Giáo sư Ngô Bảo Châu với những học sinh, sinh viên khiếm thị yêu toán - Ảnh: Tự Trung |
Phóng to |
Giáo sư Ngô Bảo Châu trong vòng tay học sinh, sinh viên khiếm thị - Ảnh: Tự Trung |
Bản nhạc Chào mừng rộn rã cùng nhạc cụ ankalung độc đáo của các em học sinh, sinh viên mái ấm Thiên Ân, tiếng vỗ tay vang dội của hơn 200 sinh viên mù cùng sinh viên Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist, rất nhiều câu hỏi hóc búa buộc phải hẹn “sẽ dành thời gian suy nghĩ” đã cho giáo sư Ngô Bảo Châu và những người bạn trong nhóm Hạt vừng của mình một buổi chiều đầy bất ngờ và cảm xúc.
Tôi sẽ dành thời gian cho các bạn
Những câu hỏi của “hai anh em nhà toán” Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Minh Tuấn, của thầy Nguyễn Quốc Phong - trưởng mái ấm Thiên Ân, của cô Hà Thanh Vân - hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, của anh Võ Xuân Hùng - tình nguyện viên chuyên đọc sách toán của Thư viện sách nói... không ra ngoài phạm vi học toán. Làm thế nào để giải thích được các khái niệm trừu tượng của số học và các khái niệm hình học, vốn cụ thể với người sáng nhưng lại mơ hồ với người mù? Làm thế nào để khiến học sinh, nhất là học sinh khiếm thị, không sợ toán, và hơn nữa thích học toán, như tên blog cá nhân của giáo sư Ngô Bảo Châu? Làm thế nào để toán hay vật lý, hóa học không còn quá khó và các em có thể mạnh dạn lựa chọn theo học? Và khi đã vượt qua tất cả khó khăn đó rồi, đã tốt nghiệp đại học ngành toán như Thắng, sắp tốt nghiệp như Tuấn, như Đặng Triệu Phương (sinh viên năm 3 khoa toán ĐH Sư phạm TP.HCM) thì có con đường nào nữa để tiếp tục học tập, nghiên cứu?...
Mấy ngày trước, với nhiều thông điệp trong bài thuyết trình “Học như thế nào?” trình bày trước các sinh viên Hà Nội, TP.HCM, giáo sư Ngô Bảo Châu đã chia sẻ phương châm học tập, nghiên cứu của mình: “Kỷ luật - say mê - quả cảm” và chỉ ra một phương án nâng chất lượng giảng dạy - học tập trong nước rất khả thi: tổ chức giảng dạy - học tập và thi cử theo các giáo trình, tài liệu mà các trường đại học lớn trên thế giới đang cung cấp miễn phí trên mạng. Các câu hỏi mà sinh viên đặt ra với giáo sư cũng được giải quyết rất nhanh chóng, dễ dàng. Thế nhưng hôm nay, trước những vấn đề của các sinh viên khiếm thị, giáo sư Ngô Bảo Châu đã phải nhăn trán: “Đây là những câu hỏi rất lớn. Tôi và các bạn của tôi trong nhóm Hạt vừng sẽ suy nghĩ một cách thấu đáo hơn cùng với các bạn, chúng ta sẽ cùng tìm ra câu trả lời”.
Thay vào đó, giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ những cảm xúc của mình về một người bạn cùng học ngành toán ở nước ngoài, và anh ấy bị mù. “Có người bạn đặc biệt như vậy khiến tôi hiểu được khó khăn như thế nào khi học toán mà không nhìn thấy công thức, học vật lý mà chưa nhìn thấy quả táo rơi. Nhưng người bạn của tôi đã học được. Ngoài khả năng thiên bẩm và ý chí tuyệt vời, anh ấy còn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của bạn bè và các thầy giáo. Chúng tôi luôn bàn luận với anh về các bài toán và giải pháp. Một thầy giáo đã kiên nhẫn thu âm cả bộ sách dày hàng ngàn trang mà sinh viên toán nào cũng phải đọc, và anh ấy đã “đọc” và hiểu bộ sách ấy trước cả tôi, điều mà tôi không thể tưởng tượng được. Tôi rất khâm phục anh ấy và nhờ đó tôi hiểu được vai trò của bạn bè trong việc học của người mù. Chia sẻ không chỉ giúp người mù mà giúp cả cho người sáng”.
Giáo sư kết luận: “Các câu hỏi của các bạn khiến tôi nhận ra: với học sinh, sinh viên khiếm thị, cần phải thiết kế lại cách học, dạy, cần thiết kế lại các loại sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo, dụng cụ trực quan. Việc này chưa làm được ngay nhưng nhất định chúng tôi sẽ tìm hiểu và thực hiện”. Giáo sư cũng “bật mí” rằng ông đang chuẩn bị cho một website riêng chuyên thảo luận và tìm các giải pháp cho giáo dục, và “nhất định sẽ phải có giải pháp cho học sinh, sinh viên khiếm thị”.
Tôi có một câu hỏi
Từ ngày trở thành giáo sư trẻ nhất, rồi đoạt giải thưởng Fields danh giá, giáo sư Ngô Bảo Châu đã quá nổi tiếng ở tầm quốc tế, luôn được phỏng vấn và luôn phải trả lời những câu hỏi. Nhưng đến giao lưu với các học sinh, sinh viên khiếm thị hôm nay, giáo sư đề nghị: “Tôi có một câu hỏi với các em. Hãy cho tôi biết các em thích “đọc” (thật ra là nghe) những loại sách gì, và sách có quan hệ như thế nào với các em?”.
Câu hỏi của người sáng lập tủ sách Cánh cửa mở rộng rất đúng tâm lý và sự thân thiện, gần gũi, bình dị có thể cảm nhận được qua giọng nói, nên có rất nhiều cánh tay giơ lên xin trả lời.
Em Lê Thị Trang, lớp 12 Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, nói như tâm sự: “Có ba, bốn năm, vì mệt mỏi với bài vở ở trường, em bỏ không “đọc” sách, năm nay vì chọn khối thi có môn văn nên em mới “đọc” sách trở lại. Và em tiếc. Em thật tiếc vì đã bỏ qua việc đọc sách. Trong sách em đã học được biết bao nhiêu điều trong cuộc sống, và nhất là học làm người, không lùi bước trước những khó khăn, trở ngại trong cuộc đời”.
Vưu Tấn Tài giơ cao tay: “Qua sách, em học được cách giao tiếp tự tin, và thay đổi cả thế giới quan của mình, bớt đi những mặc cảm, tự ti”.
Tự nhận là từng học văn rất dở, thầy giáo dạy toán Nguyễn Quyết Thắng lại có cách diễn đạt mà giáo sư Châu nhận xét “của một người giỏi văn”: “Thế giới người khiếm thị màu đen nhưng nhờ có sách mà đã có màu sắc. Qua sách tôi biết được bầu trời thì xanh ngắt mà thảm cỏ thì xanh rì, biết hình dung, tưởng tượng ra thế giới, biết cuộc sống đã và đang diễn ra thế nào. Tôi cũng học được những cách sống, suy nghĩ, giải quyết vấn đề của các nhân vật”.
Bạn Phạm Thị Thu cụ thể hơn: “Nhờ sách, chúng em hình dung ra được các sự vật mà mình khó có thể sờ bằng tay. “Đọc” sách không chỉ giúp em học văn mà cả học toán nữa”.
“Các em không thể biết được buổi chiều này mang đến cho tôi và những người bạn của tôi sự xúc động và động lực lớn như thế nào đâu. Các em đã làm cho tôi cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, những việc làm của mình có ích hơn” - giáo sư Ngô Bảo Châu nói. Các học sinh, sinh viên mù không thể nhìn thấy sự xúc động trên gương mặt nhưng có thể nghe được một thoáng nghẹn ngào trong giọng nói của giáo sư. Trước đó, giáo sư vừa kể một câu chuyện của mình với các con gái: “Khi đưa các con đến thăm những người nghèo, khuyết tật, tôi luôn nhắc nhở: không phải chúng ta đến giúp họ mà là họ đang giúp chúng ta hiểu được giá trị cuộc sống của mình, giá trị may mắn mình đã được hưởng”.
Kết thúc buổi giao lưu, giáo sư bị nắm níu mãi không thôi, các em sinh viên, người sáng thì xin chụp ảnh, người khiếm thị thì xin nắm tay. Ra về cùng nhóm Hạt vừng thân thiết, giáo sư Ngô Bảo Châu để lại một cam kết: “Từ giờ, trong các dự án của chúng tôi sẽ có một chỗ cho sinh viên khiếm thị”.
Phóng to |
GS Ngô Bảo Châu và người bạn thân Nguyễn Phương Văn (bìa trái) ký tặng bản quyền sách nói Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình cho Thư viện sách nói dành cho người mù - Ảnh: Tự Trung |
Quỹ Hạt vừng tiếp sức Thư viện sách nói
Trong một buổi giao lưu ra mắt sách Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình tại TP.HCM, một cô gái rất đẹp đứng lên hỏi: “Bao giờ thì người khiếm thị được gặp Ai và Ky?”, đôi mắt cô gái không hướng về giáo sư Ngô Bảo Châu mà lại hướng về phía cái loa. Câu hỏi khiến hai đồng tác giả Ngô Bảo Châu - Nguyễn Phương Văn giật mình, biết rằng mình sẽ còn phải tìm cách làm “sách nói”.
Qua tìm hiểu, biết được những hoạt động của Thư viện sách nói dành cho người mù, cả giáo sư Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn cùng đồng ý tặng bản quyền sách nói Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình cho thư viện, đồng thời tặng thêm 50 triệu đồng để mua băng đĩa. “Số tiền này được trích từ quỹ Hạt vừng do tôi và mấy người bạn thân lập ra để tiếp sức, hỗ trợ các nhà khoa học và hoạt động khoa học trong nước. Hạt vừng trong câu “Vừng ơi mở ra” của Alibaba trong chuyện cổ, nhỏ bé nhưng có khi lại mở ra được cánh cửa đi đến vùng trời mơ ước” - giáo sư Ngô Bảo Châu giải thích.
Mù, nhưng toán không khó
Đến hội trường từ rất sớm, hai anh em Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Minh Tuấn cứ băn khoăn hỏi nhau: “Không biết có thời gian để hỏi chuyện với giáo sư không?”. Cách nay sáu năm, Thắng là học sinh mù đầu tiên đậu vào Trường ĐH Sư phạm khoa toán và nay đã trở thành thầy giáo dạy toán của Trường Nguyễn Đình Chiểu. Tuấn cũng không kém anh, nay là sinh viên năm 3 khoa tin Trường ĐH Sư phạm.
GS Ngô Bảo Châu chưa tới, nhưng đã rất nhiều người đến hỏi Thắng và Tuấn: “Người sáng mắt học toán còn thấy khó, người mù thì học cách nào, làm sao tưởng tượng ra các loại hình học? Học rồi lại dạy cách nào cho các học sinh mù?”. Cả hai anh em đều cười rất hiền: “Mình không thấy toán khó mà lại thấy dễ hơn cả văn. Các hình học thì vẽ nổi hoặc làm dụng cụ hình khối để sờ. Đã thích thì không còn thấy khó, không thấy rào cản dù là bị mù. Khó khăn chỉ là không được đọc nhiều sách tham khảo, sách nâng cao. Hết cấp đại học, muốn học lên nữa cũng khó khăn nhất khâu này. Dạy học trò cũng vậy, thư viện sách nói hỗ trợ sách giáo khoa, nhưng sách giáo khoa thì ít bài tập quá”. Những băn khoăn này sau đó ít phút đã trở thành “đơn đặt hàng” của Thắng và Tuấn với giáo sư Ngô Bảo Châu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận