24/06/2020 12:13 GMT+7

Góc khuất phía sau hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ - Kỳ cuối: Bài học từ thủ môn Bùi Tiến Dũng

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TTO - Ở Việt Nam, NMG thường chỉ giúp các cầu thủ kiếm được nhiều tiền khi ký hợp đồng chuyển nhượng và quảng cáo. Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến chuyên môn của cầu thủ.

Góc khuất phía sau hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ - Kỳ cuối:  Bài học từ thủ môn Bùi Tiến Dũng - Ảnh 1.

Sai lầm trong trận U22 VN gặp Indonesia ở vòng bảng SEA Games 2019 khiến thủ môn Bùi Tiến Dũng (giữa) mất suất bắt chính - Ảnh: N.KHÔI

Ở bóng đá thế giới, nhà môi giới (NMG) tư vấn rất kỹ lưỡng cho các cầu thủ khi chọn CLB. Nhưng ở VN, NMG thường chỉ giúp các cầu thủ kiếm được nhiều tiền khi ký hợp đồng chuyển nhượng và quảng cáo. Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến chuyên môn của cầu thủ.

Một NMG nói: "Phân tích lợi hại về khả năng phát triển chuyên môn khi chọn CLB là rất quan trọng với cầu thủ, bởi đây là tương lai lâu dài của họ chứ không phải số tiền chuyển nhượng cao trước mắt".

Tiền nhiều, chiếc ghế dự bị...

Chuẩn bị cho mùa giải 2019, CLB TP.HCM rất kỳ vọng có được chữ ký của thủ môn đội tuyển U23 VN Bùi Tiến Dũng, người vừa hết hợp đồng với CLB Thanh Hóa.

Lãnh đạo CLB TP.HCM khi đó đã tiếp xúc với NMG của thủ môn này và đưa ra mức phí cùng chế độ đãi ngộ khá tốt. Nhưng cuối cùng, Bùi Tiến Dũng đã chọn đầu quân cho CLB Hà Nội với mức phí cao hơn.

Thực tế cho thấy đó là một quyết định sai lầm của Bùi Tiến Dũng, bởi gần như suốt mùa giải 2019 anh hầu như không được ra sân khi thủ môn Nguyễn Văn Công (CLB Hà Nội) chơi quá xuất sắc. Nếu chọn CLB TP.HCM, anh chắc chắn sẽ được ra sân nhiều hơn để duy trì phong độ và phát triển chuyên môn tốt hơn.

... Và những sai lầm chuyên môn

Việc liên tục ngồi trên ghế dự bị đã khiến Bùi Tiến Dũng không có phong độ ổn định và thường mắc sai lầm trong những lần hiếm hoi được ra sân. Cụ thể, ở trận chung kết lượt đi AFC Cup 2019 liên khu vực giữa CLB Hà Nội với CLB 4.25 (Triều Tiên), sự chủ quan dẫn đến việc anh không thể cản phá được cú sút xa bất ngờ của đối thủ.

Tiếp đó, anh lại tiếp tục mắc sai lầm bắt hụt bóng trong trận U22 VN gặp U22 Indonesia ở vòng bảng SEA Games 2019. Sau đó, Bùi Tiến Dũng lại tiếp tục mắc sai lầm trong trận đấu với U23 Triều Tiên ở lượt cuối vòng bảng VCK U23 châu Á 2020. Và tiếp theo là sai lầm ở AFC Cup 2020 trong trận gặp CLB Hougang United (Singapore).

Số lần ra sân chỉ đếm trên đầu ngón tay của Bùi Tiến Dũng khi khoác áo CLB Hà Nội đã ảnh hưởng về chuyên môn rất nhiều với thủ môn 23 tuổi này. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của NMG đối với cầu thủ khi chuyển đến bến đỗ mới. Ở đây, Bùi Tiến Dũng có vẻ như đã không được NMG phân tích thiệt hơn về chuyên môn để chọn CLB Hà Nội hay TP.HCM mà chỉ nói về hợp đồng ở đâu có giá trị cao hơn.

Trong khi đó, nếu phân tích kỹ khi chuyển nhượng, một cầu thủ trẻ cần ưu tiên chọn tới một CLB có cơ hội ra sân nhiều hơn để phát triển chuyên môn (tiền ít hơn cũng được) và từ đó thu hút hợp đồng quảng cáo thay vì chọn đến một CLB lớn hơn để mỏi mòn ngồi dự bị, sa sút phong độ và mất nhiều hợp đồng quảng cáo.

Hợp đồng quảng cáo của cầu thủ: nên nhưng phải tỉnh táo

Việc Đoàn Văn Hậu (CLB Hà Nội) gia nhập CLB Heerenveen (Hà Lan) có đóng góp của anh Nguyễn Đắc Văn - một Việt kiều Đức đang làm chủ Công ty bóng đá Football Total chuyên về tiếp thị thể thao và quản lý cầu thủ.

Anh cũng được xem là người đại diện của Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Hà Đức Chinh... Tuy nhiên, anh Văn lại không thừa nhận mình là người đại diện của các cầu thủ này mà chỉ là người hỗ trợ cho họ trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân.

Với việc giúp sức của anh Văn, những ngôi sao như Quang Hải, Văn Hậu, Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dũng đã xuất hiện với hình ảnh chuyên nghiệp hơn và có nhiều hợp đồng quảng cáo giá trị. Ngay trên Facebook cá nhân, mỗi status quảng cáo sản phẩm mà các cầu thủ này đưa lên cũng có giá trị vài chục triệu đồng hoặc cả trăm triệu đồng.

Với những cầu thủ thuộc công ty quản lý, giá trị hợp đồng quảng cáo có được sẽ phải chi hoa hồng cho công ty. Còn với những NMG hay người đại diện không chính thức, một NMG cho biết: "Chúng tôi quy định với nhau rất rõ: dưới 100 triệu, tôi hưởng 10%, còn trên thì

20-30%. Năm vừa rồi, tôi nằm trong tốp 3 người đem đến tổng giá trị hợp đồng lớn cho một cầu thủ ngôi sao. Cầu thủ này không có người đại diện, cứ có hợp đồng, giới thiệu cho anh ấy là có %".

Nhưng mặt trái của những hợp đồng quảng cáo là ảnh hưởng về chuyên môn. Cụ thể, "bầu" Hiển của CLB Hà Nội từng phải lên tiếng chỉ đạo Quang Hải hạn chế đi đóng quảng cáo để tập trung vào chuyên môn. Ông Hiển cho rằng những cầu thủ mới có chút thành tích nếu chỉ lo đóng quảng cáo, không tập trung chuyên môn thì khó có thể duy trì được phong độ.

Cần xây dựng, gìn giữ hình ảnh tích cực

Quang Hải là "ngôi sao" hàng đầu của bóng đá VN, tuy nhiên việc xây dựng, gìn giữ hình ảnh của anh lại không cho thấy sự chuyên nghiệp của một cầu thủ lớn.

Lướt qua Facebook cá nhân của Quang Hải và một số ngôi sao khác của bóng đá VN có thể thấy hầu hết các bài viết, hình ảnh, clip được đưa lên là thông tin quảng cáo để kiếm tiền. Rất hiếm khi thấy các hoạt động vì cộng đồng của các ngôi sao. Những điều này xuất phát từ sự thiếu chuyên nghiệp trong xây dựng hình ảnh của cầu thủ VN.

Để xây dựng hình ảnh VĐV, trong đó có cầu thủ, cách tốt nhất là cho người hâm mộ thấy nỗ lực tập luyện và những giờ phút thi đấu thăng hoa của mình. Mặt khác, là người của công chúng, nhận được nhiều giá trị vật chất đến từ sự nổi tiếng của mình do cộng đồng mang lại, các ngôi sao nên ý thức về việc gìn giữ hình ảnh cá nhân để góp phần truyền cảm hứng tích cực đến cộng đồng.

Điển hình, cựu ngôi sao Kiatisak (Thái Lan) dù đã rời xa sự nghiệp cầu thủ và HLV từ lâu nhưng trên Facebook, người xem vẫn nhìn thấy sự nỗ lực tập luyện hằng ngày, lối sống lành mạnh của anh.

Còn tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic xuất hiện thường xuyên trên Facebook với hình ảnh tập luyện chuyên nghiệp. Anh cũng thường xuyên tham gia các dự án cộng đồng, chương trình thiện nguyện để tri ân người hâm mộ và sự đóng góp của xã hội đối với thành công mà mình có được.

KHƯƠNG XUÂN

Góc khuất phía sau hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ - Kỳ 3: Nghề lắm rủi ro Góc khuất phía sau hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ - Kỳ 3: Nghề lắm rủi ro

TTO - Hiện nay, ai cũng làm nhà môi giới được. Nói như chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng: "Chỉ cần thân quen cầu thủ cũng có thể làm nhà môi giới".

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp