Ông đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện.
Tò mò về Việt Nam
* Thưa giáo sư, đây là lần thứ ba ông trở lại Việt Nam, ấn tượng của ông thế nào?
- Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là năm 2017. Trước đây tôi chỉ biết Việt Nam là đất nước phải trải qua những cuộc chiến tranh rất khốc liệt. Do đó tôi rất tò mò về nơi này. Khi đặt chân đến đây, tôi thấy đất nước của các bạn thật tươi đẹp, sống động và có rất nhiều điều để tìm hiểu.
Đến Việt Nam, tôi có cơ hội gặp gỡ rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới. Đó là một dịp may. Sau hai chuyến sang Việt Nam (2017 và 2018) thì dịch COVID-19 bùng nổ. Những năm qua, tôi không đến Việt Nam được.
Năm nay, khi có cơ hội sang đất nước của các bạn và đến ICISE một lần nữa, tôi rất vui và lập tức lên đường. Tôi muốn sang đây để biết Việt Nam sau dịch COVID-19 như thế nào. Và lần này, Việt Nam vẫn rất đẹp, bình yên và tuyệt vời. Tôi rất ấn tượng về con người, văn hóa của đất nước các bạn. Đặc biệt, hải sản của các bạn rất ngon!
* Lần trở lại này, giáo sư sẽ chia sẻ những điều gì với các bạn trẻ, nhà nghiên cứu khoa học ở Việt Nam?
- Lần này, tôi muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ để họ có thể trở nên giỏi hơn trong một lĩnh vực nào đó mà không nhất thiết phải là nghiên cứu khoa học.
Bạn có thể giỏi và đam mê âm nhạc, hội họa, múa, thể thao, nghệ thuật... Nếu bạn muốn cống hiến sức trẻ, thanh xuân của mình cho đất nước, bạn hãy dành hết tâm huyết vào những đam mê tươi đẹp của mình.
Bạn thích nghệ thuật, hãy học hỏi những người giỏi nhất. Hãy nghe họ trải lòng và tiếp thu. Còn bạn muốn nghiên cứu khoa học thì những hội nghị như thế này là dịp tốt nhất để bạn có thể trao đổi, học tập từ những giáo sư, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới.
Kiên trì và đam mê
* Theo giáo sư, để có thể nghiên cứu khoa học, các bạn trẻ phải bắt đầu từ đâu? Nhà trường, gia đình có vai trò như thế nào?
- Các bạn trẻ không có gì phải sợ hãi hay rụt rè khi nhắc tới nghiên cứu khoa học. Bởi vì bạn không cần phải là người quá thông minh, xuất chúng mới có thể đi theo con đường nghiên cứu khoa học.
Muốn đi theo con đường này, đầu tiên bạn phải có một niềm đam mê với nó và phải kiên trì. Có thể lúc nhỏ bạn là một đứa trẻ đam mê ca hát, vẽ... Đứa trẻ đó lớn lên có thể sẽ đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc với niềm đam mê đó. Nghiên cứu khoa học cũng vậy, chỉ cần bạn có sự kiên trì và lòng đam mê lớn lao.
Các bạn trẻ có thể bắt đầu nghiên cứu độc lập hoặc theo từng nhóm những đề tài mà bản thân quan tâm, thích thú. Các bạn phải yêu thích, có kiến thức cơ bản về vấn đề đó. Bây giờ kiến thức khoa học đã mở rộng.
Tất cả các câu chuyện, kiến thức sẽ có sự bổ trợ và gắn kết với nhau. Vì vậy các bạn trẻ cần tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin, thu thập kiến thức bằng nhiều cách thức khác nhau, để từ đó tổng hợp và phân tích các vấn đề.
Nhà trường, thầy cô hay cha mẹ hãy thổi sự đam mê tìm hiểu, nghiên cứu cho học sinh từ lúc nhỏ. Ở nước tôi (Hà Lan), thầy cô, cha mẹ là những người bạn của học sinh và con mình. Trường học là sân chơi của những đứa trẻ.
Chúng tha hồ chơi đùa. Khi lớn lên, những đứa trẻ sẽ học những gì chúng thích thú. Ở Hà Lan, học sinh được dạy nghiên cứu tất cả các môn học như ngôn ngữ, tôn giáo... chứ không nhất thiết chỉ một vài môn khoa học hóa, toán, vật lý.
* Với kinh nghiệm của mình, giáo sư chia sẻ gì với những bạn trẻ muốn thành công và vươn xa trên con đường nghiên cứu khoa học?
- Tôi khuyên các bạn trẻ phải có tinh thần học hỏi. Học hỏi từ những người tài năng, những người ưu tú trong lĩnh vực của mình. Nhưng quan trọng là phải cực kỳ nghiêm túc trong việc đánh giá.
Đánh giá những điều mình đọc, những điều mình thấy. Các bạn phải tự mình tìm hiểu những thứ mình tò mò và tự kiểm chứng xem điều đó đúng hay không. Điều quan trọng hơn là phải biết tư duy phân tích về mọi thứ và hơn cả là phải tự biết đánh giá năng lực bản thân mình.
Mình có thể làm bất cứ mọi điều nhưng hiển nhiên việc làm khoa học không phải lúc nào cũng bằng phẳng và dễ dàng. Nghiên cứu khoa học còn nhiều yếu tố khác mà tốt hơn hết là phải tự mình khám phá những gì mình thích một cách say mê, phải hiểu bản thân mình thích gì thay vì để người khác chọn.
Các bạn trẻ cần phải cực kỳ kiên nhẫn với những gì mình theo đuổi. Bởi vì giờ đây các ngành khoa học ngày càng phức tạp hơn và tốn nhiều thời gian để nghiên cứu hơn để có thể đạt được mục đích là đóng góp điều gì đó mới mẻ cho khoa học.
Tuy điều đó không áp dụng cho tất cả các ngành nhưng hầu hết nghiên cứu khoa học là một công việc cực kỳ đòi hỏi sự kiên nhẫn và gặp rất nhiều thách thức. Như ngành của tôi thì đòi hỏi phải rất giỏi về toán để có thể nghiên cứu.
Các bạn trẻ phải nhớ rằng ở Việt Nam vẫn có vị trí và cơ hội ngang bằng so với các nước khác. Bây giờ đây chúng ta đều có thể học hỏi được mọi thứ và ai cũng có khả năng để có thể đưa ra các nghiên cứu mới.
Cơ hội và tiềm năng phát triển
* Sau những lần tiếp xúc với học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu khoa học trẻ Việt Nam, giáo sư đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển nghiên cứu khoa học của giới trẻ Việt Nam?
- Giới trẻ Việt Nam hiện nay cũng như các nước Đông Nam Á đều có cơ hội và tiềm năng phát triển nghiên cứu khoa học như giới trẻ phương Tây. Khoảng cách giữa phương Tây và Việt Nam không còn quá chênh lệch như trước kia. Bởi vì hiện nay đã có Internet, chúng ta có thể kết nối và tìm hiểu tri thức một cách nhanh chóng.
Việt Nam có nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu khoa học nổi tiếng thế giới. Sau ba lần đến Việt Nam, tôi thấy các bạn trẻ, các nhà nghiên cứu khoa học trẻ của Việt Nam có sự đam mê rất lớn đối với khoa học, chịu khó học hỏi. Nếu các bạn theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học đến cùng, tôi nghĩ các bạn sẽ đạt được những thành tựu cao.
Chuyên gia hàng đầu về cơ học lượng tử
GS Gerard t' Hooft (người Hà Lan) là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cơ học lượng tử, các tác phẩm của ông tập trung vào lý thuyết đo, các lỗ đen và trọng lực lượng tử. Năm 1999, ông đoạt giải thưởng Nobel Vật lý về "Làm sáng tỏ cấu trúc lượng tử của các tương tác điện tử trong vật lý".
Ngoài giải Nobel, ông còn nhận được rất nhiều giải thưởng khác. Năm 1995, ông trở thành một trong những người đầu tiên nhận giải thưởng Spinoza Premiere, phần thưởng cao quý nhất dành cho các nhà khoa học Hà Lan. Cùng năm đó, ông nhận huy chương Franklin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận