Người Quảng Nam vẫn gọi Thu Bồn là “sông mẹ”. Sông mẹ Thu Bồn không chỉ ban phát cá tôm, phù sa đầy ắp, mà hạ nguồn dòng sông này còn là cái nôi của nhiều làng nghề nức tiếng như làng trầm Nông Sơn, làng dệt vải Tằm Tang (Duy Xuyên), làng gốm Thanh Hà (Hội An)…

Đến nay, nhiều làng nghề truyền thống vì nhiều lý do đã mai một, mất đi, nhưng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP Hội An) đã biết tận dụng để kết hợp phát triển làng nghề với du lịch.

Lễ giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà được người dân địa phương tổ chức vào ngày 10-7 âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động thú vị như lễ rước kiệu, đua thuyền, kéo co, thi chuốt gốm. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách - Video: NGUYỄN HIỀN

Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hào, cán bộ UBND phường Thanh Hà (Hội An), những ngày qua bận rộn với lễ giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà. Một nghi lễ đơn sơ, trang trọng vốn được tổ chức hàng năm, nằm lọt thỏm trong hàng chục hội lễ của Di sản văn hóa Hội An nhưng với người làm gốm và con dân Thanh Hà thì đó là đại lễ, con em đi làm ăn dù xa mấy vẫn cố gắng tìm về.

Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 3.

Dịp lễ giỗ tổ nghề năm nay (10-7 âm lịch), gốm Thanh Hà đón nhận niềm vui lớn khi chính thức được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và chúng tôi may mắn có mặt ở Thanh Hà đúng vào những ngày này.

Phó chủ tịch UBND phường Thanh Hà - ông Trương Hướng - cho biết trong lịch sử hình thành và tồn tại của mình, gốm Thanh Hà gắn liền với sự hưng thịnh của di sản Hội An. Có những giai đoạn tưởng chừng như cái tên gốm Thanh Hà đã không còn tồn tại bởi sức ép của kinh tế thị trường.

Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 4.

Theo tư liệu ghi chép lại, làng gốm này có từ khoảng 500 năm trước. Trong quá khứ, gốm Thanh Hà chuyên sản xuất các sản phẩm thông thường trong đời sống như bùng binh (dụng cụ tiết kiệm tiền xu tương tự như heo đất), nồi đất, bình lu… 

Tuy nhiên những năm sau 1980 trở đi, thị trường tiêu thụ gốm dân dụng bị bóp nghẹt bởi sự đổ bộ của các đồ dùng bằng nhôm, sắt, nhựa.

Do không thể cạnh tranh nổi nên những năm trước 2000 làng nghề gốm Thanh Hà dần chuyển qua nghề làm gạch, ngói âm dương. Nghề này dù thu nhập không cao nhưng vẫn giúp bà con có cái ăn, bám được cái nghề vốn đã được tiền hiền truyền lại qua trăm năm suy biến, hưng thịnh.

Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 5.

Năm 2001, một thử thách chưa từng có đã xảy đến với làng gốm Thanh Hà. 

Hai năm sau khi Hội An được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa nhân loại, tỉnh Quảng Nam và chính quyền TP Hội An quyết tâm biến Hội An thành thành phố du lịch, định hướng phát triển xanh. 

Những cột khói nồng nặc mùi đất nung ùn lên ở làng gốm Thanh Hà được đặt lên bàn làm việc của chính quyền. Không thể để một ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường tồn tại ngay sát hông phố cổ, chính quyền đã yêu cầu chuyển đổi ngành nghề, vận động người Thanh Hà tìm hướng sản xuất khác.

Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 6.
Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 7.

Bảo tồn nét thô mộc, truyền thống của gốm Thanh Hà là cách để phát triển du lịch địa phương - Video: NGUYỄN HIỀN

Cuộc "trở bộ" của gốm Thanh Hà ngoài sự lan tỏa của du lịch thì vai trò của nỗ lực và chính sách của chính quyền địa phương là rất lớn.

Phường Thanh Hà có khoảng 15.000 dân, đa phần làm nông, dịch vụ. Gốm Thanh Hà dù qui mô, diện tích không lớn nhưng mang một ý nghĩa về văn hóa, di sản vô cùng quan trọng. 

Bởi vậy, cùng với chính sách mở rộng du lịch ra vùng ven, Đảng ủy, chính quyền phường Thanh Hà đã tìm mọi cách để kết nối doanh nghiệp, tận dụng các chương trình tập huấn, tìm hiểu các làng nghề truyền thống để đưa các nghệ nhân đi học hỏi. 

Để giữ làng nghề không "trật hướng", một bộ quy chế riêng dành cho làng gốm Thanh Hà cũng được đề thảo, tham vấn cộng đồng, rồi tới nay trở thành hương ước, nguyên tắc làm nghề và ứng xử chung với sự tham gia của chính quyền.

Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 9.

Số liệu của Trung tâm Văn hóa thể thao - truyền thanh truyền hình Hội An cho thấy đỉnh điểm 2019 làng gốm Thanh Hà thu hút tới hơn 650.000 lượt khách tham quan. 

Ít ai có thể ngờ tới, một làng nghề không quá qui mô, sản phẩm cũng gói gọn trong những đồ dùng thường ngày và từng chỉ còn lại 8 cơ sở sản xuất đã lột xác và trở thành một điểm đến nổi tiếng, với tổng doanh thu từ bán vé tham quan làng năm 2019 đạt 24-25 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Nhật - chủ tịch UBND phường Thanh Hà - giai đoạn khó khăn nhất làng gốm Thanh Hà chỉ còn lại đúng 8 hộ gia đình còn theo nghề gốm. Gần như các lò đều đã tắt lửa, người làm gốm bỏ nghề đi các nơi tìm công việc khác. 

Bước ngoặt lớn nhất đến vào những năm 2015 sau nhiều thời gian khó khăn trở mình chuyển đổi. Du lịch Hội An bùng nổ kéo theo lượng khách khắp thế giới đổ về.

Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 10.

Khi khách tăng vọt, Hội An cho mở rộng địa điểm tham quan, du lịch làng nghề được đưa vào tầm ngắm. 

Thanh Hà được nhắc đến nhiều nhất bởi mọi sự chuẩn bị đã đủ, các lò nung gạch ngói ô nhiễm đã được thay thế bằng lò điện, nghệ nhân được cho đi học tiếng Anh, học các khóa nghiệp vụ về đón tiếp, phục vụ du khách, các cơ sở làm gốm được kê dọn lại để vừa làm gốm vừa đón khách tham quan. 

Thay vì chỉ làm gốm và thu nhập một bề, nghệ nhân Thanh Hà đã học cách làm "hai vai" khi vừa là người diễn xướng, vừa là chủ thể để giới thiệu, thuyết trình cho du khách.

Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 11.

Bà Phạm Thị Mỹ Dung - chủ cơ sở gốm Sơn Thúy - là tay thợ nữ nổi tiếng và được phong thợ giỏi nhiều lần ở làng gốm Thanh Hà bồi hồi kể lại: Bà sinh ra ở Cẩm Nam (cách Thanh Hà một con sông), năm 17 tuổi bà "vượt sông" về làm dâu Thanh Hà, lấy là ông Nguyễn Viết Sơn làm chồng. Nhà chồng có nghề truyền thống làm gốm nhiều đời.

"Quá nửa đời người làm dâu con Thanh Hà, đến hôm nay, tôi vẫn không hình dung nổi làng nghề lại "sống lại tươi mới" và được khách tìm tới nhiều, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước như hiện nay" - bà Dung tâm sự.

Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 12.

"Cũng nhờ du lịch mà có tất cả. Chúng tôi thay đổi, thích ứng và chấp nhận cái mới, làm những sản phẩm vừa truyền thống vừa hiện đại. Nhưng chính du khách cũng là người dạy cho chúng tôi nhiều thứ, mà thứ quan trọng nhất là sự thay đổi cho phù hợp" - bà Dung nói.

Từ bên bờ vực biến mất, gốm Thanh Hà đã "trở bộ" thành công, hiện toàn làng nghề có 32 cơ sở đã duy trì sản xuất trở lại.

Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 13.
Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 14.

Anh Nguyễn Viết Lâm là một người trẻ vẫn nuôi đam mê với nghề gốm của ông cha và không ngừng tiếp nhận cái mới để gốm Thanh Hà có thể “sống” trong cuộc sống hiện đại - Video: NGUYỄN HIỀN

Theo UBND phường Thanh Hà, nhờ đỏ lửa làng nghề để lưu giữ nét truyền thống tiền hiền mà tới nay gốm Thanh Hà đã có 6 nghệ nhân ưu tú, hai thợ giỏi. Làng nghề ấm nóng trở lại cũng đã kéo theo lượng lao động hồi hương, trong số này có nhiều người trẻ học hành đầy đủ và ở lại quê nhà để kế nghiệp tổ tiên.

Nghệ nhân Nguyễn Ngữ (85 tuổi) cùng người vợ và hai con hiện vẫn giữ nghề gốm. Cở sở của ông Ngữ chủ yếu vẫn làm đồ truyền thống bằng phương thức thủ công như chum, lọ, nồi đất… 

Dù số lượng, mẫu mã không lớn nhưng ông vẫn vui bởi vào cuối đời ít nhất ông vẫn thấy gốm Thanh Hà còn đỏ lửa. Cái vui hơn, giờ đây những người làm gốm ở làng nghề này không chỉ có thu nhập từ làm nghề mà còn có khoản "lương" trích lại từ tiền bán vé tham quan du lịch, sử dụng dịch vụ.

Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 16.

Ngoài các nghệ nhân lớn tuổi, làng gốm Thanh Hà hiện nay đang chứng kiến sự kế nghiệp đầy tươi mới của các người trẻ. 

Bà Phạm Thị Mỹ Dung cho biết nghệ nhân Nguyễn Thị Được là mẹ chồng bà, và là người nặn gốm nổi tiếng được các kênh truyền thông thế giới tới ghi hình, phỏng vấn. Nay, vợ chồng người con trai cả của bà và ông Sơn cũng đã quyết định ở lại làng nối nghiệp ba mẹ.

Nguyễn Viết Lâm (24 tuổi) - con trai cả của bà Dung - cho biết đã theo ba mẹ làm gốm từ năm 13 tuổi. Sau khi học xong 12, Lâm quyết định ở lại làng để thay ba giữ lửa lò nung. 

Nhờ tư duy nhanh nhẹn của một người trẻ, Lâm lên mạng tìm hiểu các xu hướng mới, mở kênh mua bán sản phẩm trên Zalo, Facebook, các trang thương mại điện tử. Người vợ của Lâm cũng theo chồng làm việc tại cơ sở gốm truyền thống gia đình.

Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 17.

Ở Thanh Hà, nhiều gia đình có con em đi học đại học rồi cũng theo tiếng gọi tổ nghề để quay lại đạp khuôn, nặn đất như trường hợp gia đình ông Ngụy Trung. Ngoài nhiều đời bám nghề, hiện nay gia đình ông Trung đã truyền nghề cho hai người con. Đó là Ngụy Nguyễn Trần Phương Thảo (26 tuổi) và người con trai mới tốt nghiệp đại học ngành du lịch là Ngụy Nguyễn Khôi Nguyên (23 tuổi).

Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 18.
Gốm Thanh Hà - di sản bên dòng sông mẹ Thu Bồn - Ảnh 19.


THÁI BÁ DŨNG
NGUYỄN KHÁNH
NGUYỄN HIỀN
HẢI PHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp