Trong cuộc thảo luận với quốc hội, Tổng thống George Bush lúc ấy đã tuyên bố: “Như một biểu tượng cho quyết tâm của nước Mỹ, chính phủ của tôi sẽ làm việc với quốc hội... để chứng tỏ cho thế giới thấy rằng chúng ta sẽ xây dựng lại thành phố New York”.
10 năm sau, chỉ mới có tháp số 7 cao 52 tầng được khởi công năm 2006 đã hoàn thành. Còn khu tưởng niệm cũng như nhà ga tàu điện ngầm vẫn đang ở giai đoạn hoàn thiện. Năm tòa tháp khác còn đang tiến triển ở nhiều mức độ khác nhau.
Tòa tháp số 1 sẽ được hoàn thành năm 2013, tòa tháp số 5 sẽ sớm được bàn giao. Tòa tháp số 2 và 3 được dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Việc xây dựng tòa tháp số 5 với 42 tầng cho Ngân hàng JP Morgan mới chỉ được bắt đầu từ hai năm qua. Còn với trung tâm nghệ thuật, công việc chắc sẽ chỉ được khởi động vào năm 2014.
Thử so sánh: việc xây dựng tòa tháp đôi của WTC trước đây chỉ diễn ra trong... ba năm!
Thật ra, dự án tái thiết WTC đã được khởi động từ rất sớm. Tháng 11-2001, thống đốc New York lúc đó là George Palaki đã cho thành lập ngay Cơ quan Phát triển Hạ Manhattan (LMDC). Đó là một ủy ban có trách nhiệm giám sát việc tái thiết và quản lý khoản trợ giúp 10 tỉ USD của chính phủ liên bang. Và dự án của kiến trúc sư Mỹ Daniel Libeskind đã được chọn qua một cuộc đấu thầu quốc tế.
Thế nhưng, dự án này đã phải trải qua rất nhiều lần sửa đổi và gặp phải rất nhiều ý kiến phản đối. Trước hết, đây là một dự án khổng lồ và phức tạp với rất nhiều công trường thi công độc lập lại liên kết với nhau. Kế tiếp đây là một khu đất trống rộng 6,5ha ở một thành phố như New York, nơi 1m2 đất “đắc địa” đến mức gây nên biết bao ghen tị.
Cuối cùng đây lại là mảnh đất có rất nhiều những lợi ích đối nghịch nhau. Ngoài nhóm của Libeskind, LMDC còn phải làm việc với Cảng vụ New York và New Jersey, chủ sở hữu khu đất này và là cơ quan phụ trách về đường hầm, cầu cảng và sân bay, vốn chưa bao giờ quản lý các tòa nhà ngoại trừ tòa tháp đôi. LMDC còn phải quan tâm đến những tâm trạng của Larry Silverstein, nhà kinh doanh địa ốc và nắm giữ các hợp đồng cho thuê của nhiều tòa tháp trong tương lai. LMDC lại còn phải đối phó với những rắc rối do thị trưởng New York, nhà tỉ phú Michael Bloomberg, cùng các gia đình nạn nhân gây ra.
Chưa hết, nếu như Daniel Libeskind là người chịu trách nhiệm dự án thì mỗi tòa tháp lại do một kiến trúc sư khác nhau thiết kế, trong đó có không ít “cây đa cây đề” như Santiago Calatrava của Tây Ban Nha - người thiết kế nhà ga, như Norman Foster của Anh - người thiết kế tòa tháp số 2.
“Trái tim” của dự án là tòa tháp số 1 mà khi xây dựng xong sẽ là tòa tháp cao nhất New York với 1.776 bậc (541m). Con số này biểu tượng cho năm ký tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Thế nhưng, dự án này cứ phải giậm chân tại chỗ và kéo dài lê thê, một phần vì những tranh cãi giữa Cảng vụ New York và nhà đề xướng Larry Silvertein.
Được gọi là “tòa tháp Tự Do”, nó sẽ được đặt tên là One World Trade Center (1WTC), một cái tên dễ bán hơn cho các chủ thuê trong tương lai, nhưng lại gây lo ngại sẽ là mục tiêu thu hút những kẻ khủng bố.
Từ tháng 12-2002 đến tháng 6-2005, tòa tháp số 1 đã nhiều lần phải thay đổi thiết kế. Cảnh sát New York cho rằng tòa tháp này quá dễ bị tổn thương trước một cuộc tấn công khủng bố, nên đề nghị cắt ngọn xuống còn 61m và nằm trên một khối bêtông cốt thép.
Cuối cùng, tòa tháp số 1 sẽ là tòa nhà đắt giá nhất nước Mỹ với chi phí dự kiến khoảng 3,3 tỉ USD. Thế nên, Cảng vụ New York lo ngại không thể thu hồi được vốn đầu tư, bởi New York giờ đang khốn khổ với việc thừa thãi diện tích văn phòng cho thuê và giá căn hộ sụt giảm.
Còn khu tưởng niệm cũng vấp phải những tranh cãi triền miên, nhất là từ phía những gia đình nạn nhân. Thoạt đầu, người ta tính khắc tên các nạn nhân không theo thứ tự riêng nào cả. Thế là một cơn bão phản đối đã nổi lên.
Nhiều gia đình nạn nhân yêu cầu tên của những người lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ phải được đặt lên hàng đầu, ý kiến khác đòi khắc tên các nạn nhân theo nơi làm việc. Cuối cùng, người ta thỏa thuận tên các nạn nhân được tập hợp theo từng tòa tháp và máy bay nơi họ có mặt.
Nước Mỹ liên kết trong niềm tưởng nhớ Sáng 11-9 (tức tối 11-9 giờ Việt Nam), hàng ngàn người đã có mặt ở khu vực số 0, nơi hai ngọn tháp của Trung tâm thương mại thế giới đã bị tấn công lúc 8g46 ngày 11-9 cách đây mười năm, để tưởng nhớ các nạn nhân. Trong buổi lễ rất thiêng liêng và xúc động tại New York, thân nhân 334 nạn nhân đọc to tên của người thân và nói những lời thương nhớ họ, tự hào vì họ và khẳng định tiếp tục sống mạnh mẽ để họ có thể tự hào về những người còn sống. Mười năm qua, nước Mỹ vẫn chưa thể quên được những giờ phút kinh hoàng và đau thương đó. Thị trưởng New York Michael Bloomberg cùng với Tổng thống Barack Obama và cựu tổng thống Mỹ G.Bush đã mặc những trang phục màu đen, có mặt tại buổi lễ trong bối cảnh an ninh thắt chặt ở khu vực Hạ Manhattan. Mười năm trước, gần 3.000 người đã thiệt mạng khi bốn chiếc máy bay bị không tặc kiểm soát đã đâm vào các vị trí được coi là biểu tượng của tài chính và sức mạnh quân sự, chính trị Mỹ. Toàn bộ thành phố New York đã yên lặng mặc niệm, chuông rung khắp thành phố. Cùng lúc đó, phút mặc niệm vào thời điểm chiếc máy bay UA 175 đâm vào tòa tháp nam cũng bắt đầu lúc 9g03. Cách đó hơn 200 dặm, tại Bộ Quốc phòng Mỹ, vào lúc 9g37, thời khắc mặc niệm cũng bắt đầu đúng vào thời điểm chiếc máy bay AA 77 đâm xuống Lầu Năm Góc làm 184 người thiệt mạng. Vào lúc 10g03, tại Shanksville, Pennsylvania cũng diễn ra phút mặc niệm, nhắc nhở người ta về thời điểm chiếc máy bay UA 93 đâm xuống đất. Trong thông điệp đặc biệt kỷ niệm 10 năm thảm kịch khủng bố tại nước Mỹ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã kêu gọi người dân trên toàn thế giới đồng lòng chống khủng bố. Ông khẳng định các vụ khủng bố không chỉ nhằm vào một quốc gia đơn lẻ mà đây là cuộc tấn công chống lại loài người, chống lại những giá trị toàn cầu về hòa bình và phẩm giá mà Liên Hiệp Quốc được lập ra để thúc đẩy và bảo vệ.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận