Mặc dù có nhiều GrabBike tại cổng số 1 BXMĐ nhưng nhiều người vẫn không thể book được xe - Ảnh: NGUYỄN HẢI
Khách hàng không thể book được xe trong khi GrabBike đứng chật kín các cổng 1, 2 và 3 của BXMĐ.
Đại diện Grab trả lời vấn đề này thế nào?
Giá tăng gấp 3 vẫn không thèm nhận khách
Gần 3h sáng mùng 5, phóng viên đặt GrabBike từ BXMĐ về tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Bình thường, giá cước chỉ khoảng 20.000 đồng nhưng hôm đó app của Grab hiện lên cước phí cho quãng đường này là 65.000 đồng với lý do "cước phí tăng do nhu cầu đi lại cao".
Phóng viên đồng ý book nhưng liên tục nhận được các thông báo "đang tìm tài xế tốt nhất gần bạn, tài xế đang xem yêu cầu cuốc xe của bạn". "Cùng kiên nhẫn nhé - chúng ta sẽ thử lại sau 5 giây nữa", "Sorry, our drivers seem busy - ... quay lại trang đặt xe"...
Phóng viên kiên nhẫn book đi book lại cả chục lần, cuối cùng có một thông báo "tài xế đang đến".
Trên app của Grab hiện thông tin tài xế như sau: Hoàng Đình Tân tài xế được xếp hạng 5 sao, biển số 63P1-04.896. Xe Yamaha Sirius GrabBike, giá cước 65.000... nhận khách lúc 3:01 sáng 20-2.
Tuy nhiên, chờ mãi không thấy tài xế Tân gọi điện, sốt ruột, phóng viên chủ động gọi Tân theo số điện thoại 0938088927 thì tài xế này bấm máy bận. Tưởng Tân bấm nhầm, lát sau phóng viên gọi lại, rồi gọi lại nhiều lần nữa tài xế này đều bấm máy bận.
Gọi không được, phóng viên nhắn tin thắc mắc về hành động khó hiểu của tài xế thì nhận được câu trả lời: "Em gọi anh không được nên đã nhận khách khác rồi". Sau đó tài xế này đơn phương hủy chuyến xe.
Thực tế là phóng viên luôn cầm điện thoại trên tay và chờ cuộc gọi từ Tân nhưng không hề có bất kỳ cuộc gọi nhỡ nào từ tài xế này.
Hơn 3h sáng, cổng 1 của BXMĐ có hàng chục GrabBike đứng xanh rờn cả một khúc đường mà phóng viên không thể bắt khách.
Thấy lạ, phóng viên cầm điện thoại, giơ app ra hỏi một GrabBike tại sao xảy ra tình trạng này thì nhận được câu trả lời từ một GrabBike tầm 30 tuổi: "Bây giờ anh muốn đi từ đây về báo Tuổi Trẻ, để em book bằng app của em cho. Rồi, 99.000 đồng. Anh đi không?".
Phóng viên thắc mắc, sao cùng là app của Grab mà khách book chỉ 65.000, còn tài xế lại book ra 99.000 đồng? Tài xế này trả lời đầy thách thức: "Anh đừng hỏi nhiều, giờ có đi không thì nói một tiếng, không đi thì anh cứ đứng đó mà book từ giờ đến sáng ngày kia cũng không bắt được Grab đâu".
Sáng hôm sau, 21-2, phóng viên tiếp tục có mặt tại BXMĐ từ tờ mờ sáng và cũng gặp tình trạng tương tự.
Đứng giữa một "rừng" GrabBike nhưng chị Hàn Phương không thể đặt xe từ cổng 1 BXMĐ về địa chỉ 406 Ung Văn Khiêm, P.25, Q.Bình Thạnh. Chị Phương liên tục nhận được thông báo xin lỗi rồi yêu cầu đặt lại từ phía Grab.
"Ngày thường em đi chỉ 16.000 đồng nhưng hôm nay Grab thông báo 50.000, em đồng ý đi nhưng đặt hoài không được. May quá có bác xe ôm truyền thống đến hỏi, báo giá cũng 50.000 đồng nên em đi luôn xe ôm" - chị Phương cho biết.
Tương tự, anh T. vừa từ quê lên TP.HCM, có xe máy nhưng vì kèm theo vợ con và nhiều đồ đạc nên anh muốn đón thêm một GrabBike để xe mình nhẹ bớt.
"Tôi đi từ BXMĐ về Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân) thường chỉ hết 70.000 đồng, hôm nay tài xế GrabBike hét giá 200.000 đồng lại còn có thái độ khó chịu, tôi thà chở nặng chứ không thèm đi" - anh T. bức xúc.
Tại sao có tình trạng này?
Nguồn tin riêng của phóng viên cho biết có hai nhóm GrabBike, một nhóm khoảng 12 người do một người tên Hoàng, khoảng 30 tuổi, cầm đầu. Nhóm kia khoảng 5 người. Hai nhóm chia nhau cổng 1, 2 và 3 tại BXMĐ và sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động suốt 4 tháng nay.
Nguyên tắc hoạt động là nhóm này đuổi tất cả những tài xế GrabBike bật app đón khách với giá công ty.
Họ đóng quân tại địa điểm đã khoanh vùng, tắt app đi khiến khách hàng không thể book được xe, sau khi khách đặt hoài không được thì họ tới hỏi thăm rồi ra giá cao gấp 3, 4 lần giá công ty quy định, cao ngang với giá xe ôm truyền thống, buộc khách phải đi vì không có sự lựa chọn tốt hơn.
"Mình chạy mười mấy cuốc mới được chừng 500.000 đồng nhưng họ chỉ chạy 3 cuốc đã bằng mình chạy cả ngày rồi. Cứ tới gần là họ đuổi nên nhiều người không dám bén mảng đến các địa bàn đã được họ khoanh vùng" - anh H., một tài xế GrabBike, cho biết.
Giải thích về việc tại sao app của khách hàng chỉ có giá 65.000 đồng trong khi app của tài xế GrabBike tại BXMĐ có giá 99.000 đồng, anh H. cho biết lợi dụng sự sơ hở của khách, họ cố tình cộng thêm địa điểm và quãng đường nên cước phí mới đội lên gấp mấy lần bình thường.
Trả lời báo Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Thành - giám đốc bộ phận GrabBike - Grab Việt Nam - cho biết những chuyến xe không được thực hiện thông qua ứng dụng Grab (bắt ngoài) sẽ không được xem là đang sử dụng dịch vụ của Grab.
"Với những trường hợp này, chúng tôi sẽ không thể theo dõi hành trình và hỗ trợ khi xảy ra sự cố. Đối với các đối tác tài xế GrabBike, việc tắt ứng dụng Grab nhưng vẫn mặc áo Grab và bắt khách ngoài là hành vi vi phạm bộ quy tắc ứng xử đã cam kết".
Ông Thành cũng cho biết thông qua đội ngũ kiểm soát chất lượng chủ động của Grab và phản ảnh của khách hàng, Grab sẽ có hình thức xử lý phù hợp với các trường hợp vi phạm, bao gồm tạm ngưng ứng dụng, đào tạo lại hoặc ngưng hợp tác vĩnh viễn.
Luật sư Nông Thị Hồng Hà - Công ty luật Hồng Hà - cho biết những ngày lễ, tết tài xế phải tuân thủ các quy định theo Luật lao động. Anh được quyền tăng giá gấp 3 lần nhưng vì Nhà nước không quản lý được giá nên xảy ra tình trạng tăng vô tội vạ.
Vì thế, phải buộc những người chạy Uber, Grab thực hiện theo quy chế chung của Luật lao động về đơn giá tiền lương trong ngày lễ, ngày tết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận