Chúng ta nói không dùng tiền ngân sách nhưng cho vay lãi suất 0%/ năm là dùng gián tiếp - ảnh Lê Thanh
Nhiều băn khoăn về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng đã được các Đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên họp sáng nay 26-10.
Dùng tiền của dân thì phải báo cáo với dân
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết ông tán thành với việc sửa đổi bổ sung dự án luật này tuy nhiên các cử tri có "băn khoăn về chuyện xử lý các ngân hàng yếu kém thì có sử dụng ngân sách hay không".
Theo ông Nghĩa, các quốc gia khác đều thừa nhận công khai chuyện lấy tiền thuế của dân để xử lý nhưng phải kèm theo phương án tái cơ cấu để phục hồi ngân hàng yếu kém và sau đó bán lại khi thấy có lời.
"Tôi còn nhớ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama có cam kết với cử tri khi giải cứu các ngân hàng rằng đảm bảo người dân sẽ giám sát từng đồng USD cho gói giải cứu đó. Do đó, chúng ta không nên né tránh việc này", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông Nghĩa, bây giờ chúng ta nói không dùng tiền ngân sách nhưng lại đề nghị cho vay lãi suất đặc biệt là 0%/ năm. Như vậy là dùng ngân sách gián tiếp. Vậy việc này sẽ có ảnh hưởng ngân sách như thế nào?
"Nếu ảnh hưởng thì chúng ta cũng phải xác định là ảnh hưởng bao nhiêu để báo cáo cho nhân dân và cử tri biết. Cuối cùng sự ảnh hưởng đó sau một thời gian xử lý thì đạt hiệu quả gì", ông Nghĩa nêu vấn đề.
Người dân được quyền biết những việc này vì họ là người đóng thuế. Nếu ngân sách ảnh hưởng thì người dân ảnh hưởng
Ông Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Định Duy Vượt (Gia Lai) kiên quyết đề nghị không sử dụng ngân sách Nhà nước trong quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, ông Vượt cho rằng cần có nghiên cứu toàn diện, giải pháp phù hợp từng thời điểm với từng tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo quyền của người gửi tiền, tránh tình trạng người gửi tiền rút tiền ồ ạt, gây hậu quả lớn đến nền kinh tế và xã hội.
Gửi hàng tỉ, bồi thường 75 triệu?
Đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) đề nghị luật cần phải làm rõ có chi trả đủ tiền gốc và lãi cho người gửi tiền hay không khi xử lý ngân hàng yếu kém.
Ông Đồng cho rằng nếu không chi trả vượt mức chi của bảo hiểm tiền gửi là 75 triệu đồng/người thì sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của hệ thống.
Cùng quan điểm, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thư (Hà Tĩnh) cho rằng mức quy định chi trả của bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng không có ý nghĩa thực tiễn khi người gửi đến hàng tỉ đồng, vì thế cần phải xem xét kỹ quy định này.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nhắc lại chuyện ông đã phát biểu tại kỳ họp thứ 3 của hồi tháng 5 rằng Dự thảo luật có quy định cụ thể về biện pháp hỗ trợ chi trả về hạn mức chi trả cho người gửi tiền khi thực hiện phá sản ngân hàng yếu kém.
Tuy nhiên, ông Tùng nói rằng đến dự thảo luật kỳ này thì lại không có quy định này nữa và băn khoăn "quyền lợi của người gửi tiền sẽ được xử lý như thế nào khi phá sản ngân hàng"?
Ông Tùng cho rằng theo quy định kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước không cho phá sản tổ chức tín dụng để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Còn dự thảo luật đưa ra phương án phá sản sẽ là phương án cuối cùng xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Như vậy, trong trường hợp, ngân hàng có quy mô khách hàng lớn, nếu thực hiện phá sản nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội.
Cần cơ chế đặc biệt cho người "tháo ngòi bom nổ"
Đại biểu Định Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng sau một số đại án ngân hàng vừa được xét xử chứng tỏ thực trạng hết sức phức tạp, khó khăn trong việc xử lý giải quyết hậu quả các ngân hàng yếu kém và hậu quả pháp lý của những người có liên quan.
Việc phân công cán bộ đảm nhận nhiệm vụ này cũng phải có cơ chế đặc biệt bởi lẽ cán bộ đang ăn nên làm ra, thuận buồm xuôi gió, ăn ngon ngủ yên thì có ai dám dũng cảm xông vào để giải cứu các ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt.
Qua tìm hiểu, một số cán bộ có năng lực được giao làm nhiệm vụ này được họ ví như đang đi tháo ngòi nổ quả bom vì quá trình cơ cấu lại, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trong khi đó, trách nhiệm xử lý tổ chức tín dụng được giám sát đặc biệt phải có nhiều giải pháp đặc biệt nhằm ngăn chặn rủi ro, ảnh hưởng lan truyền đến toàn hệ thống tổ chức tín dụng, nhất là bảo vệ quyền của người gửi tiền.
Mặt khác, qua tim hiểu một số nước có miễm trách nhiệm với cán bộ tham gia nhiệm vụ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận