25/03/2024 13:10 GMT+7

Gượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ 5: Quyết tâm thoát vòng xoáy nợ nần

Sau vỡ nợ - chuyện nợ nần như bản án xử chậm, nhiều người kiên trì vượt qua sóng gió, chấp nhận cảnh đắp đổi qua ngày, làm những nghề trái tay vất vả và cuộc sống không còn sĩ diện như hồi trên đà "vinh quang".

Giờ đây anh Phạm Văn Bảy xoay đủ nghề kiếm tiền trả nợ ngân hàng - Ảnh: YẾN TRINH

Giờ đây anh Phạm Văn Bảy xoay đủ nghề kiếm tiền trả nợ ngân hàng - Ảnh: YẾN TRINH

Ông chủ lớn quay về làm rẫy

Mở công ty riêng và đại lý dinh dưỡng ở quê nhà Đức Trọng (Lâm Đồng), ông Trần Minh Chánh (60 tuổi) có nhà cửa ở vị trí đắc địa của thành phố. Đùng cái, ông giao hết cho vợ. "Đóng thuyền lớn phải ra khơi mà bơi", ông nói về quyết định táo bạo hơn 10 năm trước.

Một mình xuống TP.HCM, ông mở công ty dữ liệu và ăn nên làm ra. Rồi nghề bão hòa, ông nhảy ra kinh doanh khách sạn. Ông kể: "Sẵn vốn, tôi thuê khách sạn cũ hoặc nhà phố rồi thay đổi công năng kinh doanh. Marketing tốt cộng thêm mát tay, chuỗi khách sạn đem về nguồn thu khủng".

Thừa thắng, ông quyết chơi lớn, gom tiền mua luôn khách sạn mình đang thuê. Thiếu tiền, ông bán bớt đất đai ở quê và vay, dùng đòn bẩy ngân hàng theo kiểu "lấy mỡ nó rán nó". Có thời điểm ông nắm trong tay trên dưới chục khách sạn ở các quận trung tâm.

Đang ngon trớn, dịch COVID-19 ập đến khiến hệ thống khách sạn ông dường như tê liệt, sau đó đóng cửa. "Thời gian này với tôi là ác mộng. Đêm ngủ không quá hai tiếng.

Lúc nào cũng đau đáu làm sao có tiền đóng lãi ngân hàng, lãi vay nóng... Lấy đầu này đắp đầu kia, ráng gồng một thời gian đành buông xuôi, vỡ nợ", ông ngán ngẩm.

Ông rao bán toàn bộ khách sạn khi thị trường đã đóng băng. Lần lượt các khoản vay "lên sàn" nợ xấu, buộc thanh lý. Mới đây, một ngân hàng ra thông báo khoản nợ xấu với số tiền khá lớn, buộc chuyển hồ sơ khởi kiện thu hồi nợ. Một số ngân hàng khác tiến hành tương tự.

"Cái dở của tôi là quá tham đầu tư. Nếu ngày trước tôi đừng chăm chăm tập trung một ngành thì đâu đến nỗi", ông cay đắng nói về bài học xương máu. Người đàn ông tóc đã muối tiêu khoanh các khoản nợ và chờ ngân hàng thanh lý tài sản. "Còn được nhiêu hay bấy nhiêu. Làm lại từ đầu thôi", ông nói.

May cho ông là vẫn còn đất quê hương để trở về. Thời gian đầu ông phụ vợ củng cố công ty. Ngoài ra ông làm đủ thứ việc, miễn sao có thu nhập: mở vựa thu mua trái cây, bỏ mối gạo, chạy xe dịch vụ... Mấy lô đất để không, lâu nay ông cho thuê hoặc trồng rau củ bán.

Lấy ngắn nuôi dài, bỏ mộng làm giàu nhanh

Còn rẫy vườn bỏ hoang bấy lâu, ông đầu tư trang trại. Vay người thân thêm khoản tiền, ông thuê nhân công cải tạo đất trồng cây mắc ca, một phần diện tích trồng hoa màu lấy ngắn nuôi dài.

Chuyển sắc mặt tươi tỉnh, ông nói vườn mắc ca trên 2 năm tuổi giờ xanh mướt, trĩu quả. "Trải qua dông bão, tôi nghiệm ra sản xuất là hướng đi bền vững.

Dự tính đến cuối năm lứa cây trồng đầu tiên sẽ cho thu hoạch. Nếu đầu ra và giá cả tốt như hiện nay thì đủ trang trải tiền nhân công, đầu tư ban đầu. Hy vọng vài năm sau sẽ có lãi", ông nở nụ cười.

Chỉ vào cửa hàng rèm cửa - chăn gối nệm bên kia đường khi hẹn nói chuyện với chúng tôi tại quán cà phê đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận, TP.HCM), anh Hoàng Xuân Minh (43 tuổi) kể:

"Từ đận đó, tôi không còn dám làm ăn lớn nữa. Sợ lắm rồi! Cái mặt bằng này nhỏ thôi, tôi thuê từ đầu năm 2022 giá 8 triệu đồng một tháng. Hai năm rồi mà họ chỉ tăng lên 8,5 triệu thôi, tại họ cũng thấy làm ăn khó khăn mà".

Vợ chồng anh từng có thời gian xài tiền không tiếc, có những buổi tối đi các cửa hàng gom tiền về... mệt quá không còn sức đếm.

Tiền cứ thảy đại vào két sắt rồi đi ngủ để ngày mai chị lại lo nhập hàng, tính sổ sách, anh gặp đối tác, ăn nhậu với bạn hàng...

Đó là những năm đầu thập niên 2010, kinh tế đang lên, "buôn bán ham lắm, tiền vô ào ào luôn". Trong 5 năm họ sở hữu bốn cửa hàng ở bốn quận, mua được hai căn nhà.

Nhưng tới 2018, doanh thu các cửa hàng sụt giảm dần, cả năm không dư đồng nào. Đó là thời điểm việc mua quần áo trên mạng rầm rộ, chẳng mấy ai còn chịu ra cửa hàng lựa đồ. Hàng tồn nhiều mà lương nhân công, tiền nhà lại tăng.

Đến năm 2020, anh phải bán bớt một căn nhà để bù đắp cho khoản lỗ 3 năm trời, bởi mỗi tháng lỗ cả 100 triệu đồng. "Nếu lúc đó tôi nhanh tay trả bớt mặt bằng thì đâu có bị nặng như vậy", giọng anh tiếc rẻ.

Anh buộc phải trả mặt bằng, giải nghệ với công việc đã gắn bó hơn 10 năm trời, cho mình cũng nhiều mà cuối cùng lấy đi tất cả. Căn nhà còn lại anh cũng phải cầm cố ngân hàng để lo chi phí và lấy vốn làm ăn tiếp.

Hiện tại anh trông coi cửa hàng rèm cửa này, vợ ở nhà nấu ăn rồi bán online. Người đàn ông ngoài tứ tuần nhưng mặt nhiều nếp nhăn, tóc nhiều sợi bạc nhả khói thuốc rồi nói:

"Hai vợ chồng cũng ráng cày để mỗi tháng trả hơn 10 triệu cho ngân hàng, rồi lo cho hai đứa con ăn học. Thực sự cũng chật vật lắm nhưng như mình còn có cơ hội làm lại là may rồi đó, chứ nhiều người te tua lắm, nợ nần chồng chất, có người phải trốn đi luôn".

Sốt đất giúp nhiều người giàu nhanh, nhưng cũng không ít người sa lầy nợ nần - Ảnh: MẠNH DŨNG

Sốt đất giúp nhiều người giàu nhanh, nhưng cũng không ít người sa lầy nợ nần - Ảnh: MẠNH DŨNG

Không muốn có "phốt" nợ xấu với ngân hàng

Gặp chúng tôi khi đang đau đầu vì nợ dí, anh Phạm Văn Bảy (38 tuổi, ngụ đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp) chìa tin nhắn ngân hàng nhắc nợ.

Trong đó, một khoản vay hơn 1,7 tỉ quá hạn trả gốc lãi ba ngày, một khoản hơn 2 tỉ còn một tuần nữa tới hạn.

"Một năm nay, tháng nào tôi cũng gồng mình xoay hơn 50 triệu đồng trả ngân hàng, chưa kể tiền mượn người quen. Tôi làm đủ nghề và mượn tới mượn lui để trả nợ. Tôi chỉ ước trả dứt được một bên ngân hàng để nhẹ gánh bớt", anh thở dài.

Từ anh chàng đi xe hơi, xài tiền hào phóng, anh giờ tiết kiệm từng chút. Bất động sản chết đứng, vốn đổ vào của anh mấy năm trước cũng te tua, giờ ngoài công việc chính, anh còn xoay ra bắt mối giao nước uống tinh khiết, chạy xe hợp đồng, nhận làm thủ tục giấy tờ hộ...

Gương mặt hốc hác, anh bộc bạch: "Những lúc quá chán nản, tôi nghĩ hay là bỏ hết, để ngân hàng khoanh nợ xấu rồi ra sao thì ra. Nhưng như vậy ảnh hưởng việc làm ăn sau này, nên ráng được tháng nào hay tháng đó".

Gia đình anh ngoài quê thế chấp căn nhà nhỏ được 300 triệu đồng cho anh xoay xở. Rẫy trồng keo anh mua đã lâu, nay anh bán lứa keo được hơn 100 triệu đồng và đang tìm người để bán luôn đất. Anh không muốn có "phốt" nợ xấu với ngân hàng để sau này có làm ăn lại sẽ rất khó tìm đòn bẩy tài chính từ dòng tiền này.

Tỉnh táo nghĩ cách

Quay cuồng nợ nần, nhưng đã rút kinh nghiệm và có những người bạn cho vay một ít không tính lãi, anh Phạm Văn Bảy nói rằng đầu óc cần tỉnh táo để nghĩ cách và thực hiện cách vượt qua.

"Chuyện đã xảy ra rồi, tôi không tiếc nuối nữa mà lao vào kiếm tiền trả nợ. Tôi tin rồi đây sẽ bán được miếng đất, trở lại cuộc sống nhẹ nhàng. Ai có đầu tư thì đầu tư vừa vừa, tìm hiểu kỹ rồi hẵng làm", anh nhắn nhủ.

Cũng từ đó, khi có người quen có ý định mua bất động sản, anh đều tư vấn tận tình để họ quyết định đúng đắn. Anh nói mình trót vội vàng, không muốn người khác gặp cảnh như mình.

--------------------------

Trước thực tế đầu tư thất bại, rơi vào vòng xoáy nợ nần trong một thị trường biến động, các chuyên gia kinh tế chia sẻ về việc trang bị khả năng nhìn nhận, sức đề kháng dành cho những người có vốn nhỏ, đặc biệt là trước những cơ hội không mời mà đến.

Kỳ tới:Để tránh đầu tư rủi ro cần luôn đặt câu hỏi

Gượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ 4: Túng quẫn và vòng xoáy tín dụng đenGượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ 4: Túng quẫn và vòng xoáy tín dụng đen

Góp sức vào những chuyến phiêu lưu đầu tư, vào vòng xoáy nợ nần là những bàn tay tín dụng đen. Những người trót sa vào vay nóng, trong đó có cả những công nhân lẫn người từng có khả năng kinh tế giờ oằn mình trả nợ và rút bài học đau thương nhớ đời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp