03/12/2016 08:58 GMT+7

Góp ý đổi mới môn lịch sử

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - HÀ BÌNH
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - HÀ BÌNH

TTO - Bộ GD-ĐT đã có quyết định giao ĐH Quốc gia Hà Nội đổi mới dạy học môn lịch sử, mang tính chất thí điểm ở trường phổ thông. Từ đây, ĐH Quốc gia Hà Nội đã giao GS-TSKH Vũ Minh Giang chủ trì thực hiện dự án này.

Ảnh: DUYÊN PHAN
Trần Bùi Việt Đức (học sinh lớp 9A Trường THCS Lương Định Của, Q.2, TP.HCM) là một học sinh mê sử. Vừa bước sang tuổi 14, Việt Đức đã đọc gần 50 cuốn sách về lịch sử Việt Nam và lịch sử các nước trên thế giới.

“Trong một lần xem tivi, vô tình em thấy các bạn học sinh nói rằng môn sử nhàm chán, em nghĩ mình phải có trách nhiệm giúp đỡ các bạn cùng lớp và những bạn đồng trang lứa, để các bạn hiểu rằng đây là một môn học thú vị” - Việt Đức chia sẻ.

Hơn một năm nay, Việt Đức luôn dành thời gian trống vào lúc ra chơi để kể những câu chuyện lịch sử, bổ sung kiến thức sử cho các bạn trong lớp. Điều đáng nói là những thông tin Việt Đức truyền tải đều được học sinh tiếp nhận một cách đầy thích thú và vui vẻ.

Gần đây nhất, Việt Đức được chọn là một trong 138 cá nhân và tập thể được tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố lần 2 năm 2016.

Ảnh: DUYÊN PHAN

Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của học sinh, giáo viên, chuyên gia lịch sử về những ý tưởng và kỳ vọng đổi mới môn học này.

GS Đỗ Thanh Bình (nguyên trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội):

Sách viết hàn lâm không hấp dẫn học sinh

Việc dạy học lịch sử qua phim hoạt hình là hướng mới, nhưng theo tôi là khó khả thi, vì không phải sự kiện lịch sử nào cũng có thể dựng thành phim được.

Ngoài ra, sách giáo khoa môn lịch sử ở cấp tiểu học hiện viết không hay, tương đối hàn lâm, không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Do đó, theo chúng tôi, khi đổi mới chương trình, ở cấp tiểu học nên viết sách lịch sử dưới dạng các câu chuyện lịch sử nhẹ nhàng, kết hợp các kiến thức địa lý, tạo sự hấp dẫn, yêu thích môn học ở trẻ.

Ở cấp THCS, chúng ta nên thực hiện dạy lịch sử theo dòng chảy liên tục, không đứt đoạn. Ở cấp THPT, môn lịch sử nên được dạy theo chủ đề, kết hợp các kiến thức lịch sử thế giới, giúp học sinh hiểu được bối cảnh lịch sử nói chung.

Cô Lê Thu (tổ trưởng tổ lịch sử Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội):

Áp dụng cách dạy mới mẻ để môn lịch sử không nhàm chán

Ở trường tôi, việc phá vỡ không gian lớp học truyền thống, đưa học sinh đến các di sản, bảo tàng để học đã thành phổ biến. Chúng tôi cũng thường áp dụng các cách thức mới mẻ để môn lịch sử gần gũi, hấp dẫn với học sinh. Ví dụ như cách “lội ngược dòng”, đưa ra một vấn đề của thực tế cuộc sống hiện nay, để học sinh “lội ngược dòng” về thời điểm lịch sử trong bài học...

Dạy tích hợp lịch sử với các môn học khác cũng là cách thức để môn lịch sử hấp dẫn, không khô cứng...

Trong việc kiểm tra đánh giá, chúng tôi cũng áp dụng cách đánh giá vận dụng. Tức là không yêu cầu học sinh nêu “nguyên nhân, ý nghĩa lịch sử” cứng nhắc, mà đưa các câu hỏi mở, cho phép học sinh đóng vai trong các sự kiện lịch sử để trình bày quan điểm, cách giải quyết...

Cô giáo Hà Thị Thúy Vân (giáo viên lớp 5 Trường tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM):

Nên dạy sử theo kiểu vừa học vừa chơi

Theo tôi, việc dạy lịch sử cho học sinh tiểu học hiện có một số khó khăn. Đó là để minh họa bài giảng, giáo viên phải tự đi tìm hình ảnh, tư liệu... tốn rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, để cắt ghép, chèn hình ảnh, phim vào bài giảng, đòi hỏi giáo viên phải thành thạo về công nghệ thông tin.

Nếu dạy lịch sử cho học sinh mà chỉ đơn điệu theo lối đàm thoại, vấn đáp thì học sinh rất chán. Các em rất thích học những bài có hình ảnh, tư liệu, câu chuyện sinh động liên quan đến bài học.

Bên cạnh đó, việc kết hợp vừa giảng dạy theo chương trình, vừa tổ chức đi tham quan các bảo tàng, những nơi trưng bày chứng tích chiến tranh, sẽ khiến học sinh hào hứng với học lịch sử, theo kiểu vừa học vừa chơi.

Tôi thấy với học sinh tiểu học, nếu cho các em xem phim hoạt hình lịch sử thì các em sẽ dễ hình dung về câu chuyện lịch sử hơn là chỉ học trong sách.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM:

Cần sự đồng thuận của phụ huynh

Vào đầu năm học, giáo viên trường tôi sẽ thống nhất với phụ huynh về những địa điểm sẽ dẫn học sinh đi sinh hoạt ngoại khóa. Giáo viên thường cho học sinh đi tham quan Bến Nhà Rồng, bảo tàng lịch sử và mỗi năm tổ chức đi hai lần.

Có thể thấy, khi cho các em học theo lối dã ngoại ở bên ngoài sẽ cực hơn cho giáo viên, bảo mẫu. Do đó, giáo viên các trường vẫn có tâm lý dạy “khô” học sinh. Điều này sẽ rất chán với học sinh, nhưng thuận tiện hơn cho giáo viên.

Đưa học sinh ra ngoài sẽ tốn nhiều chi phí, và phụ huynh sợ con em mình không an toàn. Để khuyến khích những giờ học ngoài trường lớp, cần có sự đồng thuận của phụ huynh, nhằm tạo động lực thêm cho giáo viên...

Học sinh Nguyễn Công Minh (lớp 10A7 Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng):

Cho chúng em tương tác nhiều hơn

Khi học lịch sử em vẫn nhớ được những sự kiện xảy ra trong quá khứ, nhưng không nhớ được mốc thời gian diễn ra sự kiện. Do đó, em mong vào giờ học sử, học sinh sẽ được tương tác với bài học nhiều hơn, và phải có cách nào đó giúp chúng em nhớ nhiều hơn đến thời gian diễn ra sự kiện.

Lớp em chưa tổ chức đi tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử, nhưng em đã đến bảo tàng ở địa phương. Em thấy ở những bảo tàng này, hiện vật trưng bày cũng không phong phú lắm. Khi bảo tàng có nhiều hiện vật, hấp dẫn, học sinh sẽ tự tìm đến xem và học tập.

Theo em, việc dạy lịch sử bằng cách cho học sinh coi phim hoạt hình sẽ dễ nhớ, dễ thực hiện. Còn tổ chức cho học sinh diễn kịch, tái hiện câu chuyện lịch sử... thì cần nhiều thời gian, chuẩn bị công phu, nên chỉ thực hiện cho những bài quan trọng.

Nguyễn Thùy Chi (nguyên học sinh lớp 12 Trường THPT Đống Đa, Hà Nội):

Nếu được tiếp cận lịch sử theo một cách khác

Trong các môn học ở bậc phổ thông em sợ nhất môn lịch sử. Sợ vì phải học thuộc lòng, ghi nhớ nhiều sự kiện, con số, ý nghĩa lịch sử một cách chính xác. Có lẽ vì không thích nên các giờ học lịch sử thường rất nhàm chán. Chỉ cố ghi sao cho đủ ý cô giáo giảng...

Nếu chúng em được tiếp cận lịch sử bằng những cách hấp dẫn hơn, gần gũi hơn, có lẽ mọi chuyện sẽ khác. Ví dụ như qua những câu chuyện có thật về danh nhân lịch sử, các câu chuyện lịch sử, được quan sát những di sản lịch sử trong cuộc sống hiện nay.

Ngoài ra, theo em, học sinh cần được tự do hơn trong việc bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận của mình ở các bài kiểm tra, các bài thi... thì sẽ tốt hơn.

Trần Bùi Việt Đức (học sinh lớp 9A Trường THCS Lương Định Của, Q.2, TP.HCM) là một học sinh mê sử. Vừa bước sang tuổi 14, Việt Đức đã đọc gần 50 cuốn sách về lịch sử Việt Nam và lịch sử các nước trên thế giới.

“Trong một lần xem tivi, vô tình em thấy các bạn học sinh nói rằng môn sử nhàm chán, em nghĩ mình phải có trách nhiệm giúp đỡ các bạn cùng lớp và những bạn đồng trang lứa, để các bạn hiểu rằng đây là một môn học thú vị” - Việt Đức chia sẻ.

Hơn một năm nay, Việt Đức luôn dành thời gian trống vào lúc ra chơi để kể những câu chuyện lịch sử, bổ sung kiến thức sử cho các bạn trong lớp. Điều đáng nói là những thông tin Việt Đức truyền tải đều được học sinh tiếp nhận một cách đầy thích thú và vui vẻ.

Gần đây nhất, Việt Đức được chọn là một trong 138 cá nhân và tập thể được tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố lần 2 năm 2016.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp