21/09/2007 17:00 GMT+7

Góp thêm cách để xóa cơ chế chủ quản

Lê Vinh Triển (ĐH Ngân hàng TPHCM)Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Lê Vinh Triển (ĐH Ngân hàng TPHCM)Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nhân đọc hai bài, “Phải giải quyết dứt điểm chức năng chủ quản” của tác giả Đặng Thế Truyền và “Đụng chạm SCIC” của tác giả Hồng Phúc, tác giả Lê Vinh Triển (Đại học Ngân hàng) đã góp thêm vài ý kiến về việc hướng đến xóa cơ chế chủ quản và thúc đẩy cổ phần hóa (CPH) thông qua việc phân tích mối quan hệ giữa cổ đông nhà nước và giám đốc nói chung, và qua vài hoạt động của SCIC nói riêng.

VOgwN38C.jpgPhóng to
Nhân đọc hai bài, “Phải giải quyết dứt điểm chức năng chủ quản” của tác giả Đặng Thế Truyền và “Đụng chạm SCIC” của tác giả Hồng Phúc, tác giả Lê Vinh Triển (Đại học Ngân hàng) đã góp thêm vài ý kiến về việc hướng đến xóa cơ chế chủ quản và thúc đẩy cổ phần hóa (CPH) thông qua việc phân tích mối quan hệ giữa cổ đông nhà nước và giám đốc nói chung, và qua vài hoạt động của SCIC nói riêng.

Mối quan hệ giữa nhà nước và giám đốc DNNN-CPH

Các nghiên cứu, cũng như thực tế cho thấy, Nhà nước chi phối hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hay DNNN-CPH chủ yếu thông qua việc bổ nhiệm người quản lý điều hành (giám đốc) doanh nghiệp. Trong mối quan hệ giữa giám đốc doanh nghiệp và (cổ đông) nhà nước, có thể không diễn ra xung đột lợi ích. Tuy nhiên sự đồng nhất về động cơ hoạt động và lợi ích của nhóm này chưa chắc đã hướng đến lợi ích của công ty.

Nói cách khác, cái “bắt tay” có thể có giữa đại diện nhà nước và giám đốc doanh nghiệp dẫn đến xung đột lợi ích với các nhóm cổ đông khác, vì đây là nguyên nhân gây ra các loại chi phí người đại diện (agency costs) ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận hoặc giá trị công ty mà sau cùng, tất cả các loại cổ đông phải chịu. Tuy nhiên, vì cổ đông nhà nước chỉ là một thực thể danh nghĩa (đại diện vốn cho dân) nên các chi phí đại diện chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các cổ đông khác, nhất là nhà đầu tư nhỏ. Và đương nhiên, cũng ảnh hưởng gián tiếp lên người dân, đóng thuế cho Nhà nước.

Có thể nói, các loại chi phí phát sinh từ mối quan hệ giữa hai nhóm lợi ích trong DNNN-CPH làm giảm hiệu quả hoạt động của loại hình doanh nghiệp này có cơ sở từ việc bổ nhiệm giám đốc DNNN-CPH không dựa trên các tiêu chuẩn thị trường mà dựa trên các mối quan hệ (cục bộ, thân quen, chính trị) giữa giám đốc và Nhà nước. Người đại diện vốn nhà nước không có động lực làm lợi cho công ty, vì bản thân họ không sở hữu vốn, mà chỉ làm đại diện cho một thứ vốn “vua ban” với rất ít/thậm chí không có trách nhiệm nếu sử dụng không hiệu quả, và giám đốc cũng là các quan chức được bổ nhiệm chứ không phải được chọn lọc từ thương trường.

Sự tìm kiếm lợi ích riêng của nhóm lợi ích này (phản ảnh qua các chi phí đại diện) càng khó tránh khỏi khi cơ chế giám sát yếu kém (vốn là một đặc điểm của các thị trường đang chuyển đổi) và bị chi phối bởi tỷ trọng vốn nhà nước. Về bản chất, có thể nói, các bộ/ngành/địa phương thích “quản” vì đặc thù của mối quan hệ này. Việc cố gắng xóa cơ chế chủ quản vì thế là điều đáng làm.

Các vấn đề liên quan đặt ra

Phân tích trường hợp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), như tác giả Hồng Phúc đã nêu, SCIC đã có những thành công ban đầu, như đấu giá được vốn nhà nước trên giá sổ sách, góp phần mang về một lượng vốn lớn cho Nhà nước, thoái vốn ở nhiều công ty nhà nước CPH, góp phần thúc đẩy CPH. Người viết bài này cho rằng việc có “lãi” từ việc thoái vốn cao hơn giá sổ sách chỉ là lợi ích trước mắt, có yếu tố cơ hội cao.

Xét về mối quan hệ lâu dài của SCIC và thị trường, những ảnh hưởng không tích cực có thể phát sinh, ví dụ dù tiền thu về cho Nhà nước (một chủ thể) có thể phải được “bù” bằng thua lỗ của chủ thể đầu tư khác một khi thị trường sút giảm. Các nhà đầu tư sẽ e ngại hơn khi đầu tư vào cổ phiếu của các công ty do SCIC đấu giá... Tuy nhiên, vấn đề bàn ở đây là việc thúc đẩy CPH và hướng đến xóa cơ chế chủ quản như đã đề cập, liệu có đạt được như mong muốn.

Theo người viết bài này, mục tiêu trên khó có thể đạt được, ngay cả khi SCIC không gặp khó khăn trong việc chuyển hay “đòi” vốn từ các cơ quan chủ quản là các bộ hay địa phương, nếu SCIC không xác lập rõ một chiến lược quản trị và đầu tư mà mục tiêu phải là tạo vốn mới cho nền kinh tế và tránh không trở thành một kiểu cơ quan chủ quản mới đối với các công ty thành viên.

Thứ nhất, việc SCIC thoái vốn nhà nước ở công ty này (toàn bộ hay từng phần) rồi lại đầu tư vào công ty khác có thể bị xem là hình thức CPH không triệt để, vì SCIC tiếp tục tạo ra các công ty cổ phần có vốn nhà nước mới khi đầu tư vào các công ty khác.

Thứ hai, vì thực chất SCIC là một tổng công ty nhà nước, việc chuyển các công ty từ các đơn vị chủ quản khác về SCIC sẽ chỉ đơn thuần là chuyển “chủ quản” nếu SCIC tiếp tục can thiệp “kiểu chủ quản” (xin tham khảo bài của tác giả Đặng Thế Truyền về các kiểu can thiệp này).

Ngoài ra, nếu SCIC không quản trị dựa trên các nguyên tắc thị trường, không đặc biệt chú ý giải quyết các vấn đề cốt lõi của mối quan hệ cổ đông (SCIC) và ban lãnh đạo của các công ty thành viên thì, ngoài các chi phí phát sinh từ mối quan hệ này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty cũng như đến lợi ích của tất cả các cổ đông, sự mất kiểm soát từ SCIC đối với đơn vị thành viên (đơn vị mà SCIC kinh doanh vốn) cũng là vấn đề nghiêm trọng không kém.

Điều đó làm cho SCIC vừa không giúp doanh nghiệp CPH thoát khỏi sự “cai trị” hành chính không cần thiết (của chủ quản), vừa không cải thiện được hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp CPH (nếu cho rằng đơn vị chủ quản cũ là không hiệu quả - lý do của việc chuyển sang cho SCIC).

Một số gợi ý giải quyết

Để thực hiện đồng thời hai mục tiêu là thúc đẩy cổ phần hóa, góp phần thu hút vốn đầu tư vào nền kinh tế, đồng thời giải quyết căn bản những vấn đề phát sinh từ mối quan hệ giữa (cổ đông) nhà nước và người quản lý doanh nghiệp, tiến tới xóa cơ chế chủ quản, người viết đề nghị một số hướng tham khảo sau:

Xóa chủ quản bằng cổ phần hóa triệt để:

- Đối với các công ty còn thuộc các cơ quan chủ quản mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối, Nhà nước cần chấp nhận CPH toàn bộ (thoái hết vốn nhà nước). Từ đó giải quyết căn bản các vấn đề liên quan “chủ quản” mà việc bổ nhiệm nhân sự và can thiệp vào kinh doanh là đáng phàn nàn nhất.

- Nếu doanh nghiệp đã chuyển về SCIC, thiết nghĩ SCIC cũng cần triệt để thực hiện theo hướng này, có nghĩa là SCIC nên CPH toàn bộ các công ty mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, để các công ty này thực sự thoát hẳn mọi sự chủ quản, tự lo cho bản thân mình. Nếu chỉ đơn thuần là chuyển sang cho SCIC quản lý thì chưa giải quyết dứt điểm những ảnh hưởng từ bộ chủ quản. Hơn nữa, nếu chỉ như thế, các bộ/địa phương có thể cho rằng Nhà nước chỉ thay chủ quản công ty.

CPH và tạo vốn cho nền kinh tế: Quy trình thoái vốn - đầu tư dự án/công ty mới - thoái vốn

Riêng đối với mục tiêu CPH triệt để, cần hạn chế việc tái đầu tư vốn vào công ty khác bởi khi đó tác dụng thu hút vốn của CPH sẽ bị hạn chế. Chiến lược cần thiết nên là thoái đầu tư nhanh, dùng vốn từ thoái đầu tư thiết lập các công ty (nhà nước) mới, rồi lại thoái vốn để tạo vốn. Vấn đề đặt ra là việc phát hiện, triển khai ý tưởng đầu tư mới. Chủ trương này ngoài việc thúc đẩy CPH còn giúp SCIC tạo vốn mới trong nền kinh tế, thực hiện vai trò chủ đạo của vốn nhà nước.

Bằng việc hạn chế, kiểm soát chi phí người đại diện, SCIC tự vận động không trở thành một kiểu chủ quản mới:

- Cần xác định các doanh nghiệp CPH thành viên mà SCIC có vốn chi phối là những đơn vị kinh doanh do SCIC quản trị và điều hành, có kết quả hoạt động phản ánh kết quả hoạt động của SCIC, chứ không chỉ là những loại cổ phiếu (mục đầu tư) trong một danh mục đầu tư. Bởi vì, với tư cách là cổ đông lớn, việc tăng giảm tỷ lệ cổ phần chịu nhiều chi phối từ các quy định của thị trường, đặc biệt khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Quan trọng hơn, định hướng này là cần thiết nhằm tạo ra động cơ cải thiện tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc quản trị tại SCIC.

- Chủ động giải quyết mối quan hệ về chủ sở hữu vốn và người quản lý (giám đốc làm thuê) ở các doanh nghiệp thành viên mà Nhà nước (SCIC) có cổ phần chi phối, theo các nguyên tắc thị trường nhằm hạn chế đến mức thấp nhất chi phí người đại diện. Cụ thể hóa trách nhiệm và đặc biệt là quyền lợi của người đại diện vốn nhà nước (SCIC) tại công ty thành viên.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, thiết nghĩ, tổng công ty cần thiết lập hai hệ thống (ban) nhằm thực hiện hai việc chính: săn nhà quản trị giỏi trên thị trường cho các công ty SCIC có vốn chi phối, và giám sát mối quan hệ giữa người quản trị công ty và các cổ đông. Về nhân sự, cần đoạn tuyệt với việc bổ nhiệm thông qua các quan hệ phi thị trường; chủ động chống lại việc áp đặt bổ nhiệm người đại diện cũng như giám đốc các doanh nghiệp thành viên từ các bộ ngành khác; gắn lợi ích của giám đốc và công ty bằng cổ phiếu, bằng các hình thức động viên gắn với kết quả kinh doanh của công ty. Không can thiệp bằng biện pháp hành chính vào công việc quản lý công ty.

Thực hiện triệt để các nguyên tắc này, ngoài việc hạn chế chi phí người đại diện ở các công ty thành viên, SCIC còn có thể tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực trong điều kiện phải quản lý hàng trăm/ngàn công ty với các loại hình, chức năng khác nhau. Chỉ khi các nguyên tắc nhân sự và kiểm soát như vậy được thực hiện, SCIC mới không trở thành một kiểu “chủ quản mới”, việc xóa chủ quản mới thực sự là hiện thực.

Lê Vinh Triển (ĐH Ngân hàng TPHCM)Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp