17/09/2021 08:06 GMT+7

Gồng mình 'giữ đơn hàng bằng mọi giá' trong nước sôi lửa bỏng

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Ròng rã 2 tháng trời áp dụng "3 tại chỗ", nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM gồng gánh chi phí để vẫn giữ sản xuất, giữ đơn hàng nhưng không ít doanh nghiệp đành tạm dừng vừa sản xuất, vừa lưu trú vì đã quá sức chịu đựng của công nhân.

Gồng mình giữ đơn hàng bằng mọi giá trong nước sôi lửa bỏng - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đề nghị có phương án thay thế "3 tại chỗ". Trong ảnh: sản xuất tại một công ty ở quận 7 (TP.HCM) chuyên về khuôn mẫu và sản phẩm nhựa kỹ thuật cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Tròn 2 tháng áp dụng mô hình sản xuất "3 tại chỗ", Công ty CP sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi tại KCN Cơ khí Ôtô TP.HCM vẫn duy trì được đội ngũ nhân sự lẫn tiến độ các đơn hàng.

Giữ đơn hàng bằng mọi giá

Ông Lê Mai Hữu Lâm - tổng giám đốc Cát Vạn Lợi - cho biết dù khó khăn trăm bề, chi phí đội lên quá lớn, công ty vẫn phải duy trì sản xuất bởi có những đơn hàng "không thể trì hoãn", nhất là các đơn hàng xuất khẩu hoặc các dự án lớn như nhà máy lọc hóa dầu dầu Long Sơn, dự án Metro TP.HCM...

"Các quốc gia họ cũng dịch bệnh giống mình, họ chỉ thông cảm phần nào đó thôi, không thể giải thích thế này thế kia được, mình vẫn phải gắng để mà đảm bảo tiến độ và giữ cho được từng đơn hàng" - ông Lâm nói.

Trong suốt 60 ngày duy trì "3 tại chỗ", ông Lâm cho biết cái khó nhất là ổn định tâm lý cho công nhân để họ an tâm làm việc trong nhà xưởng bởi "họ vẫn còn con cái, gia đình bên ngoài đang gặp khó khăn".

Do đó, theo ông Lâm, công ty một mặt đảm bảo lương thưởng, phụ cấp cho công nhân, mặt khác, cho xe về tận nhà trọ của những công nhân khó khăn để tặng quà, "tiếp tế" thực phẩm, giúp công nhân an tâm ở lại nhà xưởng.

"Thời điểm nước sôi lửa bỏng này tôi không còn đặt mục tiêu hàng đầu là lợi nhuận nữa mà bây giờ là làm sao không bị đứt gãy, phải duy trì sản xuất an toàn, duy trì công nhân mới là điều quan trọng" - ông Lâm kể.

Theo vị tổng giám đốc này, ban đầu vận động công nhân vào sản xuất chỉ đặt vấn đề "3 tại chỗ" chỉ 15 ngày, song cứ mỗi lần TP lùi thời điểm nới giãn cách, công ty lại phải làm công tác tư tưởng công nhân để họ không nản lòng. May mắn là công ty không có F0 nên công nhân cũng an tâm, sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp lúc gian khó.

Theo ông Lâm, tại KCN Cơ khí Ôtô TP.HCM trước đây có cả chục công ty đăng ký "3 tại chỗ", song sau một thời gian áp dụng cũng "rơi rụng" dần dần, đến nay chỉ còn vài công ty còn gồng mình duy trì sản xuất.

Còn với Bin Coporation Group - Tập đoàn đa ngành với 10 công ty trực thuộc bao gồm One IBC chuyên tư vấn đầu tư quốc tế, với hơn 200 nhân viên làm việc tại Việt Nam đã chủ động sắp xếp cho nhân viên làm việc tại nhà từ những ngày đầu dịch bùng phát mạnh.

CEO Lê Hùng Anh đã tiết lộ cách mà tập đoàn này đương đầu với đại dịch từ việc tạo ý thức cho người lao động không hoang mang, bình tĩnh đối phó, và "vẫn trả đầy đủ lương, thưởng đúng hạn".

Dù làm việc từ xa, Bin Corporation Group, liên tục thực hiện nhiều hình thức động viên, tiếp sức tinh thần cho tập thể nhân viên như tiêm vacxin, hỗ trợ thực phẩm, lương thực thiết yếu…

Trụ sở chính của doanh nghiệp tạm đóng cửa, tất cả nhân viên đều chuyển sang làm việc trực tuyến, vừa đảm bảo phục vụ khách hàng hiện có, vừa chuẩn bị cho những dự án dài hơi, đáp ứng trạng thái bình thường mới hậu COVID-19.

Sau đại dịch, BIN Corporation Group đề ra mục tiêu mở rộng và đẩy mạnh các hoạt động trên thị trường quốc tế trong nhiều lĩnh vực: tư vấn thành lập doanh nghiệp, tư vấn tài chính, visa online, tư vấn định cư, du lịch, bất động sản, tiếp thị kỹ thuật số...

Gồng mình giữ đơn hàng bằng mọi giá trong nước sôi lửa bỏng - Ảnh 2.

Thủy sản là một ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch COCID-19. Trong ảnh là công nhân một nhà máy ở Sóc Trăng chế biến tôm xuất khẩu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Thận trọng chờ mô hình mới

Ngay từ đầu đã áp dụng "3 tại chỗ", duy trì sản xuất được một thời gian dài nhưng đến cuối tháng 8 vừa qua, các công nhân của Công ty TNHH SX&TM tân Quang Minh (Bidrico) tại KCN Vĩnh Lộc buộc phải tạm ngưng sản xuất, lưu trú tập trung.

Ông Nguyễn Đặng Hiến - tổng giám đốc công ty - cho biết đội ngũ người lao động của doanh nghiệp đã rất nỗ lực để duy trì sản xuất "3 tại chỗ", tuy nhiên do đây là doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, sức tiêu thụ của thị trường giảm sâu nên doanh nghiệp phải "tính lại", không thể tiếp tục duy trì mô hình này.

Theo ông Hiến, sức chịu đựng, tâm lý của công nhân "đã đến giới hạn" nên công ty buộc phải cho công nhân trở về lại gia đình.

Tới đây, khi TP áp dụng các mô hình sản xuất mới, công ty mới tính toán tái hoạt động, nhưng "sẽ không vội vàng áp dụng sản xuất ngay" theo các tiêu chí như trước mà sẽ có một "độ lùi" 2 tuần để chuẩn bị, quan sát.

"Chúng tôi xác định sẽ tái sản xuất trễ hơn mốc quy định của TP khoảng 2 tuần vừa để chuẩn bị các nguồn lực, quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe, tâm lý của công nhân để hoạt động trở lại an toàn" - ông Hiến nói.

Trong khi đó, ông Trần Việt Anh - tổng giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn - cho biết công ty này cũng đã áp dụng "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất, duy trì đơn hàng thời gian qua, song quy mô công nhân lưu trú tại nhà xưởng phải giảm xuống. 

Gồng mình giữ đơn hàng bằng mọi giá trong nước sôi lửa bỏng - Ảnh 3.

Một doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" và ổn định sản xuất trong nhiều tuần nay - Ảnh: A LỘC

 Theo ông Việt Anh, công ty đã có sự chuẩn bị điều kiện mới đó là phần lớn người lao động đã tiêm 2 mũi vắc xin, do đó khoảng cuối tháng 9 đã đặt mức thời gian sinh kháng thể để phần lớn lao động của doanh nghiệp là lao động "xanh". Do đó, công ty này đang chuẩn bị các điều kiện để tái sản xuất theo mô hình mới, trong đó cốt lõi vẫn là đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng dịch.

Tuy nhiên, ông Việt Anh cho rằng cần giao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp nhiều hơn, nhà nước không nên "ôm" hết về mình.

"Các doanh nghiệp sẽ tự xây dựng một quy trình kiểm soát, phòng dịch một cách chặt chẽ hơn để vẫn đảm bảo 5K, tiếp tục áp dụng xét nghiệm thường xuyên tại doanh nghiệp, chi phí do doanh nghiệp chi trả, quan trọng là TP cần sớm ban hành để doanh nghiệp chuẩn bị để sớm tái sản xuất" - ông Việt Anh nói.

Chuẩn bị nguồn lao động "xanh"

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện ban quản lý Khu công nghệ cao TP - cho biết toàn khu đã tiêm vắc xin mũi 2 cho khoảng 18.000 người lao động đang duy trì sản xuất. Dự kiến trong tuần này tiếp tục tiêm mũi 2 cho khoảng 30.000 lao động còn lại. Đến tháng 10, Khu công nghệ cao TP sẽ có khoảng 95% lao động đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và đủ thời gian sinh kháng thể, một trong những tiêu chí quan trọng để tái sản xuất.

Theo vị này, vừa qua các doanh nghiệp trong khu vẫn duy trì sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" đảm bảo đơn hàng, song các doanh nghiệp phải gánh một chi phí quản trị quá lớn khi có những doanh nghiệp thuê khách sạn 4-5 sao cho hàng ngàn công nhân lưu trú. Do đó, vị này cho biết các doanh nghiệp vừa "nóng lòng", vừa kỳ vọng TP có cơ chế để thay đổi mô hình sản xuất an toàn, khôi phục dần dần quy mô hoạt động của mình khi đã đảm bảo các tiêu chí về y tế.

Theo kế hoạch phục hồi kinh tế của TP.HCM, Khu công nghệ cao TP sẽ là một trong những nơi thí điểm sớm tái sản xuất, trong đó sẽ áp dụng thẻ xanh COVID-19 cho lao động đã tiêm 2 mũi vắc xin.

photo-1

Chuyên mục Nhịp sống thương trường với sự đồng hành của One IBC, công ty cung cấp các dịch vụ tài chính, thuế, đăng ký kinh doanh, đầu tư trong nước và quốc tế.

Quyết giữ ánh đèn sáng trong nhà máy Quyết giữ ánh đèn sáng trong nhà máy

TTO - Đứng trước lựa chọn đóng cửa hay tiếp tục sản xuất, hông ít doanh nghiệp đành chấp nhận ngủ đông, cũng không ít ông chủ vượt lên nghịch cảnh, vừa sản xuất, vừa cách ly.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp