Nhóm sinh viên Trường ĐH Thái Nguyên giới thiệu quy trình xử lý rác thải hữu cơ từ ấu trùng ruồi lính đen - Ảnh: H.THANH
Tại vòng chung kết toàn quốc "Thử thách thanh niên Việt Nam vì sáng tạo xã hội", Nguyễn Phương Trang (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Đà Nẵng) khiến nhiều người xúc động với câu chuyện của bản thân. Không chỉ Trang, nhiều bạn trẻ khác cũng cho ra đời những sản phẩm, xuất phát từ suy nghĩ muốn đóng góp sáng tạo cho cộng đồng.
Tiện ích cho người khuyết tật
Dự án ABY - website hỗ trợ người khuyết tật của Trang - cũng chính là quá trình bạn đã vươn lên chiến thắng chính mình. "Tiện ích của app này giúp người khuyết tật có thể tìm kiếm hỗ trợ, di chuyển nhưng ít phải trả phí" - Trang chia sẻ về mục tiêu dự án ABY.
Là người khuyết tật, Trang nói bản thân hiểu rõ và từ đó nhóm đưa ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp. App ứng dụng này hoạt động dễ dàng, người khuyết tật có thể đăng tải thông tin, nhu cầu lên app này và kết nối sự giúp đỡ của tình nguyện viên.
Hiện tại app được chạy thử nghiệm tại Đà Nẵng thu hút hơn 300 người và có 80 người đã đăng ký là thành viên.
Song song với ứng dụng này, nhóm bạn còn đặt mục tiêu chế tạo các thiết bị ứng dụng IoT (Internet vạn vật) phục vụ người khuyết tật như cây bút đọc dành cho người khiếm thị, bộ vòng tay chuyển ngữ giọng nói cho người khiếm thính giao tiếp với mọi người.
Nhóm mình mong muốn thay đổi suy nghĩ của người khuyết tật với công nghệ và kỳ vọng kết nối người khuyết tật với thế giới
NGUYỄN PHƯƠNG TRANG
Ấu trùng ruồi lính đen xử lý rác thải
Trăn trở trước vấn nạn rác thải hữu cơ gây ô nhiễm môi trường, một nhóm bạn trẻ Trường ĐH Thái Nguyên vận dụng kiến thức từ môn học sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để xử lý chất thải hữu cơ tại Thái Nguyên.
Trưởng nhóm Phạm Thị Hải Yến (sinh viên năm 4 ngành quản lý tài nguyên và môi trường, khoa quốc tế) chia sẻ nhóm tìm hiểu về cơ sở của loài ấu trùng này trong vòng một năm và bắt tay thử nghiệm và thành công.
Hiện nhóm kêu gọi hơn 200 hộ gia đình ở tỉnh Thái Nguyên tham gia quy trình xử lý rác thải và các nhà đầu tư cùng hợp tác sản xuất. Nhóm đến từng hộ dân phân tích về việc phân loại rác và lợi ích của quy trình xử lý này mang lại. "Họ hiểu và sẵn sàng hợp tác, chúng tôi cũng trả cho họ một phần chi phí đổ rác sinh hoạt thường ngày" - Hải Yến cho hay.
Sau ba tháng thử nghiệm, nhóm bạn cho ra đời hai sản phẩm chính là thức ăn chăn nuôi (gồm ấu trùng dạng tươi có giá 25.000 đồng/kg và dạng khô 70.000 đồng/kg), phân bón hữu cơ từ phân của ấu trùng giúp kích thích mọc rễ cây và cải tạo đất. Hai sản phẩm này hướng đến sản xuất nông sản sạch, an toàn và bảo vệ môi trường.
"Chúng tôi biến rác thải thành thu nhập và giúp bảo vệ môi trường, từ đó thay đổi nhận thức của người dân về xử lý và phân loại rác thải. Sắp tới, chúng tôi mong muốn đưa mô hình giáo dục trực quan này vào trường học, giúp học sinh ngay từ trên ghế nhà trường biết phân loại và xử lý rác thải" - Hải Yến chia sẻ.
Giúp buôn làng phát triển văn hóa địa phương
K’Brooke (trái) giới thiệu sản vật địa phương là thịt heo đen gác bếp - Ảnh: H.THANH
Tốt nghiệp Trường ĐH Tây Nguyên, anh K’Brooke (27 tuổi, thôn Lăng Kú, xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) về lại buôn làng. K’Brooke tận dụng mô hình nông - lâm kết hợp chăn nuôi truyền thống trong chính vườn cà phê của gia đình.
Dự án khởi nghiệp của K’Brooke là mô hình nuôi heo đen sinh thái, xuất phát từ nhu cầu của thị trường về thực phẩm sạch và mong muốn bảo tồn giống heo đen - đặc sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, anh còn sửa sang lại nhà sàn nhằm thu hút khách du lịch đến địa phương, từ đó giới thiệu đến du khách những sản vật do người K’Ho tạo ra.
Hiện anh còn quản lý một trang Facebook thu hút hơn 2.000 lượt theo dõi, giới thiệu sản phẩm đan lát, nhạc cụ, thổ cẩm, thịt heo đen của người đồng bào K’Ho.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận