Phóng to |
Một nhà máy của GlaxoSmithKline ở Thượng Hải - Ảnh: Reuters |
Ngày 23-7, báo Mỹ New York Times đưa tin theo kết quả điều tra nội bộ của GSK vào tháng 11-2011, Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của GSK - nơi phát triển các loại thuốc thần kinh - đã vi phạm nhiều quy định về an toàn. Các chuyên viên của trung tâm này cũng thực hiện những hành vi có thể bị coi là "hối lộ".
Ðại gia dược Anh mở Trung tâm R&D tại Thượng Hải vào năm 2007 để đẩy nhanh việc Bắc Kinh cấp phép lưu hành thuốc cho GSK. Ngoài ra, đây còn là trung tâm nghiên cứu quan trọng bậc nhất của GSK ở châu Á. Từ một nhân viên năm 2007, đến năm 2011 Trung tâm R&D này đã có tổng cộng 460 nhân viên.
Phạm "trọng tội"
Càng rẻ càng nhiều nguy cơ Theo khảo sát của Hãng tư vấn McKinsey & Company, từ năm 2006 đến nay, 13 trên tổng số 20 tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới đã mở trung tâm R&D ở Trung Quốc. “Nghiên cứu ở Trung Quốc rẻ hơn tại phương Tây - NYT dẫn lời giáo sư chính sách y tế Eric G. Campbell thuộc Trường Y tế Harvard - Nhưng tôi không hề nghi ngờ rằng nghiên cứu càng rẻ tiền thì nguy cơ càng lớn”. |
Theo điều tra nội bộ của GSK, chuyên viên ở trung tâm này đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc về quy trình khi không báo cáo kết quả thử nghiệm thuốc trên động vật mà đã tiến hành thử nghiệm ở người - hành vi được các chuyên gia coi là "tội chết người." Theo New York Times, các vi phạm này xảy ra khi GSK nghiên cứu loại thuốc ozanezumab, trị bệnh xơ cứng rải rác và bệnh xơ cột bên teo cơ (bệnh Lou Gehrig).
Các chuyên gia y học khẳng định việc công bố kết quả thử nghiệm thuốc trên động vật là tối quan trọng. Bởi chúng có thể chỉ ra những nguy cơ mà thuốc có thể tạo ra. Ðó cũng là nền tảng để các công ty dược quyết định có thử nghiệm thuốc ở người hay không. "Việc che giấu kết quả thử nghiệm thuốc ở động vật là một trọng tội - NYT dẫn lời chuyên gia Arthur L. Caplan, người đứng đầu bộ phận đạo đức y học tại Trung tâm y tế Lagone của ÐH New York - Không ai dám cho phép thử nghiệm thuốc ở người trước khi biết kết quả thử nghiệm ở động vật".
Báo cáo cho rằng các bệnh nhân dùng thử thuốc ozanezumab của GSK có thể phải đối mặt với "những nguy cơ không cần thiết" hoặc không được hưởng lợi ích gì từ loại thuốc này. Trong thời gian qua, GSK đã ngừng thử nghiệm thuốc ozanezumab đối với bệnh nhân xơ cứng rải rác vì hiệu quả điều trị không rõ ràng nhưng vẫn thử nghiệm với bệnh nhân xơ cột bên teo cơ.
Ngoài ra, các nhân viên Trung tâm R&D ở Thượng Hải không lưu giữ tài liệu cho thấy liệu các bệnh nhân tham gia thử nghiệm thuốc có ký đơn đồng ý thử nghiệm hay không, có uống thuốc đúng liều không... Phản ứng lại, GSK tuyên bố các nhân viên Trung tâm R&D giám sát hoạt động thử nghiệm đúng quy trình nhưng không lưu giữ hồ sơ đầy đủ. Một vi phạm nữa được phát hiện là việc nhân viên trung tâm Thượng Hải trả tiền cho những người giám sát hoạt động thử nghiệm thuốc tại các bệnh viện và trung tâm y tế bên ngoài. Báo cáo cho rằng các khoản chi này có thể bị coi là hối lộ, dẫn tới những nguy cơ về tài chính và uy tín đối với GSK.
Một người Mỹ bị bắt
Hiện tại, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng cuộc điều tra xìcăngđan hối lộ 500 triệu USD để tăng doanh số bán thuốc của GSK. Các nguồn tin đều nói cuộc điều tra sẽ còn được mở rộng nữa. Theo Reuters, mới đây một công dân Mỹ bị bắt giữ vì có liên quan đến vụ bê bối này. Ðại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đã xác nhận thông tin này. Trước đó bốn quan chức người Trung Quốc của GSK đã bị tạm giam, còn giám đốc tài chính thị trường Trung Quốc của GSK bị cấm xuất cảnh. Cảnh sát Trung Quốc cũng thẩm vấn hai nhân viên người Trung Quốc làm việc ở chi nhánh của Hãng dược Anh AstraZeneca ở Thượng Hải. AstraZeneca tuyên bố Bộ Công an Trung Quốc mô tả đây là một vụ án riêng, không có liên quan đến vụ của GSK. Ngoài ra, nhà chức trách đã đến "thăm" các văn phòng của Hãng dược Bỉ UCB.
Nguồn tin Bloomberg cho biết một số hãng dược lớn như Sanofi, Novartis, Merck, Roche... cũng làm ăn với Công ty du lịch quốc tế Lâm Giang, hãng được GSK thuê để thực hiện chiến dịch hối lộ các bác sĩ Trung Quốc. Ngay sau khi vụ bê bối GSK bị vỡ lở, ba đại gia này đều lập tức ngừng mọi hoạt động hợp tác với Công ty Lâm Giang. Theo Thời Báo Hoàn Cầu, Bộ Y tế Trung Quốc cũng thông báo 39 bác sĩ, nhân viên tại Bệnh viện Nhân Dân thành phố Cao Châu ở tỉnh Quảng Ðông sẽ bị trừng phạt vì tội nhận hối lộ tổng cộng 460.000 USD từ hai hãng dược từ tháng 1-2010 đến tháng 12-2012. Trong đó chín bác sĩ trực tiếp nhận hối lộ đã bị thu hồi giấy phép hành nghề. Truyền thông Trung Quốc không công bố tên hai hãng dược đã hối lộ cho nhân viên bệnh viện này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận