Google chiếm phần bánh quá lớn của giới truyền thông - Ảnh minh họa
Google sẽ trả phí cho các "nội dung chất lượng cao" của các hãng tin địa phương tại Úc, Đức và Brazil, theo thông báo của ông trùm công nghệ của Mỹ hôm 25-6. Những thông tin này được đăng trên dịch vụ mới của Google chính thức ra mắt cuối năm 2020 trên nền tảng News và Discover (dịch vụ cập nhật tin tức của Google trên điện thoại di động).
Ông Brad Bender - phó chủ tịch Google phụ trách sản phẩm - cho biết đã thảo luận từ nhiều tháng qua với các hãng truyền thông đối tác - trong đó có Tập đoàn Spiegel tại Đức, Hãng truyền thông Schwartz tại Úc và Diarios Associados của Brazil.
Thông báo cho biết Google cũng sẽ đề xuất được thanh toán phí truy cập cho người dùng muốn đọc các bài viết phải trả tiền trên trang web của một hãng truyền thông.
Ông Bender cũng cho biết dựa trên sáng kiến Google News hồi năm 2018, là một dự án trị giá 300 triệu USD nhằm chống lại tin giả trên mạng và giúp các trang mạng thông tin tìm được nguồn tài chính.
Tuy vậy, có bình luận rằng quyết định này "giống như sự nhượng bộ của Google hơn là chính sách chung sắp tới của hãng". Thông báo trên được đưa ra sau khi nổ ra các cuộc chiến pháp lý tại Pháp và Úc về việc Google từ chối thanh toán cho các hãng truyền thông khi nội dung tin tức do họ sản xuất xuất hiện trên trang Google.
Từ trước tới nay, dịch vụ Google News mỗi ngày vẫn quét tin tức từ các trang tin, báo điện tử và dẫn về trên nền tảng của mình nhưng không trả phí. Thậm chí tư duy của hai "ông lớn" Google và Facebook còn cho rằng việc làm này là một "đặc ân" đối với báo chí địa phương vì đã giúp mang lại lượng view không nhỏ cho các báo.
Vì thế, nhiều hãng truyền thông châu Âu và toàn cầu - trong đó có Hãng tin AFP - đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thông qua luật yêu cầu các công ty Internet thanh toán nhuận bút sử dụng tin tức mà họ sản xuất. Tháng 4 vừa qua, Cơ quan Quản lý cạnh tranh của Pháp cho biết Google phải bắt đầu thanh toán cho các hãng truyền thông khi hiển thị tin tức của họ.
Tại Đức có các tờ Der Spiegel, Die Zeit, Frankfurter Allgemeine Zeitung đã ký kết; tại Úc là The Conversation và Private Media; còn Brazil có thêm A Gazeta. Thậm chí một số quốc gia khác sẽ sớm tham gia cuộc "lấy tiền từ Google", trong đó có Hà Lan. Có thông tin cho biết Google đã đề nghị hợp tác với các tờ báo lớn của Pháp gồm Le Monde, Le Figaro, Les Echos-Le Parisien và Ouest France nhưng chưa đi đến kết quả.
Các thông tin cho biết số tiền Google chi trả sẽ vào khoảng vài trăm ngàn euro. Google đưa ra nhiều phương án hợp tác, nhưng có vẻ để lấy tiền của ông trùm này cũng đầy khó khăn. Chẳng hạn, mới nhất là ngày 26-6, chi nhánh của Google tại Úc lên tiếng khẳng định sẽ không trả tiền cho những tin tức xuất hiện trong các tìm kiếm trên trang Google.
Bà Melanie Silva - giám đốc Google Australia - cho biết các thỏa thuận mà họ thông báo ngày trước sẽ chỉ giới hạn trong một ứng dụng mới mà Google sẽ ra mắt vào cuối năm và không bao gồm các tin tức xuất hiện trong các tìm kiếm trên trang Google.
Bà Silva nhấn mạnh đó là một sản phẩm hoàn toàn mới, trong đó Google cũng sẽ trả tiền thay cho người dùng khi truy cập các nội dung mất phí.
4 tỉ USD
Đó là số tiền Google và Facebook đã bỏ túi mỗi năm từ quảng cáo tại Úc, theo ước tính của ACCC.
Facebook không chịu chia sẻ doanh thu quảng cáo
Úc đã đưa ra các kế hoạch nhằm buộc những công ty công nghệ lớn chia sẻ doanh thu quảng cáo trong nội dung tin tức trên các công cụ tìm kiếm. Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Úc (ACCC) ước tính mỗi năm Google và Facebook đã "bỏ túi" tổng cộng khoảng 6 tỉ AUD (4 tỉ USD) từ quảng cáo tại Úc.
Các hãng truyền thông lớn của Úc đã yêu cầu hai công ty này phải trả tối thiểu 10% khoản tiền này cho các hãng tin tức địa phương. Tuy nhiên, cả Google và Facebook đều phản đối kịch liệt việc phải nộp các khoản phí bắt buộc, đồng thời cho rằng họ đã đầu tư hàng triệu USD vào các sáng kiến giúp ngành tin tức đang gặp khó khăn của Úc tồn tại.
Nhưng trong văn bản trình ACCC ngày 15-6, Facebook đã bác bỏ yêu cầu của Chính phủ Úc cũng như các tập đoàn truyền thông nước này về việc chia sẻ doanh thu quảng cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận