10/10/2015 08:04 GMT+7

Gọi vốn tư nhân chống ngập bằng cách nào?

NHƯ BÌNH - NGỌC ẨN (nhubinh@tuoitre.com.vn)
NHƯ BÌNH - NGỌC ẨN ([email protected])

TT - TP.HCM cần tối thiểu khoảng 60 tỉ USD để phát triển hạ tầng giao thông, nhưng việc huy động nguồn vốn tư nhân không đạt kết quả như kỳ vọng...

Các đại biểu tham gia hội thảo về giải pháp huy động vốn xã hội hóa cho các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, do Sở KH - ĐT và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM tổ chức - Ảnh: Thuận Thắng
Các đại biểu tham gia hội thảo về giải pháp huy động vốn xã hội hóa cho các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, do Sở KH - ĐT và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM tổ chức - Ảnh: Thuận Thắng

Từ đây đến năm 2020, TP.HCM cần tối thiểu khoảng 60 tỉ USD để phát triển hạ tầng giao thông, giải quyết tình trạng quá tải hiện nay, nhưng việc huy động nguồn vốn tư nhân không đạt kết quả như kỳ vọng, trong khi nguồn vốn ngân sách ngày càng hạn hẹp.

Đây là thông tin được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo về giải pháp huy động vốn xã hội hóa cho các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, do Sở Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) cùng Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM tổ chức ngày 9-10.

Theo các chuyên gia, việc huy động vốn tư nhân theo hình thức hợp tác công tư (PPP) cho các dự án hạ tầng còn gặp khó do suất sinh lời của nhiều dự án trong lĩnh vực này thấp, trong khi Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ.

Do lợi nhuận thấp

Ông Sử Ngọc Anh - phó giám đốc Sở KH-ĐT - cho biết nguồn vốn ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng bị giới hạn, nên huy động vốn trong dân là hết sức quan trọng.

Theo nghị định 15 của Chính phủ về PPP, có hiệu lực từ đầu năm 2015, cái gì tư nhân có thể làm được thì để cho tư nhân làm nhằm chia sẻ cùng Nhà nước. Đây là cơ sở pháp lý để TP huy động vốn trong xã hội nhằm thực hiện các dự án mà Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP đề xuất, giải quyết vấn đề ngập nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện nghị định 15 còn nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực cấp thoát nước chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho biết dù đã phối hợp với các sở ngành để tìm kiếm nguồn vốn cho các dự án thuộc lĩnh vực này nhưng kết quả rất hạn chế.

Theo ông Dũng, đơn vị đang cần nguồn vốn lên tới gần 67.000 tỉ đồng để xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải, 3 hồ điều tiết nước, cải tạo 200km cống thoát nước, 8 cống kiểm soát triều, 12km đê bao... nhưng thời gian qua chưa thu hút được các nhà đầu tư.

Nguyên nhân chủ yếu do thoát nước là lĩnh vực công ích nên không sinh lời, chưa kể PPP là hình thức mới lại chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nên khó khăn trong việc hợp tác, mời gọi đầu tư.

Ông Lương Văn Lý, trưởng bộ phận đầu tư và thương mại của Công ty Luật Việt Long Thăng, cho rằng để thực hiện PPP đối với các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải, các cơ quan thẩm quyền cần nói rõ liệu có chấp nhận cho nhà đầu tư thu hồi vốn theo thiết kế hay không vì có những thời điểm nhà máy không tiếp nhận đủ lượng nước thải từ trong dân đưa về nhà máy. Riêng với những dự án thoát nước không có khả năng thu hồi vốn, ngân sách nhà nước phải bỏ ra.

Trong khi đó, theo ông Angus Davidson - giám đốc Công ty tư vấn ARC, kinh nghiệm tại một số nước cho thấy để thu hút nguồn tài trợ cho các dự án PPP, chính phủ cần lựa chọn được những dự án tốt, hấp dẫn đối với nhà đầu tư, kể cả những nhà đầu tư quốc tế.

Hơn nữa, một dự án PPP thường kéo dài nhiều năm, nên cần sự cam kết vững chắc của chính phủ và của nhà thầu, cũng như đưa ra các giao dịch cấu trúc tài chính chặt chẽ. “VN cần tổ chức đấu thầu cạnh tranh để được chọn nhà thầu tốt nhất và đối với các dự án lớn VN cần kêu gọi sự tài trợ quốc tế” - ông Angus Davidson nói.

Sẽ có quỹ bù đắp lợi nhuận cho nhà đầu tư

Bà Nguyễn Vân Hương - Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH-ĐT - cho biết để giải quyết vấn đề “lợi nhuận đâu?”, bộ này sẽ thành lập “quỹ bù đắp khoảng trống trong các dự án có sự đầu tư của tư nhân”, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động đầu năm 2017.

Cụ thể, Bộ KH-ĐT đang đàm phán với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để hình thành quỹ này, với phần vốn của ADB dự kiến khoảng 300 triệu USD, ngoài ra cũng có sự tham gia của JICA cùng các nhà tài trợ khác.

Theo bà Hương, quy mô của quỹ này khoảng 500 triệu USD, thậm chí có thể tăng lên 1 tỉ USD do thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức tài chính lẫn nhà tài trợ.

Bộ đang tìm phương án để có thể duy trì quỹ một cách lâu dài vì đây chính là phần đóng góp của Nhà nước vào dự án, điều đó cũng có nghĩa Nhà nước không thể thu hồi lợi nhuận. Việc hỗ trợ cũng sẽ tùy thuộc vào từng dự án. Những dự án nhà đầu tư có thể thu hồi vốn từ người sử dụng, phần tham gia của Nhà nước sẽ giới hạn hơn.

“PPP chỉ là một hình thức đầu tư để giảm bớt gánh nặng đầu tư công, khó thể phù hợp với tất cả các dự án. Trong thực tế, nhiều dự án không thể thu hồi kinh phí từ người sử dụng, nên phải có sự tham gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, bà Hương nói.

Ngoài việc tham gia này, việc đảm bảo công bằng và minh bạch trong chuẩn bị dự án và lựa chọn nhà đầu tư... sẽ được đặt lên hàng đầu.

“Nếu để nhà đầu tư chuẩn bị dự án như cách làm trước đây, tính cạnh tranh thực hiện dự án sẽ rất kém. Bởi những nhà đầu tư nước ngoài không có quan hệ với Chính phủ VN, họ sẽ làm thế nào”, bà Hương nhấn mạnh.

Ngoài ra để thể hiện phần cam kết với nhà đầu tư, theo bà Hương, Nhà nước cũng có một số vốn tham gia dự án PPP, bởi nhà đầu tư sẽ lo lắng về tình huống sau một thời gian Nhà nước không có phần đóng góp nào cả, dự án sẽ dẫn đến bế tắc.

Cuối cùng, với các dự án PPP, trong hợp đồng có quy định nhà đầu tư hoàn toàn có quyền đưa cơ quan nhà nước ra giải quyết tranh chấp ở nước ngoài nếu có phát sinh, điều này thể hiện phần cam kết đảm bảo tính công bằng, và khẳng định hai bên là đối tác, hợp tác với nhau.

Ùn tắc giao thông, ngập úng gây bức xúc

Ngày 9-10, tại buổi tọa đàm về “đô thị hóa và vai trò lãnh đạo trong quản lý đô thị” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị phối hợp tổ chức, ông Đỗ Viết Chiến - cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng - thừa nhận hai vấn đề gây bức xúc rất nhiều cho người dân hiện nay chính là ngập lụt và ách tắc giao thông tại những đô thị lớn, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội.

Theo ông Chiến, việc chưa quản lý được dòng di cư cơ học từ nông thôn và các đô thị nhỏ vào đô thị lớn khiến hạ tầng giao thông quá tải, gây tình trạng ùn tắc. Trong khi đó, việc người dân tự ý lấn chiếm, lấp hồ ao, những dòng chảy chính trong đô thị cũng khiến nước không thoát được, dẫn đến tình trạng ngập úng khi có mưa lớn.

Cũng tại buổi tọa đàm, GS Jaiyoung Ryu - nguyên cố vấn cao cấp của bộ trưởng Bộ Xây dựng và giao thông Hàn Quốc - chia sẻ phải ưu tiên phát triển hệ thống giao thông và quy hoạch theo vùng để tránh sự dồn ứ, tập trung vào các đô thị lớn, đồng thời công bố nghiên cứu “Tích hợp hệ thống giao thông với quy hoạch phát triển sử dụng đất” liên quan đến việc Hàn Quốc thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng, đi bộ và đạp xe, đưa luồng gió mới cho phong cách sống đô thị.

QUỲNH TRUNG

Bà Nguyễn Vân Hương (Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH-ĐT):

Bà Nguyễn Vân Hương phát biểu tại hội thảo Ảnh: T.Thắng
Bà Nguyễn Vân Hương phát biểu tại hội thảo Ảnh: T.Thắng

Tăng minh bạch, bỏ cơ chế “xin cho”

Qua kiểm tra 300 dự án thực hiện theo hợp đồng BOT, BT trước năm 2012, các cơ quan chức năng phát hiện có đến 95% dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu. Điều này không thể hiện tính cạnh tranh và minh bạch khi thực hiện dự án và kém hiệu quả trong sử dụng vốn ngân sách.

Đồng thời nhiều chủ đầu tư chỉ tính hiệu quả của doanh nghiệp và không bảo đảm các cam kết theo hợp đồng.

Nghị định 15 ra đời nhằm mục tiêu đảm bảo sự minh bạch và công khai các dự án đầu tư, thay đổi cách tư duy cũ, bãi bỏ cơ chế “xin cho” ở hình thức chỉ định thầu và nhằm huy động nhiều nhà thầu tham gia.

* Ông Lê Tuấn (chủ tịch Công ty CP đầu tư phát triển Không gian ngầm):

Xem lại cơ cấu phí và lợi nhuận

Theo tôi, hai vướng mắc lớn nhất trong thu hút đầu tư PPP là thủ tục hành chính, và phí cũng như lợi nhuận. Thủ tục hành chính đang được tháo gỡ từ từ và có thể giải quyết được, dù cần thời gian.

Tuy nhiên, Nhà nước cần phải xem xét lại cơ cấu phí, đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư tư nhân. Bởi khi gọi vốn xã hội hóa từ các nhà đầu tư tư nhân, điều họ quan tâm là lợi nhuận đạt được.

Chúng ta đã xử lý nước sông thành nước uống dễ hơn nhiều so với xử lý nước thải để trở thành nước sông. Khoảng 90% phí mà người dân đang trả là dành cho việc sử dụng nước sạch, 10% phí còn lại dành cho nước thải.

Cái khó khăn hơn là chỉ tốn phí 10% nhưng phải đảm bảo được lợi nhuận cho nhà đầu tư. Nếu không tháo gỡ vấn đề “đầu tư đắt thu phí rẻ” sẽ rất khó gọi vốn xã hội.

NHƯ BÌNH - NGỌC ẨN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp