05/08/2015 09:10 GMT+7

Gượng dậy sau lũ

THÂN HOÀNG - TIẾN THẮNG - ĐỨC HIẾU
THÂN HOÀNG - TIẾN THẮNG - ĐỨC HIẾU

TT - Ngày 4-8, nước lũ cơ bản đã rút hết. Sau những ngày chạy lũ, hàng ngàn hộ dân ở Quảng Ninh đã quay lại gầy dựng cuộc sống trên đống đổ nát hoang tàn.

Nước lũ tại thị trấn Tuần Giáo, Điện Biên chảy xiết cuốn trôi tất cả chướng ngại vật, xe máy, tài sản của người dân ngày 1-8 - Ảnh: Điện Biên Online

Quảng Ninh đã hết mưa, con đường dẫn vào các phường Hà Khánh, Hà Phong, Cao Thắng (TP Hạ Long), Quang Hanh, Mông Dương (TP Cẩm Phả) vẫn ngổn ngang đồ đạc, nhiều ngôi nhà tốc mái đổ tường, sập tan hoang chỉ còn lại nền đầy bùn đất.

Khó khăn chồng chất

Nước mắt ngắn dài lăn trên gương mặt sạm đen, trong căn nhà cấp 4 còn dính đầy bùn đất bà Nguyễn Thị Hoa (61 tuổi, phường Cao Thắng) lầm lũi nhặt nhạnh vài món đồ điện tử còn sót lại để gom thành đống chuẩn bị bán đồng nát.

Bà Hoa cho biết mưa lũ rút nhưng bùn đất còn rất nhiều. Toàn bộ bát đũa, xoong nồi... - những món đồ thiết yếu để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt tối thiểu - đều không còn. Nước rút từ đêm 3-8 nhưng vợ chồng bà vẫn phải sang nhà con gái nấu ăn.

“Mấy hôm nay cũng có nhiều đoàn cứu trợ đi phát gạo, nhưng gia đình chỉ biết treo tạm lên trên sát nóc nhà bởi không còn nồi để nấu” - bà Hoa thẫn thờ.

Tại một ngôi nhà cấp 4 xiêu vẹo, nền đất vẫn còn loét nhoét bùn, bà Nguyễn Thị Hến (60 tuổi, ở khu 9, phường Cao Thắng) dẫn chúng tôi tới khu chuồng chăn nuôi trống trơn, không còn lấy một con gà, con lợn.

Bà Hến nghẹn ngào: “Mưa lũ đổ về đột ngột, mọi người chỉ kịp tháo chạy lên cao, khi nước rút thì không còn thấy lợn, gà đâu cả. Giờ gia đình không còn biết phải dựa vào đâu để làm ăn”.

Ở Trạm y tế phường Mông Dương, ai cũng cảm thương vợ chồng chị Ngô Thị Hảo, cháu Nguyễn Thị Mỹ Duyên - con chị Hảo - mới 6 tháng tuổi nhưng phải theo bố mẹ ra đây từ cả chục ngày nay. Từ khi sinh cháu, chị Hảo nghỉ mót than tại các khu bãi thải để ở nhà chăm con.

Cả nhà năm người chỉ trông cậy vào đồng lương của chồng khoảng 7 triệu đồng. Bây giờ nhà mất, bao nhiêu đồ đạc giá trị bị vùi lấp cả, công việc của chồng chị cũng long đong.

“Nghĩ đến những ngày tháng tới, tôi không biết phải xoay xở ra sao, nhà ở chưa đâu vào đâu mà năm học tới đã cận kề. Ngày 14-8 hai cháu nhà tôi sẽ vào lớp 1, lớp 2” - chị Hảo buồn bã nói.

Nhọc nhằn đường đến trường

Theo kế hoạch, các trường học tại Quảng Ninh phải tập trung học sinh từ ngày 1-8, thế nhưng nhiều trường học tại TP Cẩm Phả, TP Hạ Long vẫn còn ngập ngụa bùn đất.

Lần giở từng trang giáo án dính đầy bùn đất còn sót lại sau lũ, cô Hoàng Thị Vinh - hiệu trưởng Trường mầm non Quang Hanh - phân trần: “Nước đến nhanh quá, chúng tôi chẳng kịp chạy được đồ đạc. Nước và bùn cao đến gần 2m, toàn bộ thiết bị, tủ tư trang, giá đồ chơi, đồ dùng cho cô và trẻ đều bị ngập hỏng hết rồi”.

Cô Vinh cho biết các thầy cô giáo trong trường mấy ngày qua cật lực dọn dẹp nhưng mới giải quyết được 1/3 bùn đất.

Gần 10 ngày trôi qua nhưng nỗi kinh hoàng khi chứng kiến cảnh nước lũ cùng bùn đất ào ào đổ xuống vùi lấp hết nhà cửa vẫn hiện rõ trên khuôn mặt bà Trần Thị Lành (63 tuổi, tổ 2, khu 4, phường Mông Dương).

Ngồi bó gối trong góc phòng tại Trạm y tế Mông Dương, bà Lành bần thần: “Tôi già rồi, sau lũ có lang bạt hoặc kiếm cái gì ăn cái đó qua ngày cũng được, nhưng lo nhất là đứa cháu nội giờ lấy tiền đâu cho nó đi học”.

Bà Lành cho biết con trai mất từ năm 2009, để lại cho hai ông bà phải nuôi cháu nội mới 3 tuổi. Khi đó chồng bà Lành có lương hưu nên có thể đắp đổi qua ngày, nhưng cách đây ba năm ông cũng đi theo con trai, nên hai bà cháu vốn khó khăn nay lại chồng chất khó khăn.

Bà lại bị bệnh tim to, không làm được việc nặng nhọc, chủ yếu sống bằng tiền trợ cấp hộ nghèo. Cơn mưa lũ lịch sử ập đến, bà Lành chỉ kịp ôm theo đứa cháu chạy trốn, còn toàn bộ đồ đạc vùi lấp trong bùn đất.

Kể từ hôm đó, bà phải gửi nhờ cháu về ở tạm quê ngoại tận Hải Dương, còn mình trú tránh trong Trạm y tế Mông Dương.

“Sắp khai giảng rồi, nó năm nay vào lớp 4. Hôm chạy lũ nó khóc suốt vì sách vở, quần áo ngập trong bùn thải. Lúc bố nó mất cứ day dứt dặn dò tôi cố cho nó học hành nên người, nhưng giờ lũ cuốn trôi hết rồi, kiếm cái ăn còn cực nhọc, không biết lấy gì cho nó đi học!?” - bà Lành khóc nấc.

Không để người dân bị đói

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm người dân khu phố 4, phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) tá túc tại trạm y tế phường Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm người dân khu phố 4, phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) tá túc tại trạm y tế phường - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ngày 4-8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm người dân bị thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ tại Quảng Ninh.

Chủ tịch nước đã vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, động viên anh Cao Tiến Vĩ (trú tại TP Hạ Long, nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ sập nhà làm tám người trong gia đình anh thiệt mạng), đến Trạm y tế P.Mông Dương (TP Cẩm Phả) tặng quà những người dân bị lũ lụt, bùn thải tràn về vùi lấp hết nhà cửa.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch nước nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu lúc này là huy động mọi nguồn lực để ứng cứu, hỗ trợ những người dân bị mất nhà cửa đang phải sống tạm bợ tại các điểm tập trung, tuyệt đối không được để người dân bị đói, khát sau mưa lũ.

Tỉnh Quảng Ninh cần tập trung cao nhất để sớm ổn định cuộc sống người dân, tiếp tục duy trì ổn định sản xuất, nhất quyết không để dịch bệnh xảy ra sau mưa lũ.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh phải tăng cường các biện pháp phòng chống mưa bão, không được chủ quan và không được để xảy ra thêm thiệt hại về người.

“Trước mắt cần tập trung ứng cứu người dân, không được để người dân đói khát sau lũ. Cần phải quy hoạch lại hệ thống thoát nước, quy hoạch phải đồng bộ, hiệu quả, ứng phó hoặc hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, không thể làm theo kiểu cứ có mưa thì lấy ô ra che” - Chủ tịch nước nêu rõ.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại khai trường Công ty than Núi Béo, Công ty CP than Mông Dương.

Báo cáo Chủ tịch nước, ông Lê Minh Chuẩn - chủ tịch HĐQT TKV - cho biết một số mỏ đã hoạt động trở lại, cung cấp khoảng 30.000 tấn than/ngày cho các nhà máy nhiệt điện, đáp ứng được 50% nhu cầu. Hiện có khoảng 30.000 công nhân ngành than đã quay lại làm việc bình thường.

THÂN HOÀNG

28 người chết, 3 người mất tích

Tổng hợp của văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết mưa lũ ở các tỉnh miền Bắc từ ngày 1 đến 3-8 làm 11 người chết, 3 người mất tích, 11 người bị thương.

Tính cả 17 người thiệt mạng do mưa lũ tại Quảng Ninh trước đó, đến nay có 28 người chết, 3 người mất tích do mưa lũ gây ra. Ngoài ra còn có một tàu cá của ngư dân Thanh Hóa bị chìm trên vùng biển Quảng Ninh khiến 1 người chết, 5 người mất tích.

Tính từ ngày 1 đến hết 3-8 có 122 nhà bị sập đổ và cuốn trôi, 3.666 nhà bị ngập nước, 10.422ha lúa và 1.436ha hoa màu bị thiệt hại.

Mưa lũ cũng gây một số sự cố về đê, kè tại Bắc Giang, Bắc Ninh, làm thiệt hại 11.271m kênh mương, hư hỏng 140 công trình thủy lợi nhỏ, sạt lở gần 250.000m3 đường quốc lộ, tỉnh lộ.

T.PHÙNG

THÂN HOÀNG - TIẾN THẮNG - ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp