13/03/2019 10:10 GMT+7

Gói ngân sách kỷ lục ông Trump đề xuất gây cơn bão chỉ trích

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Ngày 11-3, Tổng thống Donald Trump đề xuất gói ngân sách kỷ lục 4.750 tỉ USD dành cho năm 2020, năm bản lề của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Gói ngân sách kỷ lục ông Trump đề xuất gây cơn bão chỉ trích  - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters

Đây được xem là gói ngân sách lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử liên bang, trong đó chi nhiều hơn cho quân sự, an ninh biên giới và giảm chi chương trình chăm sóc y tế cho người nghèo và người già.

Một cơn bão chỉ trích như phí phạm, vô tâm với người nghèo, người già, với giáo dục và y tế đã quét qua truyền thông Mỹ ngày 11-3 (giờ Mỹ), cuốn phăng bản thông cáo ngắn gọn từ Nhà Trắng về kế hoạch ngân sách do Tổng thống Trump đề xuất.

Phe Dân chủ công kích

Phát biểu về dự chi ngân sách của ông Trump, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói: "Ngân sách là một bản tuyên bố về giá trị và lần nữa Tổng thống Trump cho thấy ông đánh giá thấp sức khỏe và hạnh phúc của các gia đình trên toàn nước Mỹ như thế nào. Người Dân chủ tin rằng những gia đình lao động cật lực ấy xứng đáng với một ngân sách liên bang được viết cho nhân dân, chứ không phải cho đặc lợi và sự giàu có của 1% dân số".

Nếu kiên nhẫn theo dõi toàn bộ các bài viết ngày 12-3, từ New York Times, Washington Post, CNN, CNBC tới phần lớn Twitter của các chính trị gia Dân chủ, người đọc sẽ thấy tóm lại có ba điểm khiến đề xuất ngân sách này đang là "thảm họa".

Thứ nhất, ông Trump bị cho đã có tội khi cắt 818 tỉ USD dự chi cho Medicare (trong 10 năm) và gần 1.500 tỉ USD cho Medicaid, hai chương trình trợ cấp y tế của chính phủ.

Nói như Đảng Dân chủ, đây là hành động cắt giảm ngân sách khổng lồ chi cho người nghèo, người già và người khiếm khuyết. Ngoài ra, đây là các khoản cắt giảm cho thấy ông Trump đã phản bội lời hứa qua những gì ông từng viết trên Twitter.

Thứ hai, ông Trump đòi 8,6 tỉ USD dành cho bức tường biên giới Mỹ - Mexico. Đây vốn là đề tài đấu đá quyết liệt giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, dẫn tới thời gian đóng cửa chính phủ dài kỷ lục vừa qua.

Thứ ba, bất chấp chỉ tập trung cho quốc phòng và cắt gần như toàn bộ chi tiêu trong nước, đề xuất của ông Trump vẫn khiến ngân sách liên bang thâm hụt 1.100 tỉ USD trong năm tài khóa tiếp theo.

Phúc lợi phải đổi bằng thuế

Có một mấu chốt trong đề xuất ngân sách mà báo chí Mỹ hầu như không giật tít trong ngày 11-3: thuế.

Đảng Cộng hòa và ông Trump xem việc cắt giảm thuế là chìa khóa vàng cần đảm bảo, đặc biệt khi cuộc bầu cử 2020 cận kề. Thuế cũng chính là nguồn cơn của mọi tranh cãi, khi phe Dân chủ muốn thay đổi kế hoạch giảm thuế trị giá 1.500 tỉ USD của Đảng Cộng hòa.

Có thể hình dung rằng để chi tiêu cho y tế, giáo dục, môi trường, khoa học... thì nước Mỹ phải tăng thuế để đủ ngân quỹ. Trong khi đó ông Trump muốn giảm thuế nên đã cắt giảm chi tiêu chính phủ cho các lĩnh vực trên và bị chỉ trích. 

Tệ hơn, như đã nói, ý đồ cân bằng chi tiêu của ông Trump (bằng việc giảm thuế, giảm chi cho y tế, giáo dục...) cũng không thành công về mặt giấy tờ khi ngân sách năm sau vẫn thâm hụt nặng theo gói đề xuất trên.

Tuy vậy, tìm kiếm luận điểm đối lập trên báo chí Mỹ dù khó nhưng không phải là không thể. CNBC dẫn phân tích của Tổ chức nghiên cứu bảo thủ Heritage Foundation tuần này cho thấy việc Đảng Dân chủ bãi bỏ kế hoạch giảm thuế năm 2020 sẽ khiến các hộ gia đình mất trung bình 27.000 USD thu nhập ròng sau thuế trong 10 năm tới.

Adam Michel, nhà phân tích chính sách của Heritage Foundation, cho rằng nguyên nhân nằm đôi chỗ ở thuế thu nhập cá nhân tăng, nhưng chủ yếu hậu quả sẽ tới từ việc tăng trưởng kinh tế trì trệ do thuế doanh nghiệp cao.

Ông Trump trong thực tế muốn thuế doanh nghiệp dừng ở mốc 15% (cựu tổng thống Obama từng muốn đánh thuế 28% lên doanh nghiệp). 

Người đứng đầu Nhà Trắng hiện nay đặt cược vào khả năng giảm áp lực cho doanh nghiệp, từ đó kinh tế phát triển và ngân sách sẽ cân bằng trong 15 năm tới. Tất nhiên, giả định về tăng trưởng kinh tế của ông Trump lạc quan hơn nhiều so với các kinh tế gia.

Chiến lược gia John Ashbrook làm việc dưới quyền lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell ủng hộ chính sách thuế của ông Trump khi nói thẳng: "Việc cắt giảm thuế đã đưa nền kinh tế đang bùng nổ của chúng ta vào ổn định và bất kỳ ai ủng hộ việc bãi bỏ nó sẽ phải giải thích lý do tại sao họ muốn đảo ngược sự phát triển của công việc, tiền lương mà chúng ta đang chứng kiến kể từ khi luật (giảm thuế) được thông qua".

Đảng Dân chủ đừng chỉ phản bác

Vấn đề của Đảng Dân chủ hiện nay là trong khi họ thuyết phục số đông rất tốt bằng cách đề cập tới tình trạng của người nghèo, người già, bản thân đảng này cũng phải đưa ra giải pháp thay vì chỉ phản bác.

Tờ New York Times dẫn lời dân biểu Kentucky John Yarmuth, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện, cho rằng Đảng Dân chủ lúc này cần thống nhất một kế hoạch định hình tầm nhìn của họ, đồng thời trả lời hàng loạt câu hỏi hóc búa từ y tế, thuế, biến đổi khí hậu tới những vấn đề chính sách khác vẫn kẹt cứng kể từ khi họ kiểm soát Hạ viện.

Mỗi người Mỹ gánh 67.000 USD nợ công

Tuần trước, Bộ Ngân khố Mỹ cho biết chính phủ đã mượn 310,3 tỉ USD từ ngày 1-10 tới 28-2, tăng so với mức 175,7 tỉ cùng kỳ năm ngoái. Ước tính nợ quốc gia Mỹ là 22.000 tỉ USD, tức "67.000 USD cho mỗi đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ trong đất nước này", tờ USA Today viết trong một bài xã luận ngày 11-3.

Ông Trump đề xuất ngân sách kỷ lục 4.750 tỉ USD ưu tiên quân sự, biên giới

TTO - Gói ngân sách được ông Trump đề xuất ngày 11-3 được xem là lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử liên bang, trong đó chi nhiều hơn cho quân sự và an ninh biên giới. Phe Dân chủ gọi đề xuất là "cú đấm vào mặt tầng lớp trung lưu Mỹ".

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp