04/01/2017 18:00 GMT+7

​Gốc tự do, lão hóa và bệnh tật

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Theo các nhà khoa học, con người có thể sống tới 140 tuổi nhưng trong thực tế con người chưa bao giờ đạt tới tuổi thọ như vậy.

Trong cơ thể người thường xuyên sản sinh ra các mảnh phân tử không ổn định gọi là gốc tự do. Các gốc này phá huỷ tế bào, mô, các tổ chức của cơ thể, đồng thời gây tắc nghẽn động mạch, phát triển các bệnh như ung thư, Alzheimer và hàng trăm bệnh khác khiến cơ thể lão hoá nhanh chóng và tử vong.

Nguyên nhân gây lão hóa được giải thích bằng nhiều thuyết khác nhau: thuyết di truyền, thuyết gốc tự do, đột biến gen... Các nhà khoa học đã phát hiện ra một trong những nguyên chính của sự lão hóa tế bào là việc sản sinh ra các gốc tự do. Sự xâm nhập của những chất độc từ môi trường, các chất thải lưu cữu trong cơ thể do quá trình chuyển hóa sẽ gây độc cho tế bào và làm cho con người già đi. Sự tích tụ gốc tự do là dấu hiệu đặc trưng cho sự lão hóa ở mức độ phân tử.

Vậy gốc tự do là gì?

Gốc tự do là các nguyên tử hoặc phân tử có lớp quỹ đạo ngoài cùng chứa một điện tử (electron) đơn lẻ (tổng số điện tử của gốc tự do là một số lẻ). Do vậy, các gốc tự do có khả năng oxy hóa rất cao. Trong cuộc sống hiện đại, cơ thể chúng ta thường tiếp xúc với các độc tố tự nhiên và nhân tạo như: khí thải, bức xạ, thuốc trừ sâu, kim loại nặng, hóa chất bảo quản... Lối sống căng thẳng chịu nhiều áp lực, các chế độ ăn uống quá dư thừa không tốt cho sức khỏe càng làm trầm trọng thêm quá trình tự nhiên hình thành nên các gốc tự do. Do vậy, số lượng gốc tự do tăng cao bất thường và hàng rào chống oxy hóa tự nhiên trong cơ thể không kiểm soát được.

Các gốc tự do này sẽ gây nên những rối loạn các phản ứng và chuỗi phản ứng hóa học trong cơ thể, phá hủy màng tế bào, tiếp đó là các tổn thương như: biến đổi cấu trúc protein, ức chế các men, thay đổi nội tiết tố, kích thích các mầm bệnh và dẫn đến các chứng bệnh: xơ vữa động mạch, tiểu đường, tai biến, ung thư…

Vì chỉ có một điện tử đơn lẻ, nên gốc tự do luôn ở trạng thái bất ổn và luôn tìm cách chiếm đoạt điện tử của nguyên tử khác. Theo các nhà nghiên cứu, gốc tự do hủy hoại tế bào theo diễn biến sau đây: trước hết, gốc tự do oxy hóa màng tế bào, gây trở ngại trong việc thải chất bã và tiếp nhận thực phẩm, dưỡng khí; rồi gốc tự do tấn công các ty lạp thể, phá vỡ nguồn cung cấp năng lượng. Sau cùng, bằng cách oxy hóa, gốc tự do làm suy yếu kích thích tố, enzyme khiến cơ thể không tăng trưởng được.

Theo các nhà khoa học thì gốc tự do có thể là thủ phạm gây ra tới trên 60 bệnh, đáng kể nhất là: bệnh vữa xơ động mạch, ung thư, Alzheimer, Parkinson, đục thuỷ tinh thể, bệnh tiểu đường, cao huyết áp không nguyên nhân, xơ gan. 

Trong cơ thể có rất nhiều loại gốc tự do, mà các gốc nguy hiểm hơn cả là superoxide, ozone, hydrogen peroxide, lipid peroxy, nhất là hydroxyl radical, một gốc rất phản ứng và gây ra nhiều tổn thương.

Gốc tự do sinh ra từ đâu?

Hoạt động sống của mỗi tế bào (hô hấp tế bào), stress (căng thẳng thần kinh, chấn thương tâm lý...), tác động của môi trường sống (tia phóng xạ, tia tử ngoại, các bức xạ có năng lượng cao, các chất độc hại do ô nhiễm môi trường...) chính là những yếu tố sản sinh ra các gốc tự do.

Các tình huống gây tăng gốc tự do:

1. Các căng thẳng tinh thần, thể chất: lao động quá sức, lo lắng, áp lực, buồn, sợ…

2. Ăn uống không hợp lý: tỷ lệ chất béo quá cao trong khẩu phần ăn gây rối loạn chuyển hóa lipid, thừa năng lượng, thiếu vitamin B, PP, C, A, E, thiếu Acid amin thiết yếu, thực phẩm không an toàn…

3. Những điều kiện gây trở ngại cho sự sống và hoạt động cơ thể: thiếu oxy mô, bỏng, nhiễm trùng cấp…

4. Môi trường ô nhiễm, chất độc hại, hóa chất, nhiễm xạ…

5. Trạng thái giảm trữ lượng Antioxydant trong tế bào: do cao tuổi, do thiếu cung cấp antioxydant qua thức ăn.

Làm thế nào để chống lại gốc tự do?

Khoa học đã chứng minh việc vô hiệu hóa các gốc tự do và phục hồi các tế bào bị tổn thương bằng các chất chống oxy hóa sẽ tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tật và làm chậm quá trình lão hóa. 

Các chất chống oxy hóa có khả năng giải phóng ra những điện tử, "tặng" những điện tử này cho các gốc tự do, vô hiệu hóa khả năng oxy hóa của chúng và ngăn chặn chúng tấn công các tế bào khỏe mạnh. Để bảo vệ chính mình, cơ thể luôn tự sản sinh ra các cơ chế chống oxy hóa thiết yếu, nhưng chúng dần trở nên kém hiệu quả theo tuổi tác.

Các chất chống oxy hóa thông thường bao gồm: vitamin C và E, Betacarotene và Selen... có trong các loại rau quả.

Vitamin C: có vai trò lớn trong việc làm tăng sức để kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn, góp phần phòng chống thiếu máu thiếu sắt. Quan trọng hơn, vitamin C có tác dụng chống lại các gốc tự do, chống căng thẳng.

Vitamin E: có nhiều trong mầm ngũ cốc, các loại dầu thực vật, rau xanh, trái cây, gan động vật, lòng đỏ trứng. 

Betacaroten: là tiền vitamin A có nhiều trong các loại quả có màu vàng, đỏ và trong các loại rau có màu xanh đậm.

Selen: là một nguyên tố vi lượng thiết yếu của tế bào sống, là yếu tố không thể thiếu được của yếu tố miễn dịch chống lại gốc tự do và các vai trò sinh học khác. Selen có nhiều trong các cây họ đậu, cà phê, nấm, trong gan và da các loại cá, nhất là cá ngừ. Gan cá, dầu cá, mỡ cá có hàm lượng selen rất lớn.

Như vậy, một điều không thể phủ nhận được rằng các gốc tự do là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng lão hoá trong cơ thể, cũng như trong quá trình hình thành và phát triển một loạt các bệnh thoái hoá, đặc biệt là khi bạn bắt đầu bước vào tuổi từ 40 trở đi. Việc cung cấp đủ chất chống oxy hoá cho cơ thể hàng ngày là một việc tối cần thiết với mỗi chúng ta.

Để giữ gìn sức khỏe, chống lão hóa và bệnh tật, chúng ta phải vận dụng tổng thể nhiều biện pháp. Trong đó, các biện pháp cơ bản để chống lão hóa và phòng chống bệnh tật đó là:

1. Tinh thần: luôn lạc quan yêu đời, chủ động gạt bỏ những cái làm ảnh hưởng đến bộ não, hạn chế tối đa căng thẳng.

2. Thường xuyên luyện tập đều đặn về trí tuệ và thể lực: không ngừng vận động não bộ, vận động thể chất, luyện tập thường xuyên.

3. Sinh hoạt điều độ: không làm gì quá sức bình thường, giữ gìn trạng thái cân bằng giữa ngủ, nghỉ và làm việc, hạn chế thức khuya, bia rượu, thuốc lá. Ngủ đủ giấc (7- 8 tiếng/ngày).

4. Dinh dưỡng hợp lý: ăn nhiều rau quả, trái cây tươi, uống nhiều nước, hạn chế đường, muối, thịt (theo tháp dinh dưỡng của Bộ Y tế).

5. Cần có môi trường sống tự nhiên tốt: phần lớn các cụ sống 100 tuổi trở lên đều ở vùng núi, nông thôn.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp