14/12/2014 10:40 GMT+7

Gương mặt thân quen nhí: vui chút ít, băn khoăn quá nhiều

TRẦN THỊ HỒNG HẠNH
TRẦN THỊ HỒNG HẠNH

TT - Việc thi thố, đề cao khả năng bắt chước và quá nhiều màn giả gái của người lớn ở chương trình Gương mặt thân quen nhí đã gây lo ngại cho "những tờ giấy trắng" - trẻ em.

Nghệ sĩ Minh Thuận (phải) giả Thị Nở và giám khảo Hoài Linh trong Gương mặt thân quen nhí - Ảnh: SV

Từ rất lâu, nhiều nhà văn hóa, nhà giáo dục đứng trước trẻ em đã cất lên lời cảnh báo như thế. Câu chuyện không bao giờ cũ khi nhiều chương trình về trẻ em đang được sóng truyền hình khai thác với tên gọi “nhí”...

Tuổi Trẻ thử nhìn lại một chương trình đang được nhiều người quan tâm: Gương mặt thân quen nhí.

Nếu như Gương mặt thân quen - phiên bản người lớn - gây chú ý và thành công vì tính giải trí của nó qua sự xuất hiện danh hài Hoài Linh ở hàng ghế giám khảo cùng với sự tung hứng đáng yêu của ca sĩ Mỹ Linh và những lời nhận xét thấu tình đạt lý của họ, cũng như sự dàn dựng công phu từ chương trình thì Gương mặt thân quen nhí có trẻ em xuất hiện và là nhân tố chính nên chương trình lại mang đến nhiều băn khoăn đáng kể.

Ðầu tiên, có thể thấy Gương mặt thân quen nhí là chương trình được đầu tư kỹ lưỡng, các bé tham gia chương trình được một cô/chú dìu dắt và đồng hành suốt cuộc thi.

Ban tổ chức thiết kế từng tiết mục theo chủ đề với minh họa thật phù hợp và tạo hiệu ứng đáng kể về thị giác lẫn cảm xúc cho khán giả xem truyền hình.

Một số tiết mục có ca khúc về tình cảm gia đình khiến người xem xúc động.

Bên cạnh những điểm mạnh của chương trình về tính giải trí và thu hút một lượng khán giả nhất định, việc Gương mặt thân quen nhí “vô tình” dạy trẻ bắt chước, cho trẻ giả gái/giả trai, cho trẻ hát/biểu diễn ca khúc không phù hợp với lứa tuổi đã tạo ra không ít lấn cấn và băn khoăn cho khán giả xem truyền hình vốn là phụ huynh khó tính.

Vết gợn đáng kể nhất là cường độ xuất hiện của những “màn giả giới tính” của thí sinh nhí lẫn thí sinh hỗ trợ. Gần như tập nào cũng có một trường hợp giả giới tính.

Trẻ em đang độ tuổi định hình tâm lý và nhân cách lẫn nhận thức về giới tính thật của mình. Việc giả giới tính này tuy chỉ trong phạm vi một chương trình nhưng rõ ràng là bất ổn.

Sự lấn cấn đáng kể thứ hai chính là việc đại đa số tiết mục biểu diễn của các bé đều là biểu diễn ca khúc/trích đoạn của người lớn và bắt chước người lớn.

Có lẽ vì những thần tượng thiếu nhi của các cháu quá ít để chương trình cho thí sinh nhí bắt chước chăng? Hay vì đã có thí sinh hỗ trợ nên hát ca khúc người lớn không sao?

Không chỉ vậy, có thể thấy rất rõ, ở hàng ghế khán giả, đa số khán giả xem trực tiếp là người lớn và với khung giờ phát sóng... như hiện tại, khán giả thiếu nhi đều đã đi ngủ. Vậy chương trình này được phục vụ cho người lớn hay trẻ em?

Và nếu như phục vụ cho người lớn thì điều này có thỏa đáng không? Là cha mẹ, thiết nghĩ chẳng ai mong muốn con mình bắt chước hình mẫu nào đó của người lớn và trở thành “công cụ giải trí” cho khán giả chứ không hẳn là thể hiện tài năng thật sự của trẻ.

Từ trái qua, nam ca sĩ Chí Thiện đóng giả nữ ca sĩ Ý Lan, nghệ sĩ Minh Thuận trong vai nữ ca sĩ Thu Hiền, nam ca sĩ Kyo York đóng giả ca sĩ Ánh Tuyết trong chương trình Gương mặt thân quen nhí - Ảnh: S.V
Từ trái qua, nam ca sĩ Chí Thiện đóng giả nữ ca sĩ Ý Lan, nghệ sĩ Minh Thuận trong vai nữ ca sĩ Thu Hiền, nam ca sĩ Kyo York đóng giả ca sĩ Ánh Tuyết trong chương trình Gương mặt thân quen nhí - Ảnh: S.V

Về mặt tâm lý, khi trẻ bắt chước quá nhiều sẽ dẫn đến thói quen thụ động, không suy nghĩ sáng tạo vì nghĩ rằng chỉ cần bắt chước là đủ, bắt chước càng giỏi càng được ngợi khen.

Bản thân những em bé tham gia chương trình ắt hẳn sẽ chưa đánh giá được đầy đủ tác hại của việc bắt chước sẽ ảnh hưởng đến các cháu như thế nào về sau này, trong quá trình trưởng thành.

Dĩ nhiên, không thể đòi hỏi quá nhiều ở một chương trình giải trí trên truyền hình. Nhưng với Gương mặt thân quen nhí, khi có yếu tố trẻ em xuất hiện, khán giả có quyền đòi hỏi và khắt khe hơn những chương trình giải trí thông thường.

Nếu nói một cách xét nét thì sẽ rất dễ để cho rằng Gương mặt thân quen nhí chính là sự “kéo dài” của Gương mặt thân quen để tiếp tục giữ sóng cho chương trình vì mục đích duy trì lợi nhuận là chính! Sự ủng hộ của khán giả bởi vậy cũng là điều đáng suy nghĩ với những nhà giáo dục và nghiên cứu tác động của truyền thông với công chúng.

Con em chúng ta sẽ học được gì, giải trí được gì với chương trình có những vết lấn cấn đáng kể như trên? Và người lớn giải trí với sự bắt chước của trẻ thì liệu có đáng?

TRẦN THỊ HỒNG HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp