07/12/2016 18:59 GMT+7

​Gồng mình chịu trận lũ chồng lũ

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Xã Phước Thuận, một trong những xã ở khu đông huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) đã phải hứng chịu ba trận lũ liên tiếp trong chỉ hơn một tháng. Người dân nơi đây hầu như kiệt sức với lũ.

Bà Phan Thị Hồng ở thôn Nhân Ân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) cùng con gái dọn đống đổ nát sau khi ngôi nhà của gia đình bị lũ giật sập tối 5-12 - Ảnh: DUY THANH
Bà Phan Thị Hồng ở thôn Nhân Ân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) cùng con gái dọn đống đổ nát sau khi ngôi nhà của gia đình bị lũ giật sập tối 5-12 - Ảnh: DUY THANH

Ngày 7-12, để đi được từ thị trấn Tuy Phước đến UBND xã Phước Thuận trên đường tỉnh 640, chúng tôi phải “tăng bo” bằng xe tải Chiến Thắng bởi hai bờ tràn cầu 15, tràn Huỳnh Mai và hai đoạn đường thấp đã ngập sâu trong lũ.

Dù đi trên xe tải rất cao, nhưng ai nấy đều thót tim mỗi khi xe lắc lư nhích từng tấc đường đã bị hai cơn lũ trước tàn phá hư hỏng, nước chảy ồ ạt bên dưới…

Lũ giật sập nhà

Tôi lên chiếc xuồng nhôm của một người dân, rẽ lũ, đội mưa đi về phía thôn Nhân Ân, một trong những thôn bị “ngâm” trong lũ nặng nề nhất xã. Nước lũ mênh mông, xóm làng trông như ốc đảo…

Bên con lạch nước chảy ầm ào, ngôi nhà của vợ chồng ông Đinh Văn Tiền và bà Phan Thị Hồng đã đổ sập hoàn toàn, trơ gạch, vữa, đòn tay…

Bà Hồng kể: tối 5-12, nước lũ đổ về ngập nhà gần tới đầu gối. Giữa cơn mưa nặng hạt, nghe ngôi nhà “cựa” răng rắc, vợ chồng bà và ba đứa con vội tháo chạy ra ngoài.

“Trong phút chốc, ngôi nhà đổ sập hoàn toàn trước mắt chúng tôi. Cả nhà dắt díu nhau, lội lũ qua nhà bà Vân bên cạnh ở nhờ qua đêm” - bà Hồng kể.

Đến sáng 7-12, lũ rút bớt, cả nhà bà Hồng lại kéo về nhà cậu con trai ở sát nhà tá túc. Gia đình bà Hồng là hộ nghèo của xã, vợ chồng bà làm thuê làm mướn nuôi con, giờ nhà sập không biết lấy gì để xây lại.

Bà Võ Thị Bích Dung ở thôn Nhân Ân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) thất thần bên ngôi nhà bị lũ giật sập hoàn toàn - Ảnh: DUY THANH
Bà Võ Thị Bích Dung ở thôn Nhân Ân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) thất thần bên ngôi nhà bị lũ giật sập hoàn toàn - Ảnh: DUY THANH

Cách nhà bà Hồng khoảng 300m, ngôi nhà xây cấp bốn, có hàng hiên đúc bằng bê tông cốt thép của ông Nguyễn Thanh Xuân cũng bị sập hoàn toàn.

Bà Võ Thị Bích Dung, vợ ông Xuân, rơi nước mắt bên ngôi nhà đổ nát: “Tối 3-12, lũ ập vô, chảy rất xiết. Vợ chồng tôi vừa đưa người cha già 87 tuổi sang nhà hàng xóm cao hơn tá túc quay về thì nhà mình đổ ầm ầm. May ba đứa con trong nhà cũng chạy ra kịp nên không thương vong, nhưng đồ đạc, tài sản trong nhà bị ướt, hư hỏng hết".

"Giờ cả gia đình chia nhau sang nhà hàng xóm ăn nhờ ở đậu, nhưng chúng tôi cũng chưa biết sau lũ rồi lấy gì làm lại mái nhà chui vô chui ra, trong khi vợ chồng đều đau bệnh, cha già yếu, con nhỏ…”.

Ngôi nhà của anh Phan Văn Quá ở thôn Nhân Ân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) bị ngập nặng - Ảnh: DUY THANH
Ngôi nhà của anh Phan Văn Quá ở thôn Nhân Ân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) bị ngập nặng - Ảnh: DUY THANH

Kiệt quệ vì lũ dồn dập

Cũng ở thôn Nhân Ân, ngôi nhà của anh Phan Văn Quá bị ngập gần nửa thước nước. Mẹ già, vợ con được anh chèo xuồng chuyển đến nhà người thân ở vùng cao ráo tránh lũ, riêng anh “bám trụ” lại để giữ số heo, vịt còn lại.

Anh Quá cho biết đợt lũ đầu tháng 11-2016, bảy con heo lứa của gia đình cùng 400 con gà thịt bị nước cuốn đi hết.

“Tưởng qua 23 tháng 10 âm lịch là hết lũ lụt, tôi mới mua 2.000 con gà con về thả lại thì đợt lũ ngày 3-12 cuốn sạch đàn gà con này. Giờ tôi ở đây canh hai con heo nái, 200 con vịt thịt mà bụng dạ lúc nào cũng thấp thỏm vì nước lũ chiều nay đang lên. Mất cả trăm triệu đồng rồi, không biết lũ qua rồi lấy vốn đâu chăn nuôi nữa” - anh Quá lo lắng.

Ông Võ Thanh Tuấn buồn rầu ngồi trên nóc trang trại bị ngập chìm trong lũ, khiến đàn vịt thịt 600 con của gia đình ông trôi mất - Ảnh: DUY THANH
Ông Võ Thanh Tuấn buồn rầu ngồi trên nóc trang trại bị ngập chìm trong lũ, khiến đàn vịt thịt 600 con của gia đình ông trôi mất - Ảnh: DUY THANH

Cạnh đó, trại nuôi vịt kiên cố, mái lợp ngói của ông Võ Thanh Tuấn cũng chìm lút trong nước lũ, làm đàn vịt hơn 600 con của gia đình ông “trôi” tuột theo dòng nước từ đêm 5-12…

Chiều 7-12, những con đường vào thôn Phổ Trạch ở xã Phước Thuận cũng đang ngập chìm trong lũ dữ. Hai vợ chồng anh Nguyễn Thành Kính, chị Trương Thị Thủy và cậu con trai vội vã khiêng mấy bao lúa cùng nhiều vật dụng của gia đình kê lên bàn, ghế khi nước lũ đã tràn vào nhà gần tới gối.

“Đợt lũ trước nước vô nhanh quá, mấy bao lúa giống dành gieo sạ vụ đông xuân bị ngập, cứu không kịp, hư luôn. Hai đợt này thì nước cứ vô nhà “nằm” 2-3 ngày, vừa rút ra, mới dọn xong thì lại ập vào tiếp, còn đường sá thì ngâm luôn cả tuần lễ. Cả xóm này muốn đi lại phải dùng xuồng, rất nguy hiểm, nhưng vẫn phải đi vì cần lương thực, thực phẩm bổ sung chớ ở miết trong xóm lấy gì ăn!” - anh Kính.

Trên những con đường nước lũ tràn qua, nhiều người dân vẫn cố gắng chạy xe máy để về nhà - Ảnh: DUY THANH
Trên những con đường nước lũ tràn qua, nhiều người dân vẫn cố gắng chạy xe máy để về nhà - Ảnh: DUY THANH

Đi cùng chúng tôi vào vùng lũ, ông Trương Đình Tiến - phó chủ tịch UBND xã Phước Thuận - cho biết xã có tám thôn thì hết sáu thôn đang bị lũ chia cắt, cô lập hoàn toàn.

“Phước Thuận là một trong những vùng “rốn lũ” của Tuy Phước, nhưng chưa bao giờ gặp cảnh phải chống chọi với ba cơn lũ với mức ngập nặng tương tự nhau như vậy. Tài sản, nhà cửa, vườn tược, lúa giống của nông dân bị hư hỏng, còn đìa nuôi tôm cá bị trôi mất. Chính quyền rất lo sau lũ dân sẽ đói nặng, vì cứ hứng lũ mãi thế này, sức dân có khỏe đến đâu cũng kiệt quệ” - ông Tiến nói.

Chiều muộn, khi chúng tôi rời xuồng để trở lại chiếc xe Chiến Thắng “tăng bo” qua các tràn ngập lũ về lại thị trấn Tuy Phước, vẻ mặt ông Tiến không giấu được lo âu khi nhận thông tin nước lũ hạ lưu sông Kôn đã vượt mức báo động 3, mốc nước lũ đo được ở địa phương cao hơn ban sáng hơn 10cm…

Để về nhà, nhiều người dân đã đánh liều băng qua dòng nước lũ chảy rất xiết. Ảnh chụp tại tràn Tân Thuận (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) trưa 7-12 - Ảnh: Duy Thanh
Để về nhà, nhiều người dân đã đánh liều băng qua dòng nước lũ chảy rất xiết. Ảnh chụp tại tràn Tân Thuận (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) trưa 7-12 - Ảnh: Duy Thanh

Đã có 11 người Bình Định chết vì lũ

Cuối chiều 7-12, báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết trong ngày có hai người chết do lũ là bà Nguyễn Thị Ảnh (55 tuổi, ở xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn), và 6một người mất tích là anh Đinh H’Rát (25 tuổi, ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh).

Như vậy, từ đầu tháng 11-2016 đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã có 12 người chết, một người mất tích do mưa lũ.

Cũng theo thông báo trên, tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều bị ngập lụt, lũ chia cắt. Nhiều nhà dân ở các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn ngập sâu 1-1,5m nước. Dự báo ngày 8-12, ở Bình Định còn có mưa to đến rất to, lũ các sông tiếp tục lên.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp