04/09/2011 19:46 GMT+7

GS Ngô Bảo Châu về trường cũ dự khai giảng

THƯ HIÊN - QUANG VINH - VĂN ĐỊNH
THƯ HIÊN - QUANG VINH - VĂN ĐỊNH

TTO - Ngày 4-9, giáo sư Ngô Bảo Châu đã về trường cũ, Trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, để chung niềm vui khai giảng với thầy trò của trường hôm nay.

* An Giang: học trò Việt kiều băng đồng lũ đến trường * Nghệ An: Ngổn ngang ngày khai giảng* Hà Tĩnh: khai giảng sớm các trường điểm

cIjrTfP5.jpgPhóng to
Giáo sư Ngô Bảo Châu dự lễ khai giảng ở trường cũ

Trong số những vị khách được mời dự lễ khai giảng năm nay của trường có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, đại diện phụ huynh học sinh các thế hệ.

Học sinh cũ của trường, ngoài GS Ngô Bảo Châu còn có GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (nguyên học sinh khoá 1 khối chuyên toán A0).

Phát biểu tại lễ khai giảng, GS Ngô Bảo Châu nhắc lại kỷ niệm cách đây 25 năm, anh cùng các bạn cùng lớp lần đầu tiên đến Mễ Trì làm thủ tục nhập học với cảm xúc hồi hộp xen lẫn bỡ ngỡ.

Sau khi nhắc tên một số bạn cũ, người học trò cũ Ngô Bảo Châu nhớ lại: “Tôi còn nhớ khi đó bạn thì mặc quần áo vá, bạn thì mặc quần cộc bởi đang ở tuổi lớn mà tiêu chuẩn mua vải của bố mẹ đã hết. Bạn mới cũng thành bạn quen rất nhanh, chỉ sau một trận đá bóng nảy lửa ngay bên trái hội trường chúng ta đang ngồi đây. Ba năm đã trôi qua rất nhanh trên những chiếc bàn ghế xiêu vẹo, những gian phòng nhỏ của khối phổ thông chuyên toán... Ba năm A0 là ba năm mà chúng tôi trưởng thành từ bao niềm vui nỗi buồn. Ba năm A0 luôn luôn lưu lại trong tâm khảm của chúng tôi - những chàng trai, cô gái trẻ trưởng thành từ những cô cậu quần cộc”.

Nhớ lại lịch sử thành lập khối chuyên toán trường ĐH Tổng hợp Hà Nội trước đây, ông Ngô Bảo Châu bày tỏ tình cảm tri ân tới những nhà lãnh đạo, những nhà khoa học có công thành lập khối chuyên toán, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cố giáo sư Tạ Quang Bửu.

GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Cách đây một năm, khi tôi được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp, ông có nói với tôi, khi ông được nhắn tin về giải thưởng Fields của tôi, điều đầu tiên ông làm là đến một góc toà nhà của Chính phủ thắp nén hương cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Điều đó với tôi rất cảm động”.

Ông Ngô Bảo Châu nhắc nhở các em học sinh: “Không có những người như các ông chúng ta không có các ngành khoa học, sự nghiệp nghiên cứu khoa học như hôm nay, cũng như không có khối chuyên Toán. Ta luôn nhớ đến điều đó”.

Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng, quá khứ với truyền thống dù huy hoàng đến đâu, dù đáng tự hào đến đâu cũng là cái ta hồi tưởng, không bao giờ là cái ta hướng tới.

“Tôi nghĩ thời điểm bây giờ là thời điểm quan trọng để thầy trò A0, đặc biệt là thầy hiệu trưởng Nguyễn Vũ Lương cùng tất cả học sinh cũ của trường phải suy nghĩ lại tương lai, vị trí của trường chuyên thế nào. Cá nhân tôi cho đây là một việc quan trọng. Suy nghĩ cá nhân của tôi, giá trị của trường chuyên chúng ta chính là ở chỗ nó là một trường phổ thông nhưng lại nằm trong ĐH Quốc gia Hà Nội, nơi có nhiều nhà khoa học, giáo sư đầu ngành của cả nước. Khi tôi học ở A0, tôi còn nhớ những giờ giảng lúc đó thì thấy khô khan về sau này thấy rất có giá trị của thầy Vĩnh đại số, thầy Vượng về logich, thầy Đặng Hùng Thắng số học. Yếu tố này là điểm mạnh nhất của trường chúng ta. Vì vậy tôi nghĩ, phải làm thế nào có sự liên kết mang tính chiến lược giữa khối A0 với trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Đó là suy nghĩ nhỏ của tôi, xuất phát từ quan điểm mỗi học sinh cũ phải đóng góp suy nghĩ, có trách nhiệm để khối A0 không chỉ sống bằng truyền thống của mình mà phải tìm ra vị trí mới, con đường mới, xứng đáng với truyền thống của chúng ta”.

* An Giang: học sinh Việt kiều băng đồng lũ đến trường

Ngày 4-9, ông Huỳnh Hữu Thêm, trưởng phòng GD-ĐT huyện đầu nguồn lũ An Phú (An Giang), cho biết ngày khai giảng năm học 2011-2012, ở 3 xã giáp biên giới với nước bạn Campuchia (Khánh An, Khánh Bình và thị trấn Long Bình) có trên 900 học sinh là con em Việt kiều phải đi xuồng, đò để đến trường học trong huyện học ngày đầu tiên của năm học mới.

XiQHnPpQ.jpgPhóng to
Chòng chành đến trường năm học mới Ảnh: Quang Vinh

Trước đó ngày 15-8, các trường biên giới đã chính thức dạy học và chuẩn bị chu đáo cho ngày khai trường. Số học sinh Việt kiều băng đồng lũ đến lớp học đã tăng hơn 200 em so với năm học trước.

Từ sáng sớm, trên các cánh đồng lũ mênh mông nước ở xã Pẹc Chạy, huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandal ( Campuchia), chúng tôi thấy nhiều tốp xuồng áo trắng bơi xuồng đến bến đò trước UBND xã Pẹc Chạy. Một bà con nơi đây cho biết ở sâu trong ngọn kênh Mương Tràm, Mương Lớn, Mương Vú… các em chèo xuồng hàng giờ mới đến được bến đò xã Pẹc Chạy.

Em Phan Thị Thúy Loan (lớp 6A4 trường THCS Khánh An), nhà ở Bưng Tràm, đang bơi xuồng đến trường, nói: “Lũ lớn nước chảy xiết nên em cùng với anh trai ( học chung trường) phải thức từ 5 giờ sáng chèo chầm chậm nương theo dòng nước. Bữa nào dông gió, đi học trong đêm tối em rất rợ”.

Cách xuống của Loan không xa là tốp xuồng của em Nguyễn Thị Mụi, lớp 6A5 trường THCS Khánh An. Mụi nói: “Cha em mới mua lại được một chiếc xuồng cũ này với giá trên 100 ngàn đồng để cho em chèo xuồng đi học. Xuồng cũ mục rất dễ bị lật khi có mưa dông hay lúc bơi ngược dòng chòng. Từ ngày đi học (15-8-2011) đến nay em đã bị lật xuồng một lần, suýt chết vì bị dòng nước đạp vào miệng của một gian đáy cá”.

WcGwh4oI.jpgPhóng to
Em bé cũng đi xe đạp đến trường cùng anh chị Ảnh: Quang Vinh

Học trò Việt Kiều rủ nhau đi học thành từng tốp 2-3 xuồng. Em nào cũng bỏ sẵn tập sách vào trong bọc nylon cho an toàn. Áo trắng, khăn quàng đỏ, phù hiệu và tiếng cười nói gọi nhau trong nắng sớm nhấp nhô theo con nước.

Buổi sáng, tại bờ kênh Mương Vú gần trụ sở xã Pẹc Chạy có rất nhiều xuồng do các em tự chèo hoặc phụ huynh đưa con em đến trường. Từ đây học sinh đi bộ đến bến đò xã Pẹc Chạy và lên đò đi miễn phí qua sông Hậu.

Thầy La Văn Bé hiệu trưởng trường THCS Khánh An cho biết học sinh Việt Kiều đi học được miễn học phí và còn được hỗ trợ từ nhiều nguồn của Chính phủ của các mạnh thường quân.

XxVVZOzh.jpgPhóng to

Gian nan con chữ vùng lũ - Ảnh: Quang Vinh

Huyện An Phú đang khẩn trương dựng thêm 2 phòng học mẫu giáo để đón nhận 60 học sinh Việt kiều 4-5 tuổi vào học.

Nghệ An: Ngổn ngang ngày khai giảng

Ông Trần Văn Khánh, trưởng phòng giáo dục & đài tạo huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) - cho biết, dù ảnh hưởng do mưa lũ nhưng đã có 7 trường khai giảng sớm, còn 61 trường sẽ khai giảng đúng vào sáng 5-9.

jYrsEO7U.jpgPhóng to
Sau lũ, đến trường của các em học sinh ở huyện Kỳ Sơn thiếu sách vở rồi đến thiếu dày dép, áo quần. Trong ảnh học sinh Mường Típ 2 - Ảnh: Văn Định

"Khó khăn nhiều lắm, các trường học đang tạm thời dọn dẹp, khắc phục các phòng học để học sinh có chỗ để học, có sân trường để khai giảng năm học mới", ông Khánh nói.

Kỳ Sơn là huyện miền núi Nghệ An, một xã chỉ có một trường cấp II nên việc đến dự lễ khai giảng của các em học sinh rất khó khăn. Những điểm trường như Mỹ Lý, Bắc Lý, Keng Du, Bảo Thắng, Na Loi... để dự khai giảng, nhiều học sinh đã mạng gạo, mắm muối đến lều, lán trại từ thứ bảy tuần trước.

"Năm học mới này, trường cấp II Đoọc Mạy nhập vào trường Na Loi. Đi ô tô từ Đoọc Mạy ra Na Loi mất ba tiếng đồng hồ, nhưng đến thời điểm này học sinh ra ở nội trú", ông Khánh cho biết thêm.

Ngoài ra bước vào lễ khai giảng năm học mới tại xã Yên Tinh (huyện Tương Dương, Nghệ An) trường học vẫn đang ngỗn ngang, bề bộ vì mưa lũ. Phòng học ở Trường THCS Yên Tĩnh cơ bản dọn dẹp bùn đất xong, nhưng toàn bộ học cụ, sách giáo khoa bị ngập nước hư hỏng gần như hoàn toàn.

WPy7qT5Y.jpgPhóng to
Học sinh ở xã Mường Típ 2 của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đến trường rất thiếu thốn - Ảnh: Văn Định

Đặc biệt trường Tiểu học bản Hạt mới được xây dựng thì cơn lũ vừa cuối tháng 6 vừa qua cuốn sập. Hiện chính quyền địa phương dựng lên một ngôi nhà gỗ 4 phòng học 8 gian đã hoàn tất và kịp cho học sinh dự lễ khai giảng.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Tương Dương, nhằm ngăn dòng học sinh bỏ học sau lũ, phòng đã chỉ đạo điểm trường rà soát số học sinh ở những địa bàn bị mưa lũ tàn phá nặng để có biện pháp giúp đỡ cụ thể, đặc biệt đảm bảo học sinh đến dự lễ khai giảng áo quần tươm tất và sách vở.

Hà Tĩnh: khai giảng sớm các trường điểm

Trường THCS Bồng Lĩnh ở huyện Đức Thọ là trường điểm đầu tiên tổ chức lễ khai giảng năm học mới vào sáng 1-9. Đến sáng 3-9, các huyện thị tỉnh Hà Tĩnh cũng đồng loạt tổ chức khai giảng các trường điểm.

Tại Trường tiểu học Bùi Xá (xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ) niêm vui khi được nhân đôi khi thầy trò nơi đây vừa khai giảng vừa công bố đổi tên trường thành Trường tiểu học Nguyễn Xuân Thiều - một nhà văn cách mạng.

Sáng 4-9, các trường ở xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) tổ chức khai giảng. Cẩm Bình là địa phương đầu tiên của huyện có 3 cấp học đạt chuẩn quốc gia. Cùng ngày, gần 600 cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh Trường THPT Hoàng Xuân Hãn (TP Hà Tĩnh) cũng tổ chức khai giảng năm học 2010-2011 và công bố quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh chuyển đổi tên trường thành Trường THPT chất lượng cao Hoàng Xuân Hãn tỉnh Hà Tĩnh.

THƯ HIÊN - QUANG VINH - VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp