Nhân viên khách sạn 3 sao T.T. tại quận 1, TP.HCM lấy khăn tắm đã dùng để lau ly - Ảnh: BÔNG MAI
Không ít ý kiến đề nghị xử lý nghiêm, thậm chí xem lại quy trình và rút sao các khách sạn vi phạm quy định.
Kiểm tra, xử nghiêm
Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ sau bài "Góc khuất vệ sinh khách sạn: Dùng khăn tắm lau bồn cầu" (Tuổi Trẻ ngày 15-7), ông Nguyễn Trùng Khánh - tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết Tổng cục Du lịch đang cho kiểm tra về sự việc báo nêu và đã yêu cầu Sở Du lịch TP.HCM có báo cáo.
Trước đó, trả lời Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Thanh - vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch - nói nếu phát hiện có sai phạm như báo nêu thì sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng hiện tượng mà báo nêu có thể có tồn tại ở một vài nơi nhưng chắc chắn không thể là chuyện phổ biến. Bởi lẽ, các khách sạn hiện nay không chỉ phải chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật, mà còn chịu sự chi phối mạnh mẽ của bàn tay thị trường.
Khi được hỏi về vấn đề Tuổi Trẻ phản ánh, ông Lã Quốc Khánh - nguyên phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - nhấn mạnh cần quy trách nhiệm cho người quản lý khách sạn, nếu bắt quả tang sai phạm hoặc có căn cứ thì sẽ xử phạt ngay, nếu không cải thiện phải gỡ hạng sao.
"Sắp tới, cơ quan chức năng nên ra văn bản và gửi ngay cho các khách sạn để khuyến cáo, yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này" - ông Khánh nói.
Tránh ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia
Đại diện một đơn vị lữ hành cho hay quy định khách sạn từ 3 sao trở xuống sẽ do cấp tỉnh, thành cấp sau khi nhận được đề xuất từ doanh nghiệp, 4 sao trở lên do Tổng cục Du lịch cấp. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng công tác hậu kiểm sau khi đã cấp sao cần tiến hành thường xuyên và chặt chẽ hơn.
Theo ông Trần Thế Dũng - tổng giám đốc Công ty lữ hành Fiditour, khách sạn không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh phòng không chỉ là lỗi của riêng khách sạn mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của cả một sản phẩm tour mà công ty lữ hành cố gắng làm cho khách hàng hài lòng. Chưa kể, quảng cáo hình ảnh dịch vụ quá đà, không đúng thực tế... với thị trường khách quốc tế sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm tận dụng thông tin từ trung tâm tiếp nhận ý kiến khách hàng giúp kiểm soát chất lượng, ông Dũng công nhận vẫn gặp những trường hợp phòng kém chất lượng so với cam kết.
Đại diện một khách sạn tại TP.HCM cho rằng trường hợp dọn phòng kiểu "bất chấp" xảy ra không hiếm, và các nhân viên lau dọn thường được gắn với biệt danh "ảo thuật gia" vì làm ẩu. Cần kiểm tra và rút sao những khách sạn vi phạm.
Tuy nhiên, theo vị này, thông thường nhân viên phải dọn 10-15 phòng/ca 8 tiếng. Lượng phòng nhiều khiến nhân viên dùng nhiều cách để giảm công sức và nhanh chóng. Ngoài ra, thông thường tại nhiều khách sạn, 14h khách trả phòng và ngay sau đó có khách mới nhận phòng.
"Khoảng thời gian này quá ngắn, trong khi đó nếu dọn đúng tiêu chuẩn phải mất 45 phút - 1 tiếng/phòng tùy loại, dẫn đến nhân viên làm nhanh để kịp phòng giao cho khách đến sau. Đặc biệt, những đoàn khách lớn rất áp lực cho nhân viên" - vị này khẳng định.
Cũng theo vị này, khách sạn phải cung cấp đầy đủ khăn lau đủ lớn. Không thể dùng giẻ lau nhỏ xíu, với khoảng thời gian ngắn mà dọn sạch phòng, nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn. Ngoài ra, cần phân số lượng phòng một cách hợp lý để nhân sự có đủ thời gian thực hiện công việc được giao.
"Có đạo đức trong kinh doanh không ai làm thế"
Theo ông Tào Văn Nghệ - phó chủ tịch Hội Khách sạn Việt Nam, chuyện vệ sinh phòng khách sạn không đúng chuẩn là có thật. Nguyên nhân chủ yếu phụ thuộc ý thức cá nhân người được giao nhiệm vụ trực tiếp vệ sinh phòng trong khi thiếu sự giám sát xuyên suốt của quản lý.
Tuy nhiên, ông Nghệ cũng cho rằng nếu chủ doanh nghiệp không chính trực sẽ "cổ vũ" thêm tình trạng này. "Cần tuyển đúng người vào đúng vị trí và được đào tạo. Chủ doanh nghiệp kinh doanh bằng cái tâm, có đạo đức trong kinh doanh không ai làm chuyện này" - ông Nghệ khẳng định.
Ông Nguyễn Quang - Chủ tịch Câu lạc bộ buồng phòng Việt Nam:
Trách khách sạn làm ngơ vì muốn tiết kiệm chi phí
Tôi thật sự bị sốc khi xem hình ảnh và đọc bài về chất lượng vệ sinh trong các khách sạn của Tuổi Trẻ. Câu chuyện này không chỉ ảnh hưởng đến một đơn vị du lịch mà có thể cả ngành và cả một nghề đáng trân trọng là nghề dọn buồng phòng. Phản ánh này chắc chắn không tiêu biểu cho một ngành nhưng cũng cần nhìn lại, xem xét đạo đức người làm nghề.
Trên thực tế có rất nhiều cách để kiểm soát chất lượng vệ sinh trong các khách sạn dù người chủ khách sạn đó có nghiệp vụ hay không. Do đó, để xảy ra sự việc như bài báo phản ánh, chủ khách sạn phải là người chịu trách nhiệm và đáng trách đầu tiên.
Trong quản lý vệ sinh phòng buồng đều có quy trình rõ ràng như đầu tiên nhân viên sẽ thu hết đồ bẩn gồm drap giường và rác ra ngoài, sau đó đến thu gom khăn, vỏ gối... Vì vậy, chỉ cần có giám sát, quản lý đúng thì sẽ hạn chế tình trạng nhân viên làm ẩu, làm sai. Khi phát hiện sai thì phải có biện pháp chế tài, phạt thật nặng.
Tuy nhiên, hiện nay quy trình này chỉ được các khách sạn lớn tuân thủ, các khách sạn 2-3 sao hay nhiều điểm cho thuê giá phòng rẻ dù biết hành vi sai của nhân viên vẫn làm ngơ, do họ cũng muốn tiết kiệm chi phí.
Thực tế, nghề buồng phòng rất khan hiếm nhân sự, ngay các trường lớp đào tạo nghề này cũng khó thu hút học viên trong khi số lượng nhân viên bộ phận này luôn là một trong phần đông nhất ở các khách sạn. Dù ý thức đào tạo của khách sạn hay quy trình quản lý có nhưng đạo đức làm nghề, lòng tự trọng, trách nhiệm của nhân viên không có thì cũng khó tránh những câu chuyện tương tự.
N.BÌNH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận