TP.HCM là đô thị chiếm khoảng 25% GDP cả nước và đóng góp khoảng 1/3 ngân sách quốc gia - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là nhận định của PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - khi trao đổi với Tuổi Trẻ về gói hỗ trợ mới sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày 11-1.
Khó nâng quy mô gói hỗ trợ
* Thưa ông, các doanh nghiệp kỳ vọng gói hỗ trợ mới có liều lượng, quy mô gói đủ lớn, đủ mạnh và khả thi, ông đánh giá như thế nào về quy mô 340.000 tỉ đồng của gói này?
- Nhằm đơn giản và mang tính trực quan, gói hỗ trợ thường được đem so sánh với GDP để lượng hóa quy mô. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng % GDP không phải là chỉ tiêu mang tính quyết định để xác lập quy mô hỗ trợ. Trên cơ sở mục tiêu mong đợi, việc thiết kế các nội dung hỗ trợ phải dựa trên cả nhu cầu, nguồn lực và hiệu quả.
Về nhu cầu và hiệu quả, các đánh giá dựa trên tương quan của nhiều yếu tố, chẳng hạn như mức độ thiệt hại, khả năng và tốc độ phục hồi, tác động từ sự hồi phục của các chủ thể nhận hỗ trợ đến tăng trưởng, lạm phát, sự ổn định của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô... cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Về nguồn lực, phải dựa trên khả năng cân đối ngân sách mang tính bền vững và các nguồn lực tài trợ khác để kiểm soát được rủi ro trong giới hạn.
Ở thời điểm tháng 8-2021, khi thực hiện nghiên cứu "Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn COVID-19 lần 4", chúng tôi nhận thấy nếu chỉ dựa trên tổn thất, ước tính nhu cầu cần hỗ trợ cho cả nước có quy mô hơn 500.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết quả báo cáo nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ dừng ở quy mô 250.000 tỉ đồng cho năm 2021 vì phải xét đến khả năng hấp thụ của đối tượng hỗ trợ, tác động đến lạm phát, giới hạn bội chi ngân sách, trần nợ công, trần nợ Chính phủ... theo dự báo tại thời điểm đó.
Cho đến nay, Chính phủ đã công bố gói hỗ trợ tài khóa gần 186.000 tỉ đồng trong năm 2021, cộng cho gói tài khóa lần này dự kiến 291.000 tỉ đồng thì tổng quy mô tài khóa sử dụng cho hỗ trợ đã lên đến 477.000 tỉ đồng. Theo tôi, con số này là phù hợp và rất khó có thể tăng thêm được nữa nếu dựa trên các nguyên tắc đã nêu trên.
Chính phủ đã công bố gói hỗ trợ tài khóa gần 186.000 tỉ đồng trong năm 2021, cộng cho gói tài khóa lần này dự kiến 291.000 tỉ đồng thì tổng quy mô tài khóa sử dụng cho hỗ trợ đã lên đến 477.000 tỉ đồng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Thay vì chỉ hỗ trợ qua việc chủ yếu giãn, hoãn và giảm các khoản thuế, phí như trước, gói hỗ trợ lần này đã chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước 240.000 tỉ đồng (bao gồm 64.000 tỉ đồng giảm thuế, phí), chính sách này có tác động như thế nào, thưa ông?
- Giãn, hoãn thuế, phí là chính sách giúp doanh nghiệp giảm dòng tiền ra, trong khi đó các khoản chi trực tiếp từ ngân sách là chính sách làm tăng dòng tiền vào cho doanh nghiệp. Với đặc điểm tổn thất của doanh nghiệp trong COVID-19 thì về tổng thể, các chính sách hỗ trợ tăng dòng tiền vào đem lại hiệu quả tốt hơn so với chính sách hỗ trợ giảm dòng tiền ra.
Chi đầu tư phát triển lần này có quy mô lớn từ ngân sách (176.000 tỉ đồng trong tổng số 240.000 tỉ đồng), kỳ vọng đem lại tác động mạnh và sức lan tỏa lớn hơn nhiều so với các chính sách trước đây nếu được tổ chức, vận hành chặt chẽ.
COVID-19 đã làm bộc lộ rõ hơn nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế như thâm dụng lao động, dịch chuyển lao động, an sinh xã hội, hạ tầng đô thị, logistics... và tạo thêm áp lực buộc phải đẩy nhanh hơn nữa việc tái cơ cấu kinh tế. Vì vậy, việc ưu tiên tập trung đầu tư hơn 103.000 tỉ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết.
Tuy nhiên, tôi khá băn khoăn khi quy mô đầu tư dành cho đầu tư xây mới, nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống y tế cũng như gói kích thích số (bao gồm cả khuyến khích đầu tư vào công nghệ số, kích thích doanh nghiệp chuyển đổi số và đào tạo lao động cho yêu cầu này) còn khiêm tốn.
Gói hỗ trợ thuế GTGT còn khiêm tốn?
* Việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% trong năm 2022 với mức giảm ước tính 49.000 tỉ đồng nhằm mục đích kích cầu tiêu dùng, song các doanh nghiệp đánh giá mức giảm 2% còn khiêm tốn?
- Thuế GTGT là sắc thuế ảnh hưởng trực tiếp lên chi phí sản xuất, giá cả hàng hóa và hành vi tiêu dùng của người dân, vì vậy, nếu chỉ xét riêng thuế GTGT thì rõ ràng nếu mức giảm 30% hoặc 50% sẽ đem lại tác động kích thích lớn hơn.
Tuy nhiên, thu từ thuế GTGT có tỉ trọng cao, khoảng 28% tổng thu ngân sách giai đoạn 5 năm gần đây nên xác định mức giảm cụ thể còn phải cân đối khả năng ngân sách và cả tương quan với các hỗ trợ khác. Tính toán của chúng tôi cho thấy, nếu mức giảm 30% có chọn lọc thì quy mô hỗ trợ khoảng 66.000 tỉ đồng, còn 50% thì quy mô sẽ lên đến 166.000 tỉ đồng. Bài toán ở đây là xếp thứ tự ưu tiên để lựa chọn chính sách hỗ trợ trong phạm vi nguồn lực giới hạn.
Diễn biến dịch trong tương lai vẫn còn khó lường, vì thế tác động của các chính sách hỗ trợ cần phải được đánh giá lại sau 1 năm để cần thiết có điều chỉnh.
COVID-19 gây ra hệ lụy đối với nền kinh tế, trong đó nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa - Ảnh: NGỌC HIỂN
Không nên giao cho ngân hàng xét duyệt đối tượng được nhận hỗ trợ
* Chính phủ hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với một số khoản vay thương mại trong 2 năm song nhiều ý kiến doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận món vay mới vì không còn tài sản thế chấp và có lo ngại tiền có thể chảy sang chứng khoán, bất động sản?
- Quy mô tín dụng hiện nay rất lớn, hơn 10 triệu tỉ đồng, vì vậy hỗ trợ lãi suất trên diện rộng là không khả thi cả về nguồn lực lẫn tính hiệu quả. Dự thảo trình Quốc hội đã thu hẹp và chỉ rõ ngành được hỗ trợ, rất giới hạn. Sự thận trọng này là hoàn toàn hợp lý.
Các ngân hàng thương mại nhận tiền gửi với trách nhiệm hoàn trả cho người gửi tiền, sử dụng tiền này để cho vay nên họ phải tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cho vay. Việc hạ thấp các tiêu chuẩn cho vay sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Vì vậy, việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất cần có quy trình chặt chẽ nhưng không gây khó khăn về thủ tục cho doanh nghiệp.
Từ kinh nghiệm triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2009-2011, có lẽ không nên giao cho ngân hàng xét duyệt đối tượng được nhận hỗ trợ mà có thể làm tương tự như cách TP.HCM đang áp dụng đối với chương trình cho vay kích cầu nhiều năm qua, đảm bảo nhanh chóng và đúng đối tượng.
Hỗ trợ chính sách, kiến tạo động lực cho TP.HCM đột phá
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh cho rằng có chính sách cho phép TP.HCM bổ sung ngân sách địa phương vào gói hỗ trợ - Ảnh: NVCC
* Liên quan đến chính sách hỗ trợ, TP.HCM có kiến nghị cho phép TP nghiên cứu vận dụng vào thực tiễn theo hướng bổ sung phần ngân sách địa phương vào các gói hỗ trợ phù hợp. Theo ông có nên?
- TP.HCM là địa phương chịu tổn thất nghiêm trọng nhất vì COVID-19 nhưng cũng là địa phương có tiềm lực kinh tế mạnh nhất cả nước và khả năng hồi phục nhanh hơn.
Vì tính cấp bách, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lần này chưa có các quy định chi tiết riêng cho từng địa phương. Thế nhưng, là đô thị đặc biệt chiếm hơn 9,4% dân số cả nước, chiếm khoảng 25% GDP cả nước và đóng góp khoảng 1/3 ngân sách quốc gia thì tôi nghĩ là rất cần thiết và có cơ sở để Quốc hội kịp thời có quy định mang tính nguyên tắc cho phép TP.HCM bổ sung phần ngân sách địa phương vào các gói hỗ trợ. Quy định có thể giao cho Chính phủ ban hành hướng dẫn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận