Phóng to |
Cần sớm có giải pháp về tài chính để các doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển. Trong ảnh: đóng gói bao bì cung cấp cho các siêu thị tại Công ty cổ phần văn hóa Tân Bình (Alta - Khu công nghiệp Tân Bình, tp.hcm) - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Mặc dù mới chỉ nắm thông tin về gói giải pháp cứu doanh nghiệp trị giá 29.000 tỉ đồng mà Chính phủ vừa công bố, nhưng nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lên tiếng yêu cầu Chính phủ sớm hoàn thiện thủ tục để trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp này.
Thẩm quyền của Quốc hội
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất: “Được biết Chính phủ vừa đưa ra gói hỗ trợ doanh nghiệp với các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, Ủy ban Tài chính - ngân sách cần rà soát xem các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội phải có nghị quyết”.
Theo chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển, đến thời điểm này Chính phủ chưa có đề nghị gì, nhưng qua báo chí thì biết Chính phủ đưa ra gói giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp bằng các chính sách miễn, giảm, giãn thuế. “Những vấn đề liên quan đến thuế phải trình ra Quốc hội. Văn phòng Quốc hội cần thông báo sớm với Chính phủ để chuẩn bị đúng quy trình, chúng tôi cần thời gian để thẩm tra và rõ ràng Quốc hội phải có nghị quyết riêng”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu đưa vấn đề này ra Quốc hội bàn và sau đó sẽ có nghị quyết.
Đối với đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, sau khi thảo luận với nhiều ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng quyết định chỉ đưa vấn đề này ra để Quốc hội bàn, sau đó tổng hợp ý kiến để Chính phủ nghiên cứu chứ Quốc hội không ra nghị quyết. Phiên Quốc hội thảo luận đề án này cùng với các phiên thảo luận về dự án Luật giáo dục đại học sẽ được truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi. Ông Hùng cũng yêu cầu Văn phòng Quốc hội chuẩn bị kỹ thông tin cung cấp cho báo chí, tổ chức họp báo vào đầu kỳ họp, cuối kỳ họp và vào thời gian Quốc hội làm việc nếu có nội dung quan trọng sẽ họp báo riêng.
“Phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm là vấn đề nóng hổi trong tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri và ngày càng nóng bỏng hơn. Chúng ta đang tổ chức sơ kết năm năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng. Cần có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về vấn đề này” - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị và đề nghị này đã được chấp nhận. Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Văn Pha đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
“Đại biểu kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách”
Thảo luận đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị cần đưa ra các nội dung nhằm đổi mới chính hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban. “Trước đây bàn về đổi mới hoạt động của Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng cần chuyển trọng tâm hoạt động của Quốc hội về Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, nhưng đọc trong đề án này thì không thấy” - ông Lý băn khoăn.
Đối với quy định bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm một số chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn, nếu người nào hai năm liên tiếp không nhận được số phiếu quá bán thì Quốc hội sẽ xem xét bãi nhiệm hoặc bản thân người đó phải từ chức, ông Lý đặt câu hỏi: “Tại sao lại là hai lần?”. Theo ông, một lần bỏ phiếu không đủ tín nhiệm là nghiêm trọng rồi thì sao phải chờ lần sau? Hơn nữa, quy định hiện hành cho thấy bỏ phiếu tín nhiệm mà không quá bán thì phải đưa ra để Quốc hội xem xét. Dẫn tình trạng tiếp xúc cử tri nhiều nơi còn hình thức, “đại biểu kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách”, ông Lý đề nghị cần đổi mới triệt để hoạt động tiếp xúc cử tri.
Đồng tình với ông Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị quy định tiếp xúc cử tri phải công bố công khai, rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, cử tri ai muốn dự thì đều được dự, chứ không chỉ cử tri có giấy mời mới đến dự.
Cuối tháng 5, Quốc hội quyết định việc bãi nhiệm đại biểu Hoàng Yến Chiều 5-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp kín để cho ý kiến về tư cách đại biểu Quốc hội của đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến. Tuy nhiên, trong cuộc họp công khai vào buổi sáng nhằm quyết định chương trình kỳ họp thứ ba của Quốc hội (khai mạc ngày 21-5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí đưa việc xem xét tư cách đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến vào chương trình nghị sự chính thức của Quốc hội. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, “vấn đề nhân sự phải làm vào đầu kỳ họp, nhưng không nhất thiết phải ngay ngày khai mạc mà có thể xem xét vào ngày cuối của tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ ba”. Chủ tịch Quốc hội lưu ý cơ quan hữu quan phải làm cẩn thận, khách quan, đúng quy trình. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định đã nghiên cứu quy trình bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. Quốc hội khóa trước cũng đã có tiền lệ bãi nhiệm đại biểu Mạc Kim Tôn. “Chúng tôi đã nghiên cứu các quy định, trong đó có việc họp với trưởng đoàn đại biểu, rồi họp các đoàn để thảo luận, tiếp đến là Ủy ban Thường vụ Quốc hội hội ý và có báo cáo ra Quốc hội, đại biểu bị đề nghị bãi nhiệm có thể phát biểu tại Quốc hội trước khi Quốc hội bỏ phiếu quyết định” - ông Phúc cho hay. Trong khi đó, chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lưu ý cần phải lường trước nhiều tình huống có thể xảy ra trong quá trình xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội mà “nếu xử lý thiếu cẩn thận thì sẽ không hay”. Còn phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Văn Pha thì nói: “Tôi tin chị Yến cũng sẽ phát biểu về vấn đề của mình”. Kiến nghị của đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến cũng đã được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ dừng lại ở việc đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của Quốc hội. Bà Đặng Thị Hoàng Yến chỉ bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội khi có tối thiểu hai phần ba trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội đồng ý bãi nhiệm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận