Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo, cùng dự là các chuyên gia từ các cơ quan, đơn vị, hiệp hội trên địa bàn TP.
Buổi hội thảo lần này sẽ lấy ý kiến về bản dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cuối cùng được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối tháng 5, sau đợt lấy ý kiến toàn dân và có chỉnh sửa, bổ sung.
Cần có cơ quan quyết giá đất mới khi dự án chậm triển khai
So sánh dự thảo mới này với trước, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trước đây điều 88 quy định rõ tách việc bồi thường tái định cư thành dự án độc lập đối với dự án nhóm A và dự án đặc biệt do Quốc hội quyết định đầu tư. Tuy nhiên dự thảo mới chỉ còn nêu “thực hiện theo pháp luật về đầu tư công”.
Khi nhìn lại Luật Đầu tư công 2019 chỉ có quy định những dự án nhóm A, dự án đặc biệt mới được tách việc bồi thường tái định cư thành dự án độc lập.
uy nhiên theo vị này, hiện dự án nhóm B có quy mô tối thiểu 45 tỉ đồng và tối đa 2.300 tỉ đã đủ gây rất nhiều khó khăn khi triển khai nếu không được tách việc bồi thường tái định cư thành dự án độc lập.
“Nếu dự án 2.300 tỉ chỉ cần chi phí bồi thường tầm 1.000 tỉ thôi thì triển khai đã rất vất vả. Nên cần xem xét cho các đô thị lớn như TP.HCM với Hà Nội được là địa phương đặc thù tách dự án ở nhóm B này để đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, vị này chia sẻ.
Cũng về vấn đề bồi thường tái định cư, ông Quách Hữu Thái - phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM - nêu hiện trạng trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính thì vấn đề bồi thường, thu hồi đất luôn là vấn đề nóng. Thực tế rõ nhất một vài trường hợp khi phương án thu hồi đất được duyệt nhưng do yếu tố khách quan chưa triển khai.
Đến khi thực hiện giá đất của dự án đã tăng và không còn phù hợp, như TP.HCM vướng mắc trong giải ngân đầu tư công cũng vì vấn đề này. Do đó, ông Thái đề nghị trong Luật Đất đai (sửa đổi) nên có quy định thẩm quyền cơ quan được quyết định về mức giá mới trong trường hợp dự án chậm triển khai bởi lý do khách quan.
“Nếu chúng ta cứ áp giá cũ đã phê duyệt 2-3 năm sau giá đã chênh lệch rất nhiều, chắc chắn dự án đó không thể nào triển khai. Chúng ta phải dự trù các trường hợp này”, ông Thái nêu kiến nghị.
Cần có giới hạn trong việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Đánh giá dự thảo mới lần này, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết nội dung đã cơ bản đầy đủ hơn nhiều so với dự thảo được đưa ra lấy ý kiến toàn dân trước đó. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được cần được xem xét, chỉnh sửa.
Như tại điều 5 chương I, quy định về người sử dụng đất được bổ sung bao gồm cả những người đang sử dụng đất ổn định mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
"Quy định này rất quan trọng khi khẳng định người sử dụng đất được bổ sung bao gồm cả những người đang sử dụng đất ổn định mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu làm rõ điều này, rất nhiều người dân sẽ phấn khởi”, bà Hòa nói.
Nêu bất cập trong quy định chuyển quyền sử dụng đất, bà Tuyết Phương, đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, cho biết trong tất cả các loại chuyển quyền có hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất hiện nay chính sách thu thuế khác so với hình thức chuyển nhượng.
Mặt khác, hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất là loại chuyển quyền sử dụng đất có thời hạn hoặc lâu dài, còn hình thức chuyển quyền là chuyển hẳn.
Như vậy, một số trường hợp trước đây góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà đưa vào thực tiễn xây dựng dự án nhà ở đã gây ra kẽ hở trong việc thu thuế.
Không chỉ vậy, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất có thời hạn khi xây dựng dự án nhà ở và bán cho khách hàng thì sau này rất khó thu thuế.
“Cần có giới hạn trong việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cần thiết có một loại hình riêng không nên đưa chung vào khái niệm chuyển quyền sử dụng đất, nếu không sẽ có hạn chế về quản lý nhà nước”, bà Phương chia sẻ.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới với 2/3 điều khoản được điều chỉnh
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết tại kỳ họp Quốc hội chuyên trách vừa qua, dự thảo Luật Đất đai có sửa đổi rất nhiều, khoảng 2/3 điều khoản so với bản đưa ra lấy ý kiến toàn dân.
Đến nay dự thảo hoàn thiện có 16 chương với 247 điều, trong đó có tăng thêm 3 mục gồm mục 1 ở chương 7, mục 2 ở chương 16 và bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều.
“Có nhiều vấn đề trong thực tế mà các quy định pháp luật vẫn còn bất cập, chúng ta cần làm sao để các quy định vẫn có tính chất quản lý nhưng cũng đồng thời để các cá nhân, tổ chức thuận tiện trong quá trình sử dụng đất”, bà Tuyết nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận