01/09/2010 14:15 GMT+7

GS Ngô Bảo Châu: Viện nghiên cứu cao cấp góp phần chấn hưng toán học Việt Nam

TTXVN
TTXVN

TTO - Sáng nay 1-9, GS Ngô Bảo Châu - chủ nhân của giải thưởng toán học Fields - đã được chào đón nồng nhiệt tại Viện Toán học. Dự định, hàng năm Giáo sư sẽ dành thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 làm việc tại Việt Nam.

RJP5YGNK.jpgPhóng to
GS Ngô Bảo Châu (bìa trái) trao đổi với các GS Lê Tuấn Hoa, Ngô Việt Trung và Phạm Kỳ Anh - Ảnh: Việt Dũng

Trở về giữa cộng đồng những nhà toán học Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu rất cảm động đón nhận tình cảm của các đồng nghiệp. Cùng với các nhà toán học đại diện cho Viện Toán, Hội Toán học Việt Nam, GS đã có cuộc gặp gỡ với một số phóng viên báo chí để chia sẻ về những dự định cùng với giới toán học nước nhà thực hiện một nội dung của chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học. Đó là kế hoạch thành lập Viên Nghiên cứu cao cấp về toán - một phần của chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học vừa được Chính phủ phê duyệt ngày 18-8.

Cùng trao đổi, giải đáp những vấn đề báo chí quan tâm với GS Ngô Bảo Châu tại cuộc gặp có GS Ngô Việt Trung - Viện trưởng Viện Toán học, GS Lê Tuấn Hoa - Phó viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội Toán học, GS Phạm Kỳ Anh, GS Đỗ Đức Thái…

Sau ba năm xây dựng, chương trình trọng điểm quốc gia về toán nói chung và đề án thành lập Viên nghiên cứu cao cấp về toán do Bộ GD-ĐT chủ trì đang trên đường trở thành hiện thực. Các nhà toán học hào hứng chia sẻ về kế hoạch này:

* GS Ngô Bảo Châu cho biết: Khi được hình thành, Viện nghiên cứu cao cấp (NCCC) về toán sẽ có qui chế hoạt động đặc biệt, cơ chế hoạt động độc lập. Các hoạt động của viện sẽ chủ yếu do ban lãnh đạo viện điều hành.

Viện NCCC về toán chủ yếu phục vụ các nhà toán học trong nước đang làm việc tại các trường ĐH. Viện sẽ có sự tham gia của các nhà toán học nước ngoài, các nhà toán học người Việt đang làm việc ở nước ngoài. Không chỉ giới hạn trong toán học, viện sẽ đón nhận cả các nhà nghiên cứu về vật lý, sinh học… nếu có các công trình, đề tài nghiên cứu cần sử dụng nhiều đến toán học.

* GS Lê Tuấn Hoa: Viện sẽ hoạt động theo một mô hình đặc biệt. Thể hiện trước hết ở bộ máy: biên chế chính thức của viện sẽ rất ít, chỉ 3-5 người trực tiếp điều hành, tổ chức hoạt động. Cơ chế tài chính, chính sách đầu tư dành cho viện sẽ phải tạo ra được một cơ chế làm việc trơn tru, thu hút, khuyến khích các nhà toán học tham gia… Riêng đối với GS Ngô Bảo Châu, thời gian làm việc trực tiếp tại Viện có thể không nhiều nhưng sự tham gia, hỗ trợ của GS đối với viện sẽ không hạn chế: các nhà toán học có thể trao đổi với GS qua email, điện thoại…

* GS Ngô Việt Trung: Điều đáng mừng là lần này Chính phủ và Bộ GD-ĐT có quyết tâm rất lớn. Nhưng để thành lập được viện, chúng tôi biết là còn phải tham khảo ý kiến của nhiều ngành liên quan vì viện cần một cơ chế đặc biệt, khác với các qui định quản lý viện nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam. Để làm ra một cơ chế đặc biệt, chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian.

huL9q6qE.jpgPhóng to
GS Ngô Việt Trung - Ảnh: Việt Dũng

* Trong thời gian tới, GS Ngô Bảo Châu có kế hoạch làm việc ở VN như thế nào?

- GS Ngô Bảo Châu: Động lực chính để phát triển toán học cũng như các ngành khoa học khác là tạo ra sự kết hợp giữa các nhà khoa học với nhau. Vì thế tư tưởng then chốt của Viên NCCC về toán là tạo ra một "sân chơi" để các nhà toán học, những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có thể làm việc với nhau. Chúng tôi hi vọng việc hình thành viện sẽ thu hút nhiều nhà toán học Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài dành thời gian về Việt Nam làm việc. Lúc đầu có thể ít, thời gian có thể ngắn… nhưng dần dần sẽ có nhiều người làm việc ở Việt Nam hơn.

Riêng tôi, dự định, hàng năm sẽ dành thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 làm việc tại Việt Nam. Trong năm học, ngoài công việc chính tại trường ĐH Chicago, tôi cũng sẽ thu xếp để dành thời gian về làm việc ở Việt Nam nhiều hơn trước đây. Các chuyến đi về sẽ thường xuyên hơn, khi các hoạt động ở Việt Nam cần sự có mặt của tôi...

tkKYRk9j.jpgPhóng toGS Ngô Bảo Châu - Ảnh: Việt Dũng

* Viện Toán hiện có và Viện NCCC về toán sẽ được thành lập có gì khác nhau? Tại sao cần có thêm một viện nghiên cứu nữa về toán mà không thể đặt ngay trong Viện Toán hiện có?

- GS Ngô Việt Trung: Viện Toán hiên nay nằm trong Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, là một đơn vị hành chính sự nghiệp. Viện phải hoạt động và thực hiện theo các qui định quản lý hiện hành đối với một đơn vị nghiên cứu hành chính sự nghiệp. Với các qui định và cơ chế hiên hành, có nhiều ràng buộc trong hoạt động.

Viện NCCC về toán cần có một cơ chế đặc biệt, hoạt động theo một qui chế hoạt động riêng, đặc thù. Cơ cấu của Viện toán cao cấp sẽ chỉ có vài người điều hành về chuyên môn. Cán bộ đến đây làm việc là người của các trường ĐH, các viện nghiên cứu khác… rồi lại trở về phục vụ đơn vị mình. Vì vậy không thể đặt vào viện Toán được. Ở các nước khác, cũng tồn tại song song các viện nghiên cứu với các cơ chế hoạt động, mục tiêu khác nhau.

- GS Lê Tuấn Hoa: Hai viện nghiên cứu khác nhau về cơ chế và phương thức hoạt động. Viện Toán hiện nay có một đội ngũ cán bộ nghiên cứu làm việc thường xuyên, được trả lương từ ngân sách nhà nước. Viện toán cao cấp sẽ không trả lương. Các nhà nghiên cứu, các giảng viên trong thời gian đến làm việc tại viện sẽ không được nhận lương mà nhận một khoản tài trợ nghiên cứu. Trong thời gian đó, họ không phải giảng dạy, chỉ tập trung cho việc nghiên cứu. Thay vì đi công tác hay nghiên cứu ở nước ngoài, các nhà toán học có một nơi để nghiên cứu ngay trong nước. Đây là mô hình có thể áp dụng cho nhiều ngành khoa học. Nhưng ngành toán xin được mở đầu , thử nghiệm trước vì kinh phí dành cho toán cũng rẻ, ít tốn kém hơn…

- GS Ngô Bảo Châu: Viện NCCC về toán có một nhiệm vụ quan trọng. Đó là chấn hưng việc nghiên cứu về toán trong cả nước, tạo ra một môi trường, một không gian nghiên cứu mới cho các nhà toán học. Như Viện nghiên cứu cao cấp Princeton là một mô hình thành công. Viện nghiên cứu cao cấp là một mô hình mới ở Việt Nam nhưng đối với thế giới thì không mới, đã được thử nghiệm và thành công ở nhiều nước. Không chỉ có các cường quốc hàng đầu về khoa học như Mỹ, Pháp, Đức… mà một số nước châu Á xung quanh chúng ta như Nhật, Hàn Quốc cũng đã thực hiện mô hình này.

Tuy nhiên, đây là mô hình thích hợp với các ngành khoa học nghiên cứu lý thuyết, không thích hợp với các ngành khoa học thực nghiệm vì thời gian làm việc luân phiên của các nhà khoa học tại viện sẽ không dài.

Những nhà toán học muốn tiên phong thử nghiệm trước mô hình viện nghiên cứu này không phải vì muốn được dành riêng sự ưu đãi, tài trợ gì hết mà vì chúng tôi tư xét thấy đã có những điều kiện thuận lợi để thực hiện. Và cũng sẵn sàng chào đón các nhà khoa học trong các lĩnh vực khác khi có đề tài nghiên cứu liên quan đến toán học

* Nguồn tài chính để duy trì hoạt động lâu dài của Viện NCCC về toán? Ngoài phần đầu tư từ ngân sách nhà nước, viện có các nguồn tài trợ từ bên ngoài không?

- GS Lê Tuấn Hoa: Nếu chính phủ không có sự quan tâm đầu tư thì không thể thành lập được Viện NCCC về toán. Viện KIAS của Hàn Quốc có kinh phí hoạt động một năm là 18 triệu USD. Trong đó 15 triệu USD do chính phủ cấp, 3 triệu USD còn lại do viện tự vận động tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu. Trong điều kiện kinh tế VN hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng chưa thể kỳ vọng nhiều vào sự tài trợ của giới công nghiệp hay tài trợ từ xã hội. Ngân sách nhà nước vẫn phải đóng vai trò quan trọng trong đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản như toán học.

- GS Ngô Bảo Châu: Viện nghiên cứu cao cấp Princeton có một khoản vốn lên tới 500 triệu USD. Số vốn này được giữ cố định, lấy lãi hàng năm làm kinh phí hoạt động. Mỗi năm có hàng trăm các nhà khoa học đến làm việc tại viện. Trong đó, số đến làm post doc (nghiên cứu sau tiến sĩ) chiếm 60-70%. Kinh phí dành cho những nhà khoa học đến làm nghiên cứu sau tiến sĩ do chính phủ Mỹ cấp vì họ đến làm việc, nghiên cứu không phải cho viện mà cho nền khoa học của nước Mỹ.

Viện IAS của ĐH Princeton có được khoản vốn 500 triệu USD là vì họ đã tích lũy trong 70 năm. Bây giờ chúng ta mới thành lập thì không thể làm được giống như vậy, đạt được ngay như họ. Vì vậy chúng ta mới phải đặt ra vấn đề có một cơ chế đặc biệt cho hoạt động của Viện NCCC về toán

* Liệu với việc thành lập Viên NCCC về toán, chúng ta có thể thu hút đươc các nhà khoa học VN đang ở nước ngoài về nước làm việc?

- GS Ngô Bảo Châu: Các nhà khoa học đến làm việc tại Viện NCCC về toán sẽ được tuyển chọn theo hồ sơ, đề tài nghiên cứu, khả năng làm việc nhóm… Vì mục tiêu của Viện là như một vườn ươm, tạo ra được các nhóm nghiên cứu toán học ngay trong nước, khuyến khích các nhà khoa học hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh. Qua các đợt làm việc, nghiên cứu tập trung tại viện, không chỉ nâng cao được năng lực nghiên cứu cá nhân, các giảng viên, nhà toán học hi vọng khi trở về các trường ĐH, sẽ trở thành nòng cốt tại trường, khoa mình, hướng dẫn được nhiều nghiên cứu sinh...

Để thu hút các nhà khoa học ở nước ngoài về VN, như tôi đã nhiều lần đề cập, ngoài chế độ lương bổng phải đảm bảo mức sống trên trung bình cho các nhà khoa học, còn phải có một môi trường làm việc phù hợp. Việc xây dựng viện NCCC về toán chính là nhằm mục đích tạo ra một môi trường làm việc có thể thu hút các nhà khoa học đang ở nước ngoài về cống hiến, là vườn ươm cho các nhóm nghiên cứu ra đời…

Có viện và những hoạt động nghiên cứu do viện tổ chức là yếu tố lôi cuốn họ về. Trước mắt là về vài ba tháng, 6 tháng… dần dần tôi tin rằng sẽ có nhiều người về hơn, về làm việc trong nước lâu hơn. Chúng ta sẽ lôi cuốn, thu hút được người VN trở về làm nghiên cứu trong nước thay vì chỉ có những người đi nước ngoài…

thNWkjMK.jpgPhóng to
GS Ngô Bảo Châu - Ảnh: Việt Dũng

* Liệu có tình trạng giảng viên từ các trường ĐH sau khi về Viện NCCC về toán làm việc một thời gian, nâng cao được trình độ, năng lực, sẽ tiếp tục ra nước ngoài nghiên cứu và không quay về trường cũ? Như vậy liệu có phải là một sự đầu tư lãng phí?

- GS Ngô Bảo Châu: Cách giữ người tốt nhất là tạo ra một nơi làm việc, dành cho nhà khoa học một vị trí làm việc tốt. Hiện nay, nhà nước cũng đang đầu tư rất nhiều tiền cho chương trình đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. Nếu không có chính sách, việc thu hút những người cử đi đào tạo ở nước ngoài về cũng còn khó khăn, nói gì đến những người tự tìm kiếm được cơ hội đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.

Đối với những người được đào tạo ở nước ngoài, thu hút về nước tốt nhất là thời điểm ngay sau khi họ vừa hoàn thành luận án tiến sĩ. Còn sau đó, nếu họ đã ổn định cuộc sống gia đình, công việc ở nước ngoài, việc thu hút họ về hẳn sẽ khó hơn. Việc hình thành một viện nghiên cứu có thể đảm nhận được việc đào tạo sau tiến sĩ ngay trong nước cũng là một điều kiện để thu hút các nhà khoa học sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ trở về VN.

- GS Lê Tuấn Hoa: Nếu sau thời gian làm việc ở Viện NCCC về toán, các nhà toán học VN đủ trình độ, uy tín được các GS nước ngoài nhận đi làm nghiên cứu tiếp thì theo tôi, đó là một điều đáng mừng, đáng tự hào chứ không đáng lo.

* Thưa GS Ngô Bảo Châu, trong bài phát biểu của GS tại lễ chào mừng, GS có nói đến sự tự do trong nghiên cứu khoa học? Khái niệm “tự do” đó cần được hiểu như thế nào?

- GS Ngô Bảo Châu: Tự do trong nghiên cứu khoa học là tự do về mặt học thuật. Nhà khoa học được lựa chọn cái họ nghiên cứu…

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp giáo sư Ngô Bảo Châu

Cùng dự buổi tiếp có đại diện lãnh đạo các Bộ Giáo dục- Đào tạo, Viện Toán học Việt Nam, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Toán học Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ Quốc gia... cùng bố, mẹ và phu nhân GS Ngô Bảo Châu.

GS Ngô Bảo Châu cảm kích trước sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, và khẳng định, vinh quang có được ngày hôm nay có nguồn gốc sâu xa từ mạch nguồn của đất nước Việt Nam, từ gia đình và mái trường thân yêu.

GS Ngô Bảo Châu cũng bày tỏ sự vui mừng trước việc Chính phủ vừa thông qua Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển toán học Việt Nam đến năm 2020; dự án xây dựng Viện Nghiên cứu toán học cao cấp. Theo GS, đây là những điều kiện vô cùng quan trọng, thể hiện sự đổi mới của Nhà nước và Chính phủ trong việc tạo cơ hội phát triển cho nền khoa học cơ bản Việt Nam.

GS cũng báo cáo với Chủ tịch về những suy nghĩ và dự định của mình trong việc góp phần phát triển nền toán học hiện đại Việt Nam. Trước mắt là việc lãnh đạo và duy trì họat động hiệu quả của Viện nghiên cứu toán học cao cấp sẽ được thành lập trong thời gian tới.

Vấn đề đổi mới cơ chế, đổi mới phương thức tổ chức, chính sách nghiên cứu khoa học cũng như những bài học kinh nghiệm của các nước có nền nghiên cứu khoa học cơ bản tiên tiến, việc động viên thế hệ trẻ Việt Nam đi theo con đường nghiên cứu khoa học cơ bản đã được GS Ngô Bảo Châu thẳng thắn trao đổi, trình bày chính kiến với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhiệt liệt chúc mừng GS Ngô Bảo Châu. Chủ tịch nhấn mạnh: Sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu, một người Việt Nam trẻ tuổi được nhận giải thưởng Fields - giải thưởng cao quí nhất trong lĩnh vực toán học thực sự là niềm vinh dự lớn, niềm tự hào với đất nước và con người Việt Nam. Giải thưởng Fields là phần thưởng xứng đáng của cả một quá trình lao động nghiên cứu miệt mài, vượt qua muôn vàn gian khổ khó khăn của bản thân Giáo sư.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết biểu dương ngành giáo dục Việt Nam trong những năm qua, đã vượt lên trên những khó khăn gian khổ của một đất nước phải trải qua những năm tháng chiến tranh lâu dài và ác liệt, đói nghèo và lạc hậu để gieo mầm và nuôi dưỡng nên rất nhiều tài năng cho đất nước, mà đỉnh cao chói lọi đó là Giáo sư Ngô Bảo Châu. Chủ tịch mong rằng, trong tương lai, Bộ Giáo dục-đào tạo tiếp tục làm tốt công tác của mình để Việt Nam có thêm ngày càng nhiều Ngô Bảo Châu, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam, khoa học Việt Nam tiên tiến, ngang tầm quốc tế.

Chủ tịch nhắc nhở ngành Giáo dục-đào tạo cũng như ngành khoa học công nghệ cần thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển đã được Chính phủ thông qua; không cầu toàn, chờ đợi, làm ngay có hiệu quả những công việc trước mắt trong khả năng của mình, để từng bước phát triển khoa học công nghệ nước nhà.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao công lao sinh thành và nuôi dưỡng của những người thân sinh của GS Ngô Bảo Châu, cũng như phu nhân GS; mong rằng gia đình tiếp tục là nguồn động viên lớn để GS đạt được nhiều vinh quang hơn nữa trên con đường nghiên cứu khoa học, vì sự phát triển của ngành toán học thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Tin bài liên quan:

| | | | | Xem phỏng vấn độc quyền của Tuổi Trẻ với GS Ngô Bảo Châu | Xem phóng sự đặc biệt của Tuổi Trẻ về cuộc đời khoa học của GS Ngô Bảo Châu | | | |

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp