Như một cây đại thụ luôn tỏa bóng mát cho đời, ông mở ra một khung trời rợp mát, mải mê quên cả những giới hạn thiên định ngày mai.
GS Trần Văn Khê trong buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc với sinh viên - Ảnh: T.T.D. |
Hai năm trước, 2011, dù đã mệt nhiều nhưng giáo sư Trần Văn Khê vẫn chăm chút cho xong tập Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy & tình bạn Duy Khê. Quyển sách được coi như là một trong những tác phẩm cuối của ông ra mắt công chúng. Chỉ là nhận định lại một con người và dòng nhạc, nhưng giáo sư Trần Văn Khê vẫn đưa ra được nhiều lý luận và phân tích độc đáo về phong cách âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy, bạn ông.
Chính nhạc sĩ Phạm Duy lúc sinh thời, khi đọc đến những phần nghiên cứu hệ thống bậc thang âm ngũ cung của mình trong sáng tác mới và cả cách sáng tạo những thang âm ngũ cung mới, đã xúc động đến ứa nước mắt vì không ngờ có người bạn lại chiêm nghiệm mình sâu sắc đến vậy. Còn giáo sư Trần Văn Khê thì cười và khiêm tốn nói rằng mình chỉ đủ sức ghi nhận một tài năng, từ góc nhìn cổ truyền của dân tộc Việt.
Cuối năm 2013, với hành trình ở cõi nhân gian dài gần một thế kỷ, sức khỏe giáo sư Trần Văn Khê yếu đi rất nhiều. Vậy mà, dù không viết được gì vào lúc này, ông vẫn dành sức và thời gian để giúp nhà thơ Phạm Thiên Thư ra mắt và quảng bá bộ Hát ru Việt sử thi. Vì sức yếu ông phải chia ra nhiều lần mới đọc hết, rồi chia sẻ, góp ý 274 trang viết với 3.320 câu lục bát của nhà thơ Phạm Thiên Thư.
Công việc của một nhà nghiên cứu âm nhạc là vậy: thầm lặng, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Suốt 60 năm gắn bó với âm nhạc cổ truyền Việt Nam, ngập tràn những bài viết, tư liệu và giải thưởng quốc tế… ông trở thành một thư viện khổng lồ và bao dung chia sớt. Không có ông, người Việt thiếu mất một gia tài vĩ đại tổ tiên để lại, mà ông là người được chọn để gìn giữ trong trăm năm.
GS Trần Văn Khê giới thiệu âm nhạc dân tộc với học sinh TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
“Tôi chỉ là một nhà nghiên cứu, tôi không có gì vui để nói về mình” - giáo sư Trần Văn Khê cười nói lúc ông đang nằm điều trị tại Viện Tim cuối năm 2013. Nhưng có lẽ người ta không nói đến cái vui khi chiêm ngưỡng một thư viện lớn, mà chỉ nhìn thấy nơi đó sự hấp dẫn của tri thức mời gọi. Đó cũng là cái cách mà người giáo sư đang đau yếu, không còn đứng vững phải di chuyển bằng xe lăn ngay trong ngôi nhà của mình, nhưng ông vẫn ngồi và im lặng nhìn từng cây đàn, từng bộ gõ, từng ngăn sách… như những người bạn cũ đang hấp dẫn gọi mời, và biết rằng một ngày nào đó rồi ông cũng sẽ phải chia tay chúng.
Trong một bài nói chuyện về đàn tranh, giáo sư Trần Văn Khê giới thiệu về hình thức giống nhau của đàn tranh Trung Quốc và Việt Nam. Dù giản đơn hơn, dù vay mượn dáng vẻ, nhưng người Việt Nam đã tạo ra sự khác biệt độc đáo bởi lối nhấn dây độc đáo ở tay trái. “Ngay khi chơi trên cây đàn Trung Quốc, nếu để vào đó linh hồn Việt Nam thì cây đàn đó cũng phải reo tiếng Việt” - giáo sư nói. Câu chuyện về đàn tranh chỉ có vậy, nhưng đã âm vang trong trái tim không biết bao người về nguồn cội và giá trị không thể thay đổi của người Việt từ ngàn năm. Bài nói chuyện có từ năm 2002, khi ấy giáo sư nói và tự đàn để chứng minh. Đến năm 2013, 93 tuổi, ông chỉ còn nhìn cây đàn treo trên vách như người bạn già chia nhau không gian quá khứ, vì ông đã không còn đủ sức để đàn được nữa rồi.
“Mình thiếu nhiều người nghiên cứu âm nhạc quá” - giáo sư Trần Văn Khê tư lự, dù dòng họ của ông có đến bốn đời đi theo âm nhạc, thậm chí con trai của ông là giáo sư Trần Quang Hải cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc lừng danh. Có lẽ, với ông, một đời chưa bao giờ đủ cho đam mê, cho gìn giữ.
Ước mơ về chuyện cây đời mãi mãi xanh tươi chắc chỉ nằm trong cổ tích. Nhưng trong cuộc sống này, nghe chừng vẫn có những cây đời sẽ tỏa bóng mát mãi xanh tươi cho nhiều thế hệ người Việt mai sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận