyễn Thu Trân, Vũ Ðình Giang,... Nói như Nguyễn Ngọc Tư, có thể có những tác phẩm chỉ "đánh ùm một tiếng rồi thôi", nhưng cái vòng tròn lan rộng từ những tiếng "đánh ùm" đó đã giúp đời sống văn chương có những biến chuyển.
Và từ những tác giả đã tạo được tên tuổi, niềm hi vọng về những cây bút mới từ cuộc thi VHT20 vẫn còn đó, như nhà văn Nguyên Ngọc - thành viên ban chung khảo của giải thưởng lần thứ IV - gửi gắm: "Có thể trong những cuộc thi như thế này có những đỉnh cao ở văn học chứ không phải không".
Thể lệ cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần IV (trích) I. YÊU CẦU VỀ ÐỀ TÀI SÁNG TÁC Hãy khám phá và viết về con người, cuộc sống và khát vọng của lứa tuổi 20 (cách gọi chung về lứa tuổi thanh niên trưởng thành trong những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21), nhằm tái hiện chân dung tiêu biểu của người trẻ hôm nay. II. THỂ LOẠI: Truyện dài và tập truyện ngắn. * Truyện dài: không quá 300 trang in (khổ 13x19cm), tương đương 200 trang khổ A4 (cỡ chữ 12). * Tập truyện ngắn: ít nhất là sáu truyện (lưu ý: không nhận thơ, kịch bản văn học và bút ký). III. ÐIềU KIỆN THAM GIA: * Người viết trên cả nước và người Việt ở nước ngoài. * Tác phẩm tham gia cuộc vận động phải là sáng tác mới, chưa từng công bố trên các phương tiện truyền thông (báo chí, xuất bản, mạng Internet). * Không chấp nhận các tác phẩm phóng tác hoặc chuyển thể. * Bản thảo tham gia cuộc vận động phải đánh máy trên một mặt giấy A4 (không nhận bản thảo viết tay hoặc gửi qua email). Người gửi bản thảo tham gia cần ghi rõ bút hiệu, tên thật, năm sinh, nghề nghiệp và địa chỉ (cả địa chỉ email), số điện thoại để tiện liên lạc. Các thông tin cá nhân này không ghi trực tiếp vào bản thảo mà ghi vào một tờ giấy riêng gửi kèm theo. * Bản thảo tham gia cuộc vận động xin gửi về: ban tổ chức cuộc vận động sáng tác "Văn học tuổi 20 lần thứ IV", 161B Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM. VI. THỜI GIAN: * Cuộc vận động được phát động từ ngày 24-3-2009 và công bố giải thưởng ngày 2-9-2010. Ban tổ chức bắt đầu nhận bản thảo tham gia từ ngày 31-3-2009 đến ngày 30-4-2010 (tính theo dấu bưu điện). VII. GIẢI THƯỞNG: 150 triệu đồng * 1 giải nhất: 50 triệu đồng, 1 giải nhì: 30 triệu đồng, 1 giải ba: 20 triệu đồng, 5 giải tư: 10 triệu đồng/giải. - Những tác phẩm qua vòng sơ khảo sẽ được chọn giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ. - Những tác phẩm đoạt giải sẽ được in thành sách và phát hành rộng rãi trong ngày trao giải. - Những tác phẩm vào chung khảo sẽ được chọn in thành sách và phát hành sau đó. - Tác giả có sách được chọn in được nhận nhuận bút. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận