26/10/2018 09:25 GMT+7

Góp ý với các tư lệnh ngành hậu lấy phiếu tín nhiệm

LÊ KIÊN - VIỄN SỰ -  THÁI BÁ DŨNG - QUANG KHẢI - NGỌC HÀ - TH.Đ
LÊ KIÊN - VIỄN SỰ - THÁI BÁ DŨNG - QUANG KHẢI - NGỌC HÀ - TH.Đ

TTO - "Người nào chưa làm tốt thì số phiếu tín nhiệm thấp quá nhiều sẽ là lời cảnh báo để họ nhìn nhận, tự điều chỉnh mình, đưa ra các hướng khắc phục để làm việc cho tốt hơn".

Góp ý với các tư lệnh ngành hậu lấy phiếu tín nhiệm - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh ngày 25-10 - Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Phùng Xuân Nhạ, với số phiếu tín nhiệm cao - tín nhiệm - tín nhiệm thấp tương ứng là 140-194-137, và bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể (142-221-107) là hai tư lệnh ngành có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất trong 48 chức danh được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm hôm qua 25-10.

Các thành viên Chính phủ khác có nhiều số phiếu tín nhiệm thấp là bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng (169-208-97), bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà (159-226-89), bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện (148-252-72).

Thành viên duy nhất trong Chính phủ không phải là ủy viên Trung ương Đảng - bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - lần này "chịu" ít phiếu tín nhiệm thấp hơn các lần lấy phiếu trước: 224-197-53. Bà Tiến chỉ bị 10,93% đại biểu Quốc hội "tín nhiệm thấp", trong khi số tín nhiệm cao chiếm tới 46,19%.

Cơ sở để quy hoạch cán bộ

"Tôi cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh lần này đã phản ánh rất chính xác, khách quan năng lực làm việc cũng như tác phong đạo đức, uy tín mà những người được lấy phiếu tín nhiệm thể hiện trong nửa nhiệm kỳ qua", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bình luận.

Ông Phương cho rằng các kết quả cụ thể đối với từng vị lãnh đạo sẽ giúp họ nhìn nhận lại chính mình, xem mình đã làm tốt chưa. Người nào chưa làm tốt thì số phiếu tín nhiệm thấp quá nhiều sẽ là lời cảnh báo để họ nhìn nhận, tự điều chỉnh mình, đưa ra các hướng khắc phục để làm việc cho tốt hơn.

"Quan trọng không kém, tôi cho rằng kết quả này cũng là một cơ sở để Đảng, Chính phủ có thêm thông tin đánh giá nhằm thực hiện việc quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới đối với những người còn đủ tuổi làm việc ở nhiệm kỳ tiếp theo", ông Phương bày tỏ.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) thì chia sẻ: "Trong điều kiện hiện nay để tìm ra bộ trưởng làm xuất sắc các lĩnh vực này rất khó. Cho nên trải qua nhiều thử thách, phải có nhiều kinh nghiệm, có trình độ nhất định mới có thể làm tốt ở những vị trí này. Cái ghế đó là ghế khó vì tất cả mọi thứ đều xuất hiện, liên quan đến xã hội, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân".

Góp ý với các tư lệnh ngành hậu lấy phiếu tín nhiệm - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Phùng Xuân Nhạ - Ảnh: TT

Đã nỗ lực, nhưng còn ngổn ngang, bộn bề

Góp ý với bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ông Lê Như Tiến - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - nói: "Thời gian qua, ngành giáo dục đã rất nỗ lực thực hiện nghị quyết 29 của trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục - đào tạo, đặc biệt là những nỗ lực trong cải cách chương trình, sách giáo khoa.

Ngoài ra, việc ngành giáo dục phát động và thực sự chăm lo cho học sinh để các trường phổ thông đều có khu vệ sinh sạch là điểm tích cực rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, nhìn lại nửa nhiệm kỳ qua cũng thấy ngành giáo dục còn không ít việc ngổn ngang, bộn bề. Có cảm tưởng ngành đang lúng túng trong tìm kiếm và định vị một triết lý giáo dục.

Học với hành thế nào, nhồi nhét kiến thức là xong hay bên cạnh kiến thức còn phải bổ sung những kỹ năng mềm giúp học sinh thích ứng với xã hội? Trong nhà trường, rõ ràng không phải chỉ có giáo dục kiến thức, mà còn rất cần giáo dục về lối sống, hành xử cho các em...

Công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục mầm non, tiểu học còn nhiều bất cập. Bạo hành, bạo lực trong môi trường giáo dục - trong đó có những câu chuyện ám ảnh như giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau - vẫn diễn ra gây nhức nhối trong xã hội.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa ngành giáo dục và đào tạo nghề còn chưa chặt chẽ, 'ông chẳng, bà chuộc' nên không thực hiện được mục tiêu phân luồng. Cùng hướng đến đối tượng người học, cùng nhắm đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước, nhưng hai bộ ngành này vẫn không thực tâm ngồi lại được với nhau để có được những giải pháp tốt nhất cho việc đào tạo nguồn nhân lực".

Góp ý với các tư lệnh ngành hậu lấy phiếu tín nhiệm - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể - Ảnh: Quochoi.vn

Giao thông còn cơ hội "sửa sai"

Về trường hợp bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nhận xét: Ông Thể mới làm 'tư lệnh' ngành giao thông trong khoảng một năm, nhiều vấn đề ở lĩnh vực do nhiệm kỳ trước để lại, quá trình điều hành ngành còn lúng túng.

Tuy vậy ông Thể vẫn còn cơ hội để 'sửa', giải quyết những vấn đề còn tồn tại của ngành.

"Theo tôi, ông Thể không nên sa vào những sự vụ cụ thể mà làm sao đề xuất được với Quốc hội, Chính phủ những cơ chế, chính sách để việc sử dụng đồng vốn hiệu quả, dự án được vận hành một cách tốt nhất", PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nói.

"Ví dụ như làm thế nào để việc phối hợp, sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả, quy trình đầu tư PPP thế nào tốt nhất, đồng thời cũng phải giải quyết hệ lụy của quá trình đầu tư BOT tại nhiều nơi gây bức xúc dư luận..."

Góp ý với các tư lệnh ngành hậu lấy phiếu tín nhiệm - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện - Ảnh: TT

Phải tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia - thì chia sẻ với bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Văn hóa là một lĩnh vực rất khó, nhạy cảm, đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn xã hội mới có thể giải quyết được các vấn đề của nó. Mặc dù ngành văn hóa trong năm qua đã có rất nhiều cố gắng, đạt được nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được những mong đợi của xã hội.

"Thời gian sắp tới, Bộ VH-TT&DL cần tham gia tích cực hơn nữa, như tạo môi trường thông thoáng hơn cho các hoạt động sáng tạo nghệ thuật; bám sát hơn với thực tiễn cuộc sống để có sự đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả hơn cho văn hóa, nghệ thuật", ông Sơn nói.

"Bộ phải làm sao tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thu hút nhiều khán giả của văn hóa nghệ thuật hơn để tạo thị trường văn hóa rộng mở hơn cho các nghệ sĩ".

Về việc các đại biểu Quốc hội chưa thật hài lòng đối với các ngành văn hóa, theo ông Sơn, chủ yếu đến từ thực trạng xuống cấp của đạo đức xã hội trong những năm vừa qua.

"Nhưng vấn đề nhức nhối này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như kinh tế, giáo dục... chứ không chỉ lỗi của ngành văn hóa. Sự xuống cấp về đạo đức xã hội thể hiện một chỉ báo về các vấn đề mà xã hội của chúng ta đang gặp phải chứ một mình ngành văn hóa sẽ không thể giải quyết được", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Đánh giá về những người đạt số phiếu tín nhiệm rất cao là Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Vũ Trọng Kim nói: "Chủ tịch Quốc hội do hoàn thành tốt nhiệm vụ, để lại dấu ấn với cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp, cũng như vai trò giám sát thời gian qua đạt nhiều kết quả, kỳ họp được cải tiến, phát huy dân chủ.

Với Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, sau Đại hội Đảng chúng ta đã kiện toàn Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra mục tiêu hàng đầu là liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân. Theo hướng đó, thời gian qua đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, những tiến bộ xã hội rõ rệt. Tức là dấu ấn cá nhân của Thủ tướng đầy nhiệt huyết và trách nhiệm".

Phiếu tín nhiệm: Tư lệnh ngành nhạy cảm chịu thiệt thòi hơn

TTO - "Người đứng mũi chịu sào các lĩnh vực bức xúc, nhạy cảm đều phải chịu tác động, nếu cũng bộ trưởng đó nhưng là ở một lĩnh vực khác thì chưa chắc số phiếu đã như vậy. Chúng ta phải khách quan".

LÊ KIÊN - VIỄN SỰ - THÁI BÁ DŨNG - QUANG KHẢI - NGỌC HÀ - TH.Đ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp