Là nhân vật gây tranh cãi trong lĩnh vực giáo dục, xung quanh GS Hồ Ngọc Đại luôn song hành hai trường phái: hoặc rất yêu mến, hoặc rất phản đối.
Trong cuốn sách mới ra mắt Giáo dục hiện đại, ông lại gây ra luồng tranh cãi mới với lập luận: trẻ em hiện đại tự sinh ra chính mình.
Cũng trong sách này, ông khẳng định: nền giáo dục hiện đại chỉ thực sự là chính nó khi người thầy... không còn giảng nữa.
Mới mà không mới
Nền tảng của những lập luận này dựa trên các nguyên lý triết học được trình bày tuần tự bằng việc tiếp cận lịch sử và triết học, giới thiệu lần lượt các cặp phạm trù đối lập: Cái mới/ Cái cũ, Mục đích/ Phương tiện, Trực tiếp/ Gián tiếp, Kế thừa/ Phát triển, Bản năng/ Kinh nghiệm...
Ông dẫn dắt người đọc đi từng bước đến một khái niệm quan trọng: triết lý của thời đại, và từ triết lý của thời đại đến triết lý giáo dục của thời đại.
Nhận thức rằng người là thực thể tinh thần, và vì vậy, cơ thể người là vật chứa tinh thần, từ đó ông kết luận: Cây nào ra cây ấy/ Con nào ra con ấy/ Người nào ra người ấy. Nhận thức này là tiền đề trực tiếp cho lập luận: Trẻ em tự sinh ra chính mình. Trẻ em chính là chủ thể. Để trở thành chính mình, trẻ phải tự ăn, tự học.
"Để trưởng thành, em phải tự ăn; Để phát triển, em phải tự học" - ông viết.
Đến đây thì có lẽ không còn quá mới lạ. Chúng ta đều đã nói về việc thúc đẩy năng lực tự học, tự vận động cho trẻ trong những năm gần đây. Nhưng cái đáng nói chính là GS Hồ Ngọc Đại đã theo đuổi triết lý này và kiến tạo phương pháp để thực thi triết lý đó từ 45 năm trước.
Trường Thực nghiệm khai giảng khóa đầu tiên (năm học 1978 - 1979) chỉ có lớp Một, cho các em sinh năm 1972. Lễ khai giảng đơn sơ. Thầy trò và khách mời đều đứng trên khoảnh đất nhỏ, hai bên có hai băng treo dọc: "Đi học là hạnh phúc!" và "Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui!".
Giải thích cho khái niệm về công nghệ hóa quá trình giáo dục, ông cho biết: "Đọc Marx, tôi biết được bước nhảy vĩ đại của lịch sử là từ nền sản xuất tiểu nông, dựa vào kinh nghiệm của lão nông sang công nghệ sản xuất của nền sản xuất đại công nghiệp với hai công đoạn: thiết kế và thi công quá trình vật chất làm ra một sản phẩm.
Nhờ đó, lịch sử vượt bỏ cách làm ăn theo kinh nghiệm (của lão nông, của thợ cả) sang làm theo khoa học - công nghệ, từ thiết kế đến thi công. Bước nhảy vĩ đại đầu tiên của lịch sử là từ kinh nghiệm sang khoa học, từ tự phát sang tự giác.
Các cuộc cải cách giáo dục ở nước ta từ trước đến nay, không có ngoại lệ, đều xuất phát từ kinh nghiệm, xử lý bằng kinh nghiệm công thức cổ truyền do Khổng Tử để lại: thầy giảng giải - trò ghi nhớ, thầy là chủ thể - trò là đối tượng. Chủ thể - thầy "đổi mới" để giảng dễ hiểu hơn, đối tượng - trò ghi nhớ lâu hơn và dùng để thi cử.
Từ giảng sang không giảng
Công thức thầy giảng giải - trò ghi nhớ vốn là bạn đồng hành với cung cách làm ăn bằng kinh nghiệm: Con trâu đi trước/ Người cày theo sau. Các cuộc cải cách giáo dục từ trước đến nay, không có ngoại lệ, vẫn theo "truyền thống" dùng công thức ấy sao cho thầy giảng dễ hiểu - trò ghi nhớ dễ hơn, lâu hơn. Làm việc này, giỏi hơn cả là thầy luyện thi.
Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công để cho mỗi học sinh trở thành chính mình, thành một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh này.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là đổi mới tận nguyên lý triết học của nghiệp vụ sư phạm. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thầy không giảng? Từ "giảng" sang "không giảng" thì mới là đổi mới căn bản và toàn diện!
Vượt bỏ công thức cũ: thầy giảng giải - trò ghi nhớ thì cái mới là gì? Đó chính là cách làm mới: thầy thiết kế - trò thi công; là "trẻ em tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, vì chính mình, để trở thành chính mình".
Nguyên tắc cơ bản của nghiệp vụ sư phạm hiện đại là không đưa đến cho trẻ em sản phẩm làm sẵn, buộc phải chấp nhận (học thuộc lòng). Thầy hiện đại giao việc cho trẻ em làm. Trẻ em tự mình làm, làm theo trật tự của công nghệ giáo dục, chỉ làm một lần, chỉ tiêu dùng lượng thời gian cấp cho việc ấy.
Mỗi em tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, lấy năng lượng mới cấp cho mình phát triển; không đưa sản phẩm làm sẵn đến cho trẻ em, buộc trẻ em phải chấp nhận.
Giáo dục hiện đại là cuốn sách vừa ra mắt của GS Hồ Ngọc Đại, được Anbooks và NXB Tổng Hợp TP.HCM liên kết xuất bản vào đầu tháng 9-2023. Đây cũng là cuốn sách đánh dấu sự trở lại của Anbooks trên thị trường sách sau ba năm "vắng bóng".
Giáo dục dưới góc nhìn triết học
Một cuốn sách về giáo dục nhưng được diễn giải dưới góc nhìn triết học, Giáo dục hiện đại chính là mảnh ghép còn lại cho toàn bộ những gì mà GS Hồ Ngọc Đại đã nói và làm trong 45 năm qua. Nhiều người rất yêu quý ông nhưng thành thật thừa nhận là "không hiểu hết những gì ông làm".
Rất nhiều người phản đối ông chỉ vì không hiểu tường tận: Tại sao lại là công nghệ giáo dục? Tại sao công nghệ giáo dục chính là lời giải cho đổi mới toàn diện, tận gốc rễ giáo dục hiện đại? Tại sao một người có thể kiên trì theo đuổi một việc trong cả cuộc đời mình?...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận