Giáo sư Ngô Bảo Châu tại Diễn đàn khoa học quốc tế Heidelberg Laureate Forum 2016 - Ảnh: CÔNG NHẬT |
Gặp giáo sư Ngô Bảo Châu khi ông là diễn giả tại một diễn đàn khoa học quốc tế tại Đức, Nhịp sống trẻ đã có dịp lắng nghe nhà toán học danh tiếng chia sẻ góc nhìn về sự thất bại, tầm quan trọng của việc đọc sách...
Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ:
- Ai mà chẳng từng gặp thất bại trong cuộc sống? Thất bại lần thi trượt năm lớp 6 với tôi là một thách thức thú vị, giúp tôi nhận ra còn rất nhiều vấn đề toán học hay ho mà mình chưa biết, điều đó thôi thúc tôi đọc sách toán, lao vào giải toán nhiều hơn.
Khi thất bại trong việc gì đó, điều quan trọng là thái độ dũng cảm nhìn lại những thứ mình làm sai, nhìn ra được vấn đề để không mắc phải sai lầm tương tự.
Và chỉ có những thất bại mới buộc chúng ta phải tự xem lại chính mình, từ đó thay đổi và hoàn thiện hơn.
* Xuất thân từ một gia đình có truyền thống hiếu học, các con của ông liệu có bị áp lực trong việc học?
- Tôi nghĩ các con của mình cũng có một áp lực nhất định với danh tiếng của gia đình, và thật lòng tôi có mong muốn các cháu sẽ đi theo con đường khoa học.
Tuy nhiên tôi luôn tôn trọng nguyện vọng của các con miễn chúng có định hướng, ý thức rõ ràng và cam kết với lựa chọn của mình.
Như người con gái đầu của tôi lúc đầu theo học ở ngôi trường ĐH mà tôi đang công tác nhưng sau đó cháu chuyển trường và theo học ngành du lịch - quản lý khách sạn tại một quốc gia khác.
Tôi hoàn toàn không buồn với quyết định này của cháu mà ngược lại thấy vui, rất ủng hộ. Thời điểm vào ĐH Chicago, cháu chưa hình dung rõ con đường sẽ đi trong khi với hướng đi mới, cháu ý thức rất rõ mọi thứ.
Tôi nghĩ người trẻ sẽ hiểu rõ nhất chính họ, nếu người lớn chúng ta can thiệp, định hướng thì chưa chắc mọi việc sẽ tốt hơn.
* Khi dạy con cái, ông có điều gì suy nghĩ nhất?
- Con gái út của tôi chỉ mới 13 tuổi, mùa hè cháu quyết định về Việt Nam đi dạy tiếng Anh có thu học phí và số tiền thu được cháu đem đi ủng hộ quỹ Cơm có thịt. Câu chuyện chưa dừng lại ở đó.
Khi nhà báo Trần Đăng Tuấn - người sáng lập quỹ - hỏi cháu có đề nghị lấy số tiền đó làm gì hay không, tôi khá bất ngờ khi cháu trả lời ngay là muốn dùng số tiền đó góp phần tăng nhận thức của trẻ con miền núi về vấn đề bị xâm hại tình dục.
Lúc đó tôi mới chợt nhận ra đó quả là vấn đề rất nghiêm trọng với trẻ em vùng núi mà trước đây tôi ít khi để ý. Còn nhớ một số lần lên miền cao xây trường, phát quần áo, thực phẩm... cho các em học sinh, chúng tôi có đem theo một số truyện tranh dạy những điều cơ bản về tính dục và hỏi ý kiến cô giáo.
Các cô giáo là những người tử tế nhưng lại rất e ngại, không cho học sinh xem những trang sách này. Đây là điều khiến tôi suy nghĩ.
* Vì sao phòng làm việc của ông tại ĐH Chicago không có bằng khen, huy chương... mà chỉ sách và sách?
- Đúng vậy, ở đó phần lớn chỉ có sách và chính xác là sách toán để nếu có bất kỳ câu hỏi nào nảy sinh trong đầu thì tôi có sách ngay trong tầm tay. Ở cạnh sách tôi cảm thấy rất thích, dễ chịu và khuây khỏa.
Tôi tìm đến sách cả khi vui lẫn khi tâm trạng có này kia, và tôi thường biết tương đối rõ nội dung tóm tắt cuốn mình muốn kiếm lúc đó.
Có đọc sách thì chúng ta mới hiểu được những điều diễn ra trong đời thường và hiểu người khác hơn, quan trọng nhất là có cái để nói chuyện với người khác, nếu không thì mọi thứ sẽ rất tẻ nhạt. Tôi nghĩ điều mình thẩm thấu được từ sách quan trọng hơn là việc đọc được bao nhiêu cuốn.
* Ông nghĩ gì về giới trẻ Việt hiện nay?
- Tôi cảm nhận khá rõ ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt trong nước lẫn đang sinh sống, học tập ở nước ngoài giỏi giang và có nguyện vọng đóng góp những điều giúp cộng đồng tốt đẹp hơn. Nhiều bạn trẻ tự lập ra các tổ chức, cộng đồng... với thông điệp tốt, hiệu quả cao và rất thiết thực.
Hoặc đơn cử như Viện Nghiên cứu cao cấp về toán mà tôi đang làm việc, theo đánh giá của tôi thì mọi thứ đều đáng lạc quan, chất lượng toán học Việt Nam cải thiện tương đối rõ rệt không chỉ từ việc dạy, nghiên cứu mà còn ở người học...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận