24/08/2022 06:13 GMT+7

Gói hỗ trợ lãi suất 2% bị tắc, vướng mắc ở đâu?

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
ÁNH HỒNG - LÊ THANH

TTO - Theo kế hoạch, số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh và hợp tác xã trong năm 2022 là 16.035 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau gần ba tháng triển khai chỉ mới hỗ trợ 1 tỉ đồng.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% bị tắc, vướng mắc ở đâu? - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp cho hay hiện vay vốn bình thường đã khó, chưa nói đến vay được hỗ trợ lãi suất. Trong ảnh: giao dịch tại một ngân hàng có vốn nhà nước - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Là đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2% từ vốn ngân sách nhưng doanh nghiệp vận tải, nhất là vận tải đường bộ, không hy vọng gì…

Ông BÙI DANH LIÊN

Ngân hàng (NH) Nhà nước cho biết sau 3 tháng triển khai nghị định 31 về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước (với 40.000 tỉ đồng trong năm 2022 và 2023), doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỉ đồng với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ đạt chỉ 1 tỉ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 3.966 tỉ đồng.

Vay thường đã khó, nói gì hỗ trợ 2% lãi suất

Có phải do yếu tố room (hạn mức tín dụng) đã hết? Thành viên HĐQT một NH cổ phần tại TP.HCM cho rằng trong bối cảnh hầu hết NH đã hết room từ mấy tháng qua, khách hàng vay mới cũng biết rằng vay với lãi suất thông thường đã là khó, do vậy hầu hết khách hàng vay mới cũng không đề nghị vay "lãi suất rẻ" nữa.

Với khách hàng hiện tại cũng không mấy mặn mà. Bản thân NH cũng không tích cực quảng bá vì vay thường đã không có room thì làm sao mà quảng bá vay hỗ trợ lãi suất. "NH cũng có tâm lý sợ thanh kiểm tra sau này. Dù chưa biết có sai hay không nhưng cứ nghe thanh kiểm tra là họ sợ", ông nói.

Theo tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần tại TP.HCM, gói hỗ trợ lãi suất 2% áp dụng cả với khoản cho vay hiện hữu và khoản cho vay mới. Do vậy, việc NH hết room đã ảnh hưởng đến các khoản giải ngân mới, còn các khoản vay hiện hữu của những DN thuộc đối tượng của gói hỗ trợ thì không ảnh hưởng.

Đừng để DN nói là "bánh vẽ"

Trong khi NH đổ tại DN, DN lại nói tại NH. Giám đốc một công ty kinh doanh kho bãi tại TP.HCM cho hay chiếu quy định của gói hỗ trợ thì DN của ông thuộc đối tượng này do kinh doanh kho bãi, logistics. Thế nhưng, dù ông đã liên hệ và một NH đã cử nhân viên xuống làm việc nhưng ba tuần nay chưa thấy trả lời. "Đây không phải là lần đầu. Chủ trương thì nghe dễ dàng, gặp lãnh đạo thì cũng nói rất thuận lợi... Nhưng khi nộp hồ sơ thì khách hàng gặp rất nhiều khó khăn. Có NH đòi DN phải đưa hết tài sản bảo đảm qua, kéo theo đó là hàng loạt phí như phí thẩm định, phí công chứng...", chủ DN này nói.

Một số DN khác cho hay họ là cơ sở sản xuất, DN nhỏ và vừa, hợp tác xã... không có tài sản hoặc tài sản có giá trị thấp nên cũng khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm. Chưa kể, hiện các NH đã hết hạn mức tín dụng nên vay bình thường đã khó, nói gì đến hỗ trợ lãi suất.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Danh Liên - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - khẳng định rất ít DN đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất. Tổng số tiền lãi mà hỗ trợ 1 tỉ đồng là bình thường. Bởi các đơn vị thuộc ngành, lĩnh vực vận tải, kho bãi, du lịch, lưu trú, ăn uống, giáo dục... dù thuộc diện được hỗ trợ lãi suất nhưng không thể đáp ứng điều kiện.

"Là đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2% từ vốn ngân sách nhưng DN vận tải, nhất là vận tải đường bộ, không hy vọng gì được thụ hưởng chính sách. Do 2 năm bị dịch COVID-19 tàn phá, đơn vị kinh doanh vận tải nào cũng phải tạm ngừng hoạt động từ vài ba tháng đến cả năm nên anh nào không nợ mới là lạ", ông Liên dẫn chứng.

Ông Phạm Huy Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN, xác nhận phần đông các DN đang khó khăn trong việc tiếp cận chính sách này. Do khoản 1 điều 4 của nghị định 31 quy định khách hàng để được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nghĩa là DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo... Mặt khác, hiện nay các NH đang gặp khó khăn về room tín dụng, hoặc còn room nhưng rất ít trong bối cảnh lạm phát có xu hướng gia tăng. Điều này tác động đến tiến độ giải ngân.

Gỡ bỏ ngặt nghèo trong tiếp cận vốn

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, hôm 24-8 NH Nhà nước tổ chức hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất. Ông Liên đề xuất nên coi đây là gói hỗ trợ đặc biệt để có những chính sách, cơ chế đặc biệt. Điều kiện tiếp cận vốn không nên quá ngặt nghèo. Nếu cứ như hiện nay thì gói hỗ trợ lãi suất rất khó đi vào cuộc sống.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, đề xuất nên chăng tính đến các quy chế riêng về vay hỗ trợ lãi suất để NH không ngại ngần khi thực hiện. Tức là thay vì đòi hỏi khách vay phải có tài sản bảo đảm thì NH chú trọng theo dõi và kiểm soát được dòng tiền trả nợ của DN. DN phải cung cấp kế hoạch kinh doanh cụ thể và trung thực để NH đánh giá đúng thực tế sản xuất, kinh doanh.

Lập đoàn kiểm tra, rà soát lại quy định

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về thúc đẩy triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại nghị định số 31. Để thúc đẩy, Phó thủ tướng giao NH Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện rà soát kỹ các quy định tại nghị định số 31 và các thông tư, văn bản hướng dẫn liên quan, bảo đảm phù hợp và bám sát nghị quyết số 43 của Quốc hội. Nếu phát hiện có các quy định chặt chẽ quá mức, gây vướng mắc... thì cần kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Trước ngày 25-8, NH Nhà nước phải chủ trì, tổ chức hội nghị với các NH thương mại để phổ biến, giải đáp các vướng mắc và tạo tâm lý đồng thuận…

Phó thủ tướng cũng yêu cầu thành lập các đoàn công tác do NH Nhà nước chủ trì, với sự tham gia của các bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, khảo sát thực tế, nắm bắt tình hình triển khai tại các NH thương mại để kịp thời đôn đốc, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách.

DN "từ chối" nhận hỗ trợ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần tại TP.HCM cho hay có nhiều khách hàng mà NH đề nghị hỗ trợ lãi suất nhưng khách hàng từ chối vì sợ thanh kiểm tra sau này. Lý do là việc sử dụng vốn của DN trong thực tế khá "linh hoạt", do vậy họ thà trả thêm lãi suất còn hơn là hưởng hỗ trợ rồi lại lo ngay ngáy.

Chính vì đối tượng hưởng gói hỗ trợ đã hẹp mà DN lại còn từ chối nên NH chỉ triển khai hỗ trợ lãi suất được vài món nhỏ lẻ, không đáng kể. Nhiều trường hợp NH cũng đôn đốc tích cực nhưng khách hàng trả lời không có nhu cầu.

Quá khó, DN phải vay tín dụng cá nhân

Hôm 18-8, tại Hội nghị kết nối các NH thương mại và DN du lịch trên địa bàn TP.HCM, do Sở Du lịch cùng NH Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM tổ chức, nhiều DN đã than khó vì muốn tiếp cận được lãi suất ưu đãi của Chính phủ thì trước hết DN phải đủ điều kiện được vay như có tài sản thế chấp, dòng tiền ổn định... Do quá khó nên nhiều chủ DN du lịch đành chọn vay tín dụng cá nhân để chịu đựng.

Trước tình trạng gói hỗ trợ lãi suất bị nhiều đánh giá là tắc như hiện nay, NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM cuối tuần qua cũng đã có văn bản gửi các tổng giám đốc NH thương mại trên địa bàn về việc tăng cường cho vay hỗ trợ lãi suất 2% đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh từ nguồn vốn ngân sách.

Tuy nhiên, các NH thương mại được nhắc phải kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay theo đúng mục đích sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, các NH thương mại phải thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc, minh bạch...

Cấm ngân hàng Cấm ngân hàng 'đẻ' thêm điều kiện, thủ tục cho gói hỗ trợ lãi suất 2%

TTO - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao các ngân hàng thương mại phải cân đối nguồn vốn để cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất 2% tại nghị định 31 năm 2022.

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp